Phan Quốc Việt đề nghị được trả lại toàn bộ số tiền hối lộ
Chiều ngày 9/1, phiên tòa xét xử vụ Việt Á tiếp tục với phần đối đáp của đại diện VKS. Trong phần bào chữa cho bị cáo, nhiều luật sư cho rằng mức án còn cao. Về việc này, đại diện VKS cho rằng cần phải thấy trong 5 nhóm tội danh, mức án cao nhất cho tội Nhận hối lộ lên đến tử hình, Vi phạm quy định đấu thầu cũng chung thân, nhưng ở đây, VKS đều đề nghị mức án thấp hơn rất nhiều, có bị cáo chỉ 18 tháng tù, án treo.
Cụ thể trước đó, bị cáo Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Việt Á bị đề nghị 15-16 năm tù về tội "vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và 15-16 năm tù về tội "đưa hối lộ". Tổng hình phạt Việt bị đề nghị cho 2 tội danh là 30 năm tù.
Căn cứ tài liệu điều tra có trong hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, viện kiểm sát cho rằng đủ căn cứ xác định Tổng giám đốc Việt Á đã đưa hối lộ 106 tỷ đồng, trong đó có 3 triệu USD và 4 tỷ đồng (tổng 82 tỷ đồng) chi cho 6 cựu quan chức.
Báo Công an TPHCM dẫn quan điểm bào chữa của Luật sư cho bị cáo Phan Quốc Việt. Cụ thể, theo luật sư bị cáo Phan Quốc Việt đã chủ động khai báo và thành khẩn khai báo về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu, đồng thời thừa nhận hậu quả do hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây ra là thiệt hại 402 tỷ đồng của Nhà nước.
Trong quá trình điều tra, Phan Quốc Việt đã chủ động khai báo về hành vi đưa hối lộ của mình và tích cực hợp tác giúp cơ quan điều tra để điều tra, xử lý các hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ trong vụ án này được thuận lợi, nhanh chóng. Luật sư cho rằng việc đưa tiền cho các cá nhân là cách cảm ơn những người đã giúp công ty sản xuất test xét nghiệm Covid-19 phục vụ chống dịch, khi có lợi nhuận thì chia sẻ lại mà thôi. Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX trả lại toàn bộ số tiền mà Việt đã đưa hối lộ về cho Công ty Việt Á.
Bên cạnh đó, đối với các tài sản là số tiền trong tài khoản; trong các sổ tiết kiệm của Phan Quốc Việt và các thửa đất của vợ chồng Phan Quốc Việt đang bị tạm giữ, kê biên, luật sư đề nghị HĐXX xem xét nếu tài sản nào không thuộc diện phải kê biên để đảm bảo thi hành án thì trả lại cho bị cáo vì số tiền bồi thường thiệt hại thuộc trách nhiệm của Công ty Việt Á.
Tổng GĐ và Phó Tổng GĐ Việt Á đều thay đổi lời khai nhiều lần
Ở phần thẩm vấn với luật sư trước đó. Luật sư đã tập trung hỏi bị cáo Phan Quốc Việt về việc đưa tiền cho cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc. Ông chủ Việt Á Phan Quốc Việt đã thừa nhận chuyện nhiều lần thay đổi lời khai.
Cụ thể, trên báo Pháp luật TPHCM dẫn quan điểm ông Huỳnh Phương Nam (người bào chữa cho ông Tạc) cho rằng lời khai ban đầu của Phan Quốc Việt về việc đưa cho ông Tạc 100 triệu đồng là có căn cứ.
Cụ thể, ban đầu, Phan Quốc Việt khai rằng tháng 8/2020 có nhắn tin cho ông Tạc xin đến thăm và đưa túi quà trong đó có 100 triệu đồng. Trước khi đi, Việt còn nhắn tin cho bị cáo Trịnh Thanh Hùng, vụ phó Bộ KH&CN hỏi chuẩn bị bao nhiêu là hợp lý. Ông Hùng trả lời 50 (triệu đồng-PV) là được rồi…
Tuy nhiên, 2 tháng sau, Phan Quốc Việt thay đổi lời khai, khẳng định rằng đã đưa cho ông Tạc 50.000 USD, lấy từ nguồn tiền Công ty Việt Á bán test xét nghiệm. Việt yêu cầu nhân viên Công ty Việt Á chuẩn bị tiền và cấp dưới đã rút tiền, đổi sang USD đưa cho ông Việt.
Tiếp đó, Việt lại thay đổi, khai rằng khi ở Đà Nẵng đã rút 5 tỷ đồng từ ngân hàng, đổi sang USD, cho vào vali, đi máy bay ra Hà Nội. Tiếp đó, ông Việt giao số tiền USD đó cho bị cáo Vũ Đình Hiệp, Phó TGĐ Công ty Việt Á giữ, khi nào ông Việt cần thì Hiệp sẽ đưa.
Lần thứ 3 tại tòa, Việt vẫn khẳng định đưa 50.000 USD nhưng cũng khai giai đoạn đó, đưa tiền cho nhiều cá nhân nên "không nhớ" con số chính xác
Phan Quốc Việt giải thích về việc thay đổi rằng do bị cáo nghĩ khai đưa ít tiền thì không ảnh hưởng đến bị cáo và ông Tạc.
Ngoài Phan Quốc Việt, Phó Tổng giám đốc Việt Á Vũ Đình Hiệp cũng bị luật sư dẫn 4 bản cung mâu thuẫn về tổng số tiền hối lộ, loại tiền và cách thức chi.
Cụ thể, hồi tháng 3/2022, bị cáo nói "không nhớ đã rút bao nhiêu tiền để đưa, do đưa nhiều lần, mỗi lần 2-5 tỷ đồng, một số lần bằng USD, nếu là USD mỗi lần 30-40 nghìn USD", tức đa số tiền đồng, chỉ "vài lần" dùng USD.
Vài tháng sau, Hiệp thay đổi lời khai thêm 3 lần, tiếp tục thay đổi về số tiền và thời điểm. "Bị cáo rút xuống chỉ còn một lần đưa bằng USD, khi thì khai tổng tiền đưa Việt đi "ngoại giao" là 10 tỷ, lúc 15 tỷ, cuối cùng lại nói không nhớ", luật sư Nam nêu.
Sau khi chỉ ra những lời khai bất nhất, luật sư cho rằng lời khai của cả Việt và Hiệp đều không đáng tin, không thể coi là bằng chứng buộc tội.
Viện kiểm sát: Đủ cơ sở xác định bị cáo nhận 50.000 USD
Cuối chiều ngày 9/1, đại diện viện kiểm sát dành nhiều thời gian tranh luận với nhóm luật sư bào chữa cho cựu Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc về tình tiết bị cáo này nhận tiền từ Công ty Việt Á.
Trước đó, viện kiểm sát đề nghị phạt ông Tạc 3-4 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí" quy định tại Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Khi xét hỏi, Phan Quốc Việt khai, đã đưa cho bị cáo Tạc món quà 50.000 USD. Tuy nhiên, trong giai đoạn điều tra và đến phiên tòa, ông Tạc đều phủ nhận số tiền 50.000 USD và khẳng định chỉ nhận 100 triệu đồng từ Việt Á.
Khi bào chữa, luật sư của bị cáo Phạm Công Tạc vẫn cho rằng, việc quy kết tội bị cáo nhận 50.000 USD là mờ nhạt, bởi lẽ Phan Quốc Việt không thể mang số tiền ngoại tệ qua cửa hải quan sân bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội để biếu bị cáo Tạc.
Về quan điểm này, báo Sài Gòn giải phóng dẫn lời đại diện viện kiểm sát khẳng định, quy định mang tiền USD trong nước mà qua sân bay không phải khai báo, trừ khi xuất cảnh ra nước ngoài mới phải khai báo hải quan.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra còn làm rõ Phan Quốc Việt đưa 50.000 USD cho bị cáo Phạm Công Tạc sau khi căn cứ vào nhiều tài liệu, hồ sơ khác. Bên cạnh đó, Việt đưa hối lộ cho nhiều cựu lãnh đạo, cán bộ đều dùng tiền USD. Như vậy, cơ quan tố tụng xác định bị cáo Phạm Công Tạc đã nhận 50.000 USD từ Công ty Việt Á, như cáo trạng quy kết.
Theo dự kiến, chiều ngày 12/1, tòa sẽ tuyên án.