Triệu hồi xe
Những đợt triệu hồi xe năm nào cũng diễn ra và 2019 cũng không phải ngoại lệ. Trong năm vừa qua, hàng chục mẫu xe nằm trong diện triệu hồi với rất nhiều lỗi, từ nhỏ đến nghiêm trọng. Có những mẫu xe bị triệu hồi tới hàng chục ngàn chiếc.
Ford Ranger và Everest có số lượng xe bị triệu hồi nhiều nhất, với lần lượt 32.741 chiếc và 23.406 chiếc. Trong đó, 25.288 chiếc Ranger gặp lỗi với ống dầu phanh trước khiến dầu phanh bị thất thoát và ảnh hưởng tới chất lượng phanh. Số xe Ranger còn lại cùng Everest bị triệu hồi để khắc phục lỗi túi khí Takata.
Mitsubishi Xpander cũng là tâm điểm của năm nay khi "tân binh" có doanh số bứt phá thần tốc này bị triệu hồi tới 14.501 chiếc. Lỗi được đưa ra có liên quan tới bơm xăng, dẫn đến không thể khởi động động cơ hoặc động cơ ngừng hoạt động khi đang vận hành.
Một số mẫu xe khác có số xe lỗi lên tới cả ngàn chiếc như Toyota Rush hay Mercedes-Benz C-Class và E-Class. Tổng cộng 1.592 chiếc Rush phải thay thế hộp điều khiển (ECU) túi khí trung tâm, trong khi 1.648 chiếc C 200, C 250, C 300, E 200, E 250 và E 300 phải thay hộp điều khiển và cụm cơ cấu lái.
Ngoài ra, còn nhiều mẫu xe bị triệu hồi khác nhưng số lượng ít hơn, như 21 chiếc Audi Q5 nghi rò rỉ dầu phanh, 25 chiếc Audi Q3 càn cập nhật phần mềm, 168 chiếc Subaru Forester lỗi lực siết đai ốc lắp ống xả trước, 900 chiếc BMW 3-Series gặp lỗi đường dây điện và bộ điều khiển quạt gió điều hoà hay 10 chiếc Lexus LS 500 cần thay thế lốp...
Lỗi và thiếu sót của sản phẩm được chính người dùng bóc tách
Có những lỗi hay thiếu sót mà nhà sản xuất chưa kịp được phát hiện thì người dùng đã nhận ra trong quá trình sử dụng. Có những trường hợp được hãng ghi nhận và đưa ra chương trình triệu hồi.
Honda đã nhận được một số phản hồi của khách hàng về việc mẫu xe CR-V bị cứng chân phanh khi đang chạy với chế độ ga tự động (Cruise Control) và người lái đặt nhẹ chân lên bàn đạp phanh.
Theo giải thích của hãng, đây không phải lỗi chất lượng xe mà bởi cảm biến nhận biết vấn đề bất thường với hệ thống trợ lực phanh hoạt động nên sẽ đổi sang hệ thống thay thế nhằm đảm bảo an toàn, tuy nhiên sẽ khiến người lái có cảm giác không thoải mái khi đạp phanh.
Đối thủ của CR-V là X-Trail cũng bị người dùng tố có hiện tượng lạ trong quá trình sử dụng. Đó là việc dầu bị lọt ra từ vị trí đầu hộp số tiếp giáp động cơ. Nissan giải thích rằng đó chỉ là dầu chống gỉ và việc lọt dầu như vậy không gây nguy hiểm.
Đối với mẫu Xpander, một số khách hàng phản ánh về việc xe đang đi thì chết máy. Theo xác minh của hãng, lỗi này có liên quan tới cặn xăng, dẫn đến lỗi hệ thống bơm nhiên liệu của xe.
Mặc dù chiếc xe được kiểm tra tại Việt Nam là do cặn xăng nhưng phía Mitsubishi tại Philippines đã xác nhận có những trường hợp tương tự và lỗi xuất phát từ chính bộ bơm xăng, tức là vấn đề của xe chứ không phải do xăng.
Mẫu xe Fadil của VinFast từng bị phàn nàn về việc thiếu chắn bùn phía sau, khi người dùng nhận thấy bùn bắn lọt qua cản sau và tràn ra dưới hốc đèn. Hãng xe Việt đã nhanh chóng khắc phục bằng việc lắp món phụ tùng này miễn phí tại đại lý.
Xe gặp nạn không bung túi khí
Đã có nhiều vụ ô tô gặp nạn nhưng túi khí không bung trong vài năm qua. Trong năm nay, một số mẫu xe mới vừa ra mắt đã gặp phải tình trạng tương tự.
Hồi tháng 8, tại Bắc Ninh, một chiếc Toyota Camry 2019 vừa mới ra biển trong khi xuống hầm đã đâm vào dải phân cách nên vỡ nát phần đầu. Điều gây chú ý là túi khí trong xe không hề bung. Chiếc xe này được trang bị tới 7 túi khí trong xe.
Cũng trong tháng 8, tại Bắc Ninh, một chiếc VinFast Fadil đâm vào gốc cây, vỡ cản trước nhưng không bung túi khí. Sau đó, đoạn clip ghi lại sự việc đã tiết lộ lý do không bung túi khí là bởi chiếc xe chỉ quệt phía bên, chưa đúng vị trí để cảm biến kích hoạt túi khí.
Trước đó, hồi tháng 2, chiếc Kia Cerato 2019 cũng vừa mới mua đã gặp nạn tại Tây Ninh. Phần vỏ xe bị hư hại nặng nề nhưng túi khí trong xe không bung.
