Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định một số hành vi vi phạm giao thông có thể bị phạt tiền đến 40 triệu đồng, cụ thể như sau:
1. Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây (Khoản 10 Điều 5):
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
- Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.
- Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy.
- Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ.
2. Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây (Khoản 9 Điều 12):
- Chiếm dụng đất của đường bộ hoặc đất hành lang an toàn đường bộ để xây dựng nhà ở.
- Mở đường nhánh đấu nối trái phép vào đường chính.
- Xây dựng hoặc thành lập bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải đồng ý theo quy định.
- Xây dựng bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định.
3. Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với tổ chức quản lý, vận hành trạm thu phí đường bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây (Khoản 8 Điều 15):
- Không thực hiện đúng quy trình quản lý, vận hành theo quy định để số lượng xe ô tô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên một làn xe chờ dài nhất lớn hơn 200 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ trước trạm thu phí (tính từ cabin thu phí đến xe cuối cùng của hàng xe chờ) lớn hơn 2.000 m.
- Không thực hiện đúng quy trình quản lý, vận hành theo quy định để thời gian đi qua trạm thu phí của một xe ô tô bất kỳ kể từ lúc dừng xe chờ thu phí đến lúc ra khỏi trạm thu phí lớn hơn 30 phút.
4. Phạt tiền từ 36-40 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây (Khoản 12 Điều 30):
- Giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 8 Điều 24 Nghị định 100/2019 hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm b khoản 8 Điều 24 Nghị định 100/2019.
- Giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 33 Nghị định 100/2019 hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 33 Nghị định 100/2019.
5. Phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây (Khoản 4 Điều 51):
- Tự mở lối đi qua đường sắt.
- Khoan, đào, xẻ đường sắt trái phép.
- Tháo dỡ, làm xê dịch trái phép ray, tà vẹt, cấu kiện, phụ kiện, vật tư, trang thiết bị, hệ thống thông tin tín hiệu của đường sắt.
- Kéo đường dây thông tin, đường dây tải điện, xây dựng cầu, cầu vượt, hầm, hầm chui, cống, cột điện, cột viễn thông, hệ thống dẫn, chuyển nước, đường ống cấp nước, thoát nước, viễn thông (bao gồm cả công trình phục vụ quốc phòng, an ninh) trái phép qua đường sắt hoặc trong phạm vi đất dành cho đường sắt.
6. Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi sử dụng chất nổ; khai thác đất, đá, cát, sỏi, các vật liệu khác làm lún, nứt, sạt lở, rạn vỡ công trình đường sắt, cản trở giao thông đường sắt (Khoản 5 Điều 51).
7. Phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm sau đây mà gây tai nạn giao thông đường sắt (Khoản 3 Điều 52).
- Xây dựng công trình, khai thác tài nguyên và các hoạt động khác ở vùng lân cận phạm vi bảo vệ công trình đường sắt không thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn công trình đường sắt, bảo đảm an toàn giao thông đường sắt.
- Xây dựng lò vôi, lò gốm, lò gạch, lò nấu gang, thép, xi măng, thủy tinh cách ngoài chỉ giới hành lang an toàn giao thông đường sắt nhỏ hơn 10m.
- Xây dựng nhà bằng vật liệu dễ cháy cách ngoài chỉ giới hành lang an toàn giao thông đường sắt nhỏ hơn 5m.
- Xây dựng công trình cột ăng ten viễn thông, đường dây thông tin, đường dây tải điện với khoảng cách từ vị trí chân cột đến vai nền đường đối với nền đường không đào, không đắp, chân taluy đường đắp, mép đỉnh taluy đường đào, mép ngoài cùng của kết cấu công trình cầu, đường dây thông tin, tín hiệu đường sắt nhỏ hơn 1,3 lần chiều cao của cột hoặc nhỏ hơn 5m mà không được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chấp thuận.
- Xây dựng công trình, khai thác tài nguyên và các hoạt động khác ở vùng lân cận phạm vi bảo vệ công trình đường sắt làm hư hỏng công trình đường sắt.
- Xây dựng công trình trong phạm vi hành lang an toàn giao thông tại khu vực đường ngang không bố trí người gác.
8. Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây (Khoản 4 Điều 53):
- Xây dựng nhà, công trình khác (bao gồm cả công trình phục vụ quốc phòng, an ninh) trái phép trong phạm vi đất dành cho đường sắt, trừ các hành vi vi phạm quy định tại: điểm b, điểm c khoản 3 Điều này; điểm d khoản 4 Điều 51 Nghị định này.
- Dựng biển quảng cáo hoặc các biển chỉ dẫn khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường sắt.
9. Phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với tổ chức thi công công trình gây sự cố, tai nạn giao thông đường sắt (Khoản 4 Điều 54).
10. Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với lái tàu, phụ lái tàu có một trong các hành vi vi phạm sau đây (Khoản 7 Điều 66):
- Khi làm nhiệm vụ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
- Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn, chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng của người thi hành công vụ.
- Khi làm nhiệm vụ mà trong cơ thể có chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.
Được biết, hiện Bộ Công an đang lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định quy định trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Dự thảo sẽ lấy ý kiến đến 1/10/2024. Đáng chú ý, Bộ Công an đề xuất một số hành vi vi phạm bị xử phạt đến 40 triệu đồng đối với tổ chức.