Những người ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương “bắt bệnh ông trời” ở căn phòng không bao giờ tối

THẢO ANH - LINH TRANG |

“Đột nhập” đại bản doanh Trung tâm Điều hành Tác nghiệp Khí tượng Thủy văn vào một đêm trực bão số 4, chúng tôi được trải nghiệm mùi vị “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” của những người làm nghề dự báo thời tiết.

Căn phòng không bao giờ tắt đèn

Gần 22h đêm 17.8, khi tâm bão số 4 Bebinca đang ở ngay vùng biển ngoài khơi từ Hải Phòng đến Nghệ An, tại Trung tâm Điều hành Tác nghiệp Khí tượng Thủy văn, chúng tôi choáng ngợp bởi căn phòng tràn ngập ánh sáng.

Màn hình trung tâm hiển thị chằng chịt bản đồ, ảnh mây cắt từ vệ tinh, những con số quan trắc, lượng mưa, sức gió ở khắp nơi đổ về. Những người làm khí tượng gọi đó là căn phòng không bao giờ tối, một Hà Nội không ngủ trong lòng một Hà Nội đã ngủ yên.

Những người ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương “bắt bệnh ông trời” ở căn phòng không bao giờ tối - Ảnh 1.

Cuộc họp khẩn lúc 22h30. Ảnh: LT

 Trước khi bước vào căn phòng đó, chúng tôi cứ ngỡ: giới dự báo, quan trắc viên trực đêm sẽ hiếm hoi phụ nữ. Ai có thể ngờ, quân số nữ đông ngang ngửa nam.

Chị Trịnh Thu Phương – Trưởng phòng Dự báo Thủy văn Bắc Bộ bộc bạch: “Người mẹ nào đêm cũng muốn ôm ấp con nhưng làm nghề này lắm lúc đến ca trực, con ốm vẫn phải đi”.

Cuộc họp báo cáo tình hình khí tượng thủy văn diễn ra khẩn trương vào lúc 22h30, ngay trước giờ ra bản tin dự báo. 

Khi đồng hồ điểm 0h, tòa nhà kính hút gió, có thể nghe tiếng gió rít bên tai đến lạnh người nhưng những cán bộ khí tượng vẫn hờ hững như không. Có lẽ thứ âm thanh đó đã quen thuộc đến độ thường tình. Mắt họ vẫn dán vào màn hình máy tính với chằng chịt những số liệu quan trắc.

Ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho hay: “Khi có dự báo tình hình bão, lũ thì chúng tôi huy động khoảng 25 cán bộ trực đêm. Tất cả mọi người thức chong chong từ đầu giờ đêm cho đến sáng. Một người ngủ là cả dây chuyền ngủ vì các công việc móc nối với nhau.

Từ người đưa ra số liệu về mưa rơi xuống cao bao nhiêu thì người làm về lũ lại phải cảnh báo lũ. 

Các công việc liên hoàn từ đó mới đưa ra một bản tin cụ thể về cả tình hình khí tượng, thủy văn, hải văn. Một năm có khoảng 6 đến 7 cơn bão đổ bộ trực tiếp đến đất liền nước ta. 

Cơn bão càng mạnh càng phải trao đổi khẩn trương. Mà đã là bão thì không có ranh giới, thế nên kể cả bão ở bên Nhật, bên Trung Quốc chúng tôi cũng đã canh cánh bất an”.

Mục sở thị cảnh ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương

Ở trong căn phòng không bao giờ tối, chúng tôi mục sở thị cảnh “ăn tranh thủ ngủ khẩn trương” của những cán bộ khí tượng. 1h sáng,  “thực đơn theo yêu cầu” về đến bản doanh. Khi là suất xôi xéo, cái bánh mì lúc úp vội bát mì nhanh gọn. Họ ăn vội vàng rồi lại trở về “ôm” máy tính phân tích số liệu diễn biến. 

Những người ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương “bắt bệnh ông trời” ở căn phòng không bao giờ tối - Ảnh 3.

Những bữa ăn đêm vội vàng.

Mấy chục năm làm trong ngành Khí tượng, ông Lê Thanh Hải vẫn nhớ mãi năm 2012 khi cơn bão Sơn Tinh đổ bộ vào miền Bắc: "Cơn bão đó rất mạnh, tôi vừa từ đoàn khảo sát về đến cơ quan hơn 1h sáng, chỉ định tranh thủ chợp mắt 30 phút rồi dậy tiếp tục tác chiến. 

Ngủ vội, tôi cũng không khóa cửa phòng, vừa chợp mắt một cái có 2 người cứ thế tự mở cửa xông vào dựng dậy. Tôi giật mình, hoảng hốt.

Những người ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương “bắt bệnh ông trời” ở căn phòng không bao giờ tối - Ảnh 4.

Trong lúc mơ màng ngủ, cứ nghĩ ai đó đến bắt cóc mình. Nhưng kỳ thực là bắt cóc lên truyền hình. Hai đồng chí đó là phóng viên Ban Thời sự - Đài Truyền hình Việt Nam. Té ra hai đồng chí mời mình dậy để lên sóng, có những chương trình Thời sự ngay trong đêm theo sát tình hình mưa bão. Nghề chúng tôi là thế”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại