Cuộc sống kỳ lạ và có phần gò bó của các cô là nội dung bài báo nhan đề "Những cô gái Triều Tiên sống khép kín tại Bắc Kinh" của tờ Foresight xuất bản tại Tokyo và được Đài RFI (Pháp) trích dẫn lại. Bài viết này được một nhà báo Nhật thực hiện sau 3 năm bỏ thời gian điều tra.
Có gì lạ trong những nhà hàng Triều Tiên ở Bắc Kinh?
Hôm 31/3 năm nay, một nhà hàng Triều Tiên, tạm gọi là Z, nằm tại khu Sanlitun, một khu phố náo nhiệt của Bắc Kinh, đã đóng cửa mà không hề báo trước cho một khách hàng nào dù trung thành nhất.
Nhà hàng Z khai trương tháng 4/2012, chủ đầu tư là một công ty Trung Quốc hợp tác với khách sạn hạng sang Koryo Hotel ở Bình Nhưỡng. Giám đốc do phía Trung Quốc bổ nhiệm, còn các nhân viên phục vụ và đầu bếp được đối tác Triều Tiên gửi sang.
Nhà hàng dọn những món đặc sản Triều Tiên như kim chi, naengmuon (mì lạnh), thịt chó nấu theo kiểu miền Bắc, bia Taedonggang. Khách hàng được chào đón bởi những thiếu nữ tuổi đôi mươi thanh mảnh, nước da trắng, mặc những bộ chima jeogori truyền thống hai màu đỏ và trắng.
Người ngoại quốc khó có dịp gặp gỡ những cô gái của đất nước khép kín Triều Tiên. Đến dùng bữa ở các nhà hàng loại này, họ có thể gợi chuyện với những người đẹp bí ẩn và nếu may mắn thì còn được bắt tay các cô.
Còn nhà hàng thì lợi dụng sự tò mò của khách, bán đắt hơn những tiệm ăn xung quanh và tính thêm phí phục vụ 10%.
Z là nhà hàng sang trọng với phòng ăn lớn 80 chỗ, hơn một chục phòng ăn riêng, được trang trí bằng những ngọn đèn chùm lộng lẫy và một bức tranh phong cảnh Triều Tiên thật to.
Cơ sở này làm ăn phát đạt, các cán bộ lãnh đạo và doanh nhân Trung Quốc thường xuyên lui tới và cả những nhóm du khách Hàn Quốc. Điểm thu hút chính là chương trình biểu diễn hằng đêm từ 19 giờ. Các cô gái phục vụ chơi trống, organ, ghi-ta…hai cô xinh nhất thì hát.
Nữ phục vụ người Triều Tiên biểu diễn âm nhạc giúp vui cho khách hàng trong một nhà hàng Triều Tiên ở Trung Quốc
Cuộc sống gò bó, nhưng được ăn uống thỏa thích
Trái với khách hàng tìm đến đây để giải trí, các cô nhân viên trẻ đẹp lại có cuộc sống hết sức trói buộc. Cả ba mươi cô phục vụ sống trong một căn hộ bốn phòng gần đại sứ quán Triều Tiên, ngủ trên những chiếc giường đôi.
Do chỉ có một nhà tắm và toilette nên thường xuyên phải xếp hàng chờ đợi. Các cô không có quyền sử dụng điện thoại di động cũng như internet, chỉ có thể xem những DVD âm nhạc Triều Tiên.
Tất cả những quà tặng của khách như mỹ phẩm và quần áo hàng hiệu đều bị tịch thu và gửi về Bình Nhưỡng, chỉ được sử dụng hàng nội hóa do Koryo Hotel cung cấp.
Tuy nhiên nhờ làm việc ở nhà hàng Z, các thiếu nữ này có thể tha hồ ăn thịt, cá, trứng, yaourt, trái cây tươi tùy ý – một điều khó thể có tại Bình Nhưỡng dù các cô thường xuất thân từ các gia đình trung lưu hay thượng lưu.
