Nếu tài xế không bảo dưỡng, súc rửa động cơ ô tô thường xuyên thì sẽ làm xe nhanh hỏng, hao nhiên liệu.
Động cơ ô tô được hiểu một cách đơn giản là “trái tim” quyết định tới khả năng vận hành, chi phí hoạt động, độ bền và cả giá trị bán lại của một chiếc xe. Chính vì vậy, nó luôn là chi tiết được chăm sóc hàng đầu.
Để động cơ hoạt động ổn định, bền bỉ thì bảo dưỡng là hành động bắt buộc không thể bỏ qua. Bởi khi hoạt động một thời gian dài, những muội than (một dạng carbon vô định hình) sản sinh trong quá trình đốt cháy không hoàn toàn của động cơ và tích tụ lại bám vào xupap, đầu piston, thành xi lanh hay bugi…
Dầu nhớt bám vào làm động cơ ô tô nhanh hỏng, hao nhiên liệu. (Ảnh minh họa).
Về lâu dài, lớp muội than dày có thể làm xước thành xi lanh hay ảnh hưởng tới tỉ số nén động cơ khiến máy ì, ồn, giật cục và tốn nhiều nhiên liệu hơn. Muội than carbon bám dày đặc bên trong động cơ ảnh hưởng nhiều tới hiệu suất, mức tiêu hao nhiên liệu và độ bền.
Có nhiều nguyên nhân khiến muội than hình thành nhanh trong đó chủ yếu do công nghệ động cơ cũ, chất lượng nhiên liệu và cả cách vận hành xe nhất là trong thành phố. Mặc dù hiện nay nhiều công nghệ động cơ mới đã giúp hạn chế tối đa muội than hình thành nhưng với điều kiện nhiên liệu chưa đảm bảo tại Việt Nam thì việc quan tâm tới vấn đề vệ sinh khoang động cơ vẫn rất cần thiết giúp xe vận hành trơn tru hơn.
Ngoài ra, nhu cầu sử dụng xe thông thường là để di chuyển trong đô thị, thế nên người lái thường phải chạy với vận tốc thấp và dừng lại chờ đen đỏ giao thông. Điều này sẽ khiến dầu bôi trơn không được lưu thông liên tục, dễ bị đóng cặn và ứ đọng theo thời gian trong lòng động cơ. Các chất bẩn này sẽ khiến nhớt không thể chạy được hết vào các ngóc ngách trong máy.
Thế nên, bạn phải súc rửa động cơ bằng các dung dịch tẩy rửa chuyên dụng để loại bỏ các chất bẩn, giúp nhớt được lưu thông tới từng bộ phận trong động cơ.
Lọc nhớt có chức năng giữ lại các chất bẩn với kích thước lớn hơn 25 microns (bằng 1/1000 của 1 inch). Thế nên với các chất bẩn nhỏ hơn kích thước trên sẽ không được giữ lại, dần dần chúng sẽ tích tụ lại thành dạng bùn bên trong động cơ, cản trở đến khả năng vận hành của các chi tiết máy.
Với dạng chất bẩn này, cho dù bạn thay nhớt mới cũng không thể loại bỏ được, để loại bỏ chúng bàn phải sử dụng các dung dịch tẩy rửa động cơ chuyên dụng.
(Ảnh minh họa).
Các chi tiết cơ khí sẽ bị bám bẩn khi cặn bẩn và bùn tích tụ quá lâu trong phần động cơ khiến bộ phận này hình thành 1 lớp keo dính và cản trở các chi tiết này hoạt động. Bên cạnh đó, nó còn làm tăng mức nhiên liệu tiêu hao, động cơ bị ăn mòn nhanh hơn và phải tốn nhiều chi phí khi mang đi sửa chữa.
Khi bạn thay nhớt mới, nếu bạn không súc rửa thì các chất bẩn, kim loại và 1 phần nhớt cũ vẫn còn trong động cơ. Súc rửa động cơ trước khi thay dầu mới sẽ đảm bảo rằng các chất bẩn đã được loại bỏ giúp lượng nhớt mới thay vào đảm bảo độ sạch. Đây là lý do chính khiến các kỹ thuật viên sửa chữa luôn súc rửa động cơ trước khi thay nhớt mới.
Thường xuyên súc rửa động cơ còn giúp khả năng vận hành được ổn định, tăng tuổi thọ cho các bộ phận liên quan, loại bỏ được các tác nhân có thể dẫn tới hư hỏng trong động cơ, giúp bạn tiết kiệm được khoản chi phí đáng kể khi sửa chữa.