Cảnh giác hình thức cho thuê phòng ở trên hội nhóm du lịch
Với việc nhu cầu đi du lịch ngày một tăng cao, trên không gian mạng xuất hiện nhiều đối tượng giả danh là những nhân viên làm việc tại các khách sạn, homestay, resort,... mời chào dụ dỗ nạn nhân đặt phòng rồi sau đó chiếm đoạt tiền cọc.
Theo thông tin từ Cục An toàn thông tin, đối tượng đã truy cập Fanpage “Review Cô Tô tất tần tật” trên Facebook, tìm kiếm nạn nhân có nhu cầu mua vé và đặt phòng khách sạn. Khi có người đăng bài, đối tượng chủ động liên hệ, giới thiệu về phòng khách sạn và các dịch vụ mà mình cung cấp. Theo cơ quan Công An tỉnh Quảng Ninh, đối tượng đã thực hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại với tổng số tiền khoảng 100 triệu đồng.
Ban đầu, các đối tượng lừa đảo sẽ lập ra nhiều tài khoản mạng xã hội ảo hoặc giả mạo, đăng tải nhiều hình ảnh có sẵn trên trang cá nhân về nhà nghỉ, khách sạn, homestay,... đi kèm là những nội dung như lời giới thiệu, mời chào du khách đến nghỉ với mức giá vô cùng ưu đãi và hấp dẫn. Sau đó, các đối tượng sẽ tham gia vào các Fanpage, nhóm chat liên quan tới du lịch, tìm kiếm người có nhu cầu tìm và đặt phòng, từ đó chủ động liên hệ và tiếp cận.
Khi nói chuyện với nạn nhân, các đối tượng nhiệt tình tư vấn về các dịch vụ cũng như đưa ra mức giá vô cùng hợp lý, đi kèm với nhiều hình ảnh nhằm gia tăng mức độ uy tín. Sau khi chiếm được lòng tin của nạn nhân, các đối tượng sẽ yêu cầu nhanh chóng chuyển tiền đặt cọc với lý do khách sạn, nhà nghỉ quá tải, nếu không đặt trước sẽ không còn phòng trống. Sau khi nhận được tiền cọc, các đối tượng sẽ chặn tài khoản và cắt đứt liên lạc với nạn nhân.
Trước thực trạng lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cẩn trọng khi đặt phòng nhà nghỉ, khách sạn thông qua các nền tảng mạng xã hội. Kiểm tra và xác minh kỹ thông tin về vị trí, cơ sở vật chất của nơi ở cũng như lai lịch của người cung cấp dịch vụ. Tuyệt đối không chuyển tiền đặt cọc đối với những khách sạn, nhà nghỉ ít được nhiều người biết đến. Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo ngay với các đơn vị chức năng để kịp thời ứng phó và ngăn chặn hành vi lừa đảo.
Lừa đảo mua vé máy bay, tour du lịch giá rẻ trên mạng xã hội
Cục An toàn thông tin mới đây đã đưa ra cảnh báo về một số hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn giả mạo các công ty lữ hành, du lịch, phòng vé máy bay để bán các tour, vé máy bay, book phòng khách sạn trên mạng xã hội.
Theo đó, các đối tượng thường giả mạo các công ty du lịch nổi tiếng, đính kèm trong bài đăng số điện thoại dễ nhớ và tên tài khoản ngân hàng uy tín, minh bạch. Nội dung bài đăng thường là quảng bá về các chương trình khuyến mãi, voucher với ưu đãi lớn và số lượng có hạn.
Sau khi nạn nhân hoàn tất chuyển tiền đặt cọc, các đối tượng gửi mã code vé, code đặt phòng cho nạn nhân. Kẻ xấu đã khiến nhiều người sập bẫy khi không thể ngờ rằng chúng không hề thanh toán tiền trên hệ thống mà chỉ lợi dụng tính năng hỗ trợ đặt vé, đặt phòng của một số khách sạn hay hãng máy bay, cho phép khách hàng đặt lấy mã trước và thanh toán chậm trong vòng 12-24h. Chỉ khi khách hàng đến sân bay hay địa điểm du lịch thì mới biết mình đã bị lừa.
Trước thực trạng lừa đảo, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi tham gia mua bán vé máy bay trên các nền tảng mạng xã hội. Xác minh kỹ thông tin của công ty, yêu cầu đối tượng cung cấp hợp đồng Công ty, có dấu chữ ký của giám đốc và thực hiện các biện pháp tra cứu để xác thực tên miền website, hồ sơ đăng ký kinh doanh, địa chỉ và mã số thuế Công ty trước khi thực hiện giao dịch. Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo ngay với lực lượng chức năng, chia sẻ qua mạng xã hội để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi lừa đảo lan rộng.
Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo cấp hộ chiếu du lịch, xuất khẩu lao động
Theo Cục an toàn thông tin, ban đầu, các đối tượng lừa đảo tìm kiếm người có nhu cầu xuất cành trên các trang mạng xã hội, tiếp cận và hướng dẫn họ thực hiện các thủ tục, yêu cầu gửi ảnh chân dung và căn cước công dân để thực hiện thủ tục cấp hộ chiếu.
Sau một khoản thời gian, các đối tượng gửi ảnh hộ chiếu giả mạo (hình ảnh được cắt ghép, chỉnh sửa thông tin), thông báo chi phí xuất cảnh và yêu cầu nạn nhân đóng cac khoản phí vào tài khoản ngân hàng mà đối tượng cung cấp.
Kẻ lừa đảo còn gửi hình ảnh chụp visa giả mạo nhằm chiếm dụng lòng tin của nạn nhân, đồng thời thông báo thời gian xuất cảnh, yêu cầu nạn nhân có mặt tại sân bay để nhận giấy tờ và làm các thủ tục cần thiết.
Sau đó, các đối tượng gửi "Văn bản xác minh chứng minh nguồn thu nhập và tài chính" giả mạo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh và yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản (số tài khoản và thông tin giả mạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh) để chứng minh tài chính và cam kết sẽ hoàn trả lại sau khi nộp tiền 30 - 40 phút.
Lúc này, các đối tượng mạo danh là cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an liên tục gọi thúc giục người dân nộp tiền hoàn thiện hồ sơ để chiếm đoạt.
Trước tình hình lừa đảo, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cảnh giác khi tìm kiếm dịch vụ làm giấy tờ xuất cảnh trên các trang mạng xã hội.
Hiện tại, Cục Quản lý xuất nhập cảnh chỉ cung cấp dịch vụ qua cổng thông tin điện tử https://xuatnhapcanh.gov.vn/, các tài khoản, fanpage Facebook cung cấp dịch vụ như trên đều là giả mạo.
Tuyệt đối không cung cấp hình ảnh và thông tin cá nhân, không chuyển tiền cho các đối tượng lạ. Khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, các tổ chức, cá nhân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để giải quyết theo quy định.