Mặc dù làm việc không ngơi nghỉ, các nữ nhân viên được trả lương 5.000 nhân dân tệ một tháng nhưng thực tế chỉ lĩnh 700 nhân dân tệ, hơn nữa chỉ được nhận khi nào trở về nước.
Có đến 86% số tiền lương nhân viên do đối tác Trung Quốc trả đều được chuyển cho Koryo Hotel, và tất nhiên do chế độ sử dụng.
Nhà hàng đóng cửa vì... Bình Nhưỡng thử hạt nhân
Ban đầu Koryo Hotel là chi nhánh của Cục 38, chuyên thu thập ngoại tệ từ các khách sạn, nhà hàng và ngoại thương để cung cấp cho quỹ của đảng Lao Động. Đến năm 2009, Cục 38 được sáp nhập vào Cục 39 rồi bị giải thể, và nay Koryo Hotel trực thuộc Ban Botanho của Hội đồng Bộ trưởng.
Theo một doanh nhân Triều Tiên làm việc tại Trung Quốc, đến cuối 2014 có 26 nhà hàng của Bình Nhưỡng tại trung tâm Bắc Kinh. Nhưng từ khi Tập Cận Bình tung ra chiến dịch chống tham nhũng, số khách hàng Trung Quốc giảm hẳn.
Và sau vụ thử hạt nhân hồi đầu năm cũng như nhiều vụ bắn tên lửa sau đó, chính phủ Hàn Quốc kêu gọi công dân không nên đến các nhà hàng Triều Tiên nên số du khách Hàn Quốc cũng vắng đi. Đến tháng Tư năm nay, có bảy nhà hàng Triều Tiên đã phải đóng cửa.
Nhà hàng Z cũng nằm trong số này, nhưng đang chờ đợi cơn bão đi qua, nên không đưa 30 nhân viên của mình về nước. Các cô vẫn ở chỗ cũ, bị cấm ra ngoài, mỗi ngày chỉ được ăn một bát cơm, một ít thức ăn và một lát bánh mì.
Thăng trầm thời cuộc và các cô gái bí ẩn
Vì sao không cho phép các nhân viên phục vụ tạm thời quay về Triều Tiên? Giám đốc người Trung Quốc thầm thì với phóng viên, đó là vì các cô nhập cảnh với tư cách "sinh viên ngoại quốc".
Bắc Kinh biết nhưng làm lơ, nay quan hệ đôi bên xấu đi, Trung Quốc có thể áp dụng quy định chặt chẽ hơn. Nếu về nước, các thiếu nữ này chỉ có thể trở lại Trung Quốc sau khi hoàn thành các thủ tục hành chính phức tạp và tốn kém.
Ngoài Trung Quốc, các nhân viên Triều Tiên còn hiện diện tại 17 nước trong đó có Nga và Mông Cổ, tổng cộng khoảng 50.000 người.
Hộ chiếu của họ bị đại sứ quán Triều Tiên giữ lại và họ bị buộc phải làm việc rất nhiều giờ trong ngày. Mỗi năm Bình Nhưỡng thu được 1,2 đến 2,3 tỉ đô la từ những người lao động này và cộng đồng quốc tế bắt đầu điều tra về nguồn tiền luân chuyển.
Tuy nhiên ban giám đốc Z vẫn không bi quan về việc tái khởi động loại hình kinh doanh kiếm tiền dễ dàng nhờ các cô gái Triều Tiên trẻ đẹp - chỉ cần chờ dư luận quốc tế lắng dịu.
Điều nghịch lý là nếu các cô không còn gắn bó với sự bí ẩn của đất nước Triều Tiên, trở thành những "cô gái bình thường", thì khó thể thu hút được những người khách tò mò.
Tóm lại là những thăng trầm của các nhà hàng Triều Tiên ở nước ngoài chính là chiếc phong vũ biểu cho mức độ cải cách và mở cửa của Bình Nhưỡng.