Nguyên nhân không bung túi khí được lý giải là bởi chiếc Cerato này chỉ có 2 túi khí trước, trong khi lại va chạm ngang hông với chiếc xe tải, nên túi khí không thể bung. Lý do cản xe bung ra là bởi mài xuống mặt đường.
Đường "lưỡi bò" trên ô tô tại Việt Nam
Chiếc ô tô đầu tiên bị phát hiện có đường "lưỡi bò" là Zotye Z8. Mẫu ô tô Trung Quốc hiển thị đường "lưỡi bò" trong phần mềm bản đồ. Chi tiết này thể hiện sự xâm phạm tới chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Sau khi nhận được phản hồi, nhà phân phối dòng xe này đã nhanh chóng cho gỡ phần mềm bản đồ ra khỏi xe.
Tưởng chừng như mọi việc đã lắng xuống, chiếc Volkswagen Touareg tạm nhập từ Trung Quốc về để trưng bày tại VMS 2019 cũng bị phát hiện có bản đồ hình lưỡi bò.
Tổng cục Hải quan và một số đơn vị liên quan đã đề xuất phương án xử lý chiếc xe, trong đó có việc tịch thu chiếc xe này và gỡ bỏ phần mềm, đồng thời xử phạt hành chính đơn vị nhập chiếc xe về và trưng bày xe tại VMS.
Bán xe kiểu "bia kèm lạc"
Tình trạng bán xe yêu cầu khách phải mua thêm phụ kiện từng có giai đoạn đỉnh điểm trong năm 2018, khi xe nhập khó về. Bước sang năm 2019, tuy ô tô nhập khẩu đã vượt "rào" Nghị định 116, một số mẫu xe đợt đầu năm vẫn trong tình trạng "bia kèm lạc", như Honda CR-V nhập Thái Lan hay Toyota Fortuner nhập Indonesia.
Có những gói phụ kiện có giá tới cả trăm triệu đồng. Đến thời điểm này, cả 2 mẫu SUV đã hết "lạc" và thậm chí được bán dưới giá niêm yết.
Toyota Camry 2019 đợt mới ra mắt hồi tháng 5 cũng bị bán "kèm lạc" tại đại lý. Khách mua xe phải trả 50 triệu đồng mua phụ kiện mới được giao xe ngay. Tương tự CR-V và Fortuner, Camry đã thoát khỏi cảnh bán kèm phụ kiện và được bán đúng giá tại đại lý. Phiên bản 2.0G còn được bán thấp hơn giá niêm yết.
Đại lý ồ ạt nhận cọc, không hẹn ngày giao xe
Kể từ khi ô tô nhập khẩu được "thả cửa", các đại lý thoáng hơn trong việc nhận cọc xe. Dù chưa chắc chắn thời gian xe về, các tư vấn bán hàng vẫn ký giấy nhận đặt cọc trước. Hậu quả là có những trường hợp người bán hẹn thời gian xe về nhưng trên thực tế, rất nhiều tháng sau, khách mới nhận được xe.
Ví dụ như mẫu Suzuki Ertiga, có khách hàng tại Mỹ Tho đặt cọc phiên bản MT từ tháng 6 nhưng đến tháng 11 vẫn chưa có xe. Người này cho biết đã quyết định rút cọc.
Việc nhận cọc cũng khiến thị trường xôn xao với những tân binh, điển hình như Honda BR-V, Nissan Livina hay Suzuki XL6,... Nhưng theo xác nhận của các nhà sản xuất, những mẫu xe này chưa có lịch về Việt Nam.
Một số vụ lùm xùm khác
Vẫn còn nhiều "phốt" khác trên thị trường ô tô Việt Nam trong năm vừa qua. Một số vụ có liên quan tới đại lý, từng gây tranh cãi không ngớt trên mạng xã hội.
Hồi tháng 9, một khách hàng mang xe Suzuki Ertiga bị hư hỏng tới đại lý ở Bình Định để làm bảo hiểm. Mặc dù chưa làm bảo hiểm, người này vẫn phải chi trả 5,75 triệu đồng tiền để xe ở đại lý trong 3 tháng.
Đại diện đại lý đã xác nhận nhưng phản hồi rằng chi phí đó phải trả cho cầu đỗ xe, giàn kệ đựng phụ tùng và các thiết bị hỗ trợ khác. Tuy nhiên, đa số ý kiến của trong nhóm người sử dụng xe Suzuki Ertiga cho rằng việc tính phí để xe tại đại lý là vô lý.
Một sự việc khác liên quan tới đại lý thời gian gần đây là việc báo giá sai phụ tùng xe VinFast khiến chủ xe phát hoảng.
Cụ thể, thước lái chiếc Lux A2.0 bị hư hỏng do tai nạn được đại lý báo giá gần 350 triệu đồng. Rất nhiều bình luận cho rằng giá như vậy là vô lý. Sau đó, VinFast đã nhanh chóng đính chính rằng đại lý báo giá sai và giá món phụ tùng đó chỉ chưa đến 30 triệu đồng.
Mặc dù chỉ liên quan gián tiếp đến đại lý, sự việc một cô gái ăn mặc hở hang hồn nhiên lăn lộn chụp ảnh cũng những chiếc ô tô tại VMS 2019 cũng gây bức xúc dư luận.
Nhiều ý kiến tỏ ra ngạc nhiên khi không hiểu sao người phụ trách gian hàng là những nhân viên đại lý khi đó lại để cô gái này thực hiện những hành động phản cảm như vậy. Cô gái đó đã chụp nhiều bức hình gây ảnh hưởng xấu tới các gian hàng như Jaguar Land Rover hay VinFast.