Loài ốc sắt có giáp chân
Trong hình chính là loài ốc Chân Giáp, một sinh vật hết sức đặc biệt sống dưới đáy đại dương. Để thích nghi với môi trường sống đầy rẫy những đợt phun trào nham thạch (từ các miệng núi lửa dưới lòng đại dương), loài ốc này đã sử dụng chính nguyên tố sắt trong cơ thể mình để tạo nên bộ áo giáp thực sự ở phần chân.
Loài ốc sên chân vảy (tên khoa học: Chrysomallon squamiferum) còn được biết tới với những cái tên khác như ốc sên chân giáp, ốc sên thủy nhiệt.
Chúng là loài động vật duy nhất trên Trái Đất đã tiến hóa để có thể kết hợp sắt với lớp áo giáp exoskeleton bảo vệ bên ngoài cơ thể. Lớp áo giáp này của chúng có thành phần chủ yếu là canxi và sunfua sắt, khiến cho vẻ ngoài của chúng lúc nào cũng có ánh kim loại.
Những con ốc sên chân vảy thường sinh sống ở môi trường suối nước nóng dưới biển sâu với áp suất nước và nhiệt, độ axit cao và hàm lượng oxy rất thấp.
Chúng lần đầu tiên được phát hiện ở một sườn núi giữa Ấn Độ Dương và sau đó liên tục được tìm thấy ở khu vực Solitaire và Longqi. Tuy chúng sinh sống ở môi trường như vậy, nhưng ngày nay loài động vật này cũng phải đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và đã được đưa vào danh sách các loài động vật đang bị đe dọa.
Loài sa giông có khả năng tự đâm xuyên xương sườn ra ngoài
Sa giông gân Tây Ban Nha được biết đến với khả năng tự đâm xuyên xương sườn ra ngoài da để tạo ra một thứ vũ khí sắc nhọn, khi cảm thấy bị đe dọa. Điều đặc biệt hơn là hành động này không hề khiến Sa giông bị thương.
Thậm chí, khi chiếc xương sườn dùng để tự vệ này mất đi, một chiếc xương khác sẽ nhanh chóng mọc ra để thay thế. Ngoài xương sườn, loài động vật này còn có thể tái tạo lại hoàn chỉnh các cơ quan bị mất đi khác như chi hay thậm chí là một phần não bộ.
Loài ruồi tự tạo bộ đồ lặn bằng không khí
Loài ruồi trong hình sinh sống chủ yếu tại các vùng hồ nước mặn. Khả năng đặc biệt của nó chính là tự tạo ra một “bộ đồ lặn” bằng bọt khí bao quanh người. Từ đó, loài ruồi này có thể thỏa sức lặn xuống nước để tìm kiếm thức ăn của mình là tảo biển.
Loài cua sử dụng “vũ khí” tẩm độc để tự vệ
Thay vì một đôi càng khỏe để săn mồi và tự vệ như đa số các loài cua khác, cua Lybia tessellata lại biết sử dụng hẳn vũ khí cho các nhiệm vụ này. Cụ thể, loài cua này sẽ cộng sinh cùng cỏ chân ngỗng- một loài thực vật có độc, và dùng nó như nắm đấm boxing vẫy về phía đối phương/con mồi để khiến mục tiêu bị tê liệt.
Quỷ Tasmania cơ thể luôn cân đối
Quỷ Tasmania có danh pháp khoa học Sarcophilus harrisii, là một loài thú có túi, ăn thịt thuộc họ Dasyuridae, sinh sống chủ yếu ở đảo Tasmania (Australia). Vào năm 1936, chúng đã trở thành loài thú có túi ăn thịt lớn nhất thế giới sau khi loài chó sói Tasmania bị tuyệt chủng.
Quỷ Tasmania trưởng thành có kích thước bằng một con chó nhỏ với trọng lượng trung bình khoảng 8kg và dài từ 57-65cm. Đáng chú ý, loài động vật có túi này rất hung dữ khi chúng sẵn sàng ăn thịt bất kỳ loài động vật nào mà chúng có thể săn đuổi được. Thậm chí, chúng cũng rất thích “dọn sạch” các xác thối, kể cả xương.
Được biết, thời gian mang thai của quỷ Tasmania kéo dài khoảng 21 ngày và mỗi lần sinh được từ 1-4 con. Giống như các loài động vật có túi khác, quỷ Tasmania mới sinh có trọng lượng rất nhỏ khi mỗi con chỉ nặng khoảng 0.18-0.24 gram và dài khoảng 0,2cm.
Loài động vật này sở hữu một khả năng mà ai ai cũng phải khao khát! Đó chính là dự trữ gần như toàn bộ lượng mỡ của mình ở phần đuôi. Do đó, dù có ăn nhiều bao nhiêu thì Quỷ Tasmania vẫn có một thân hình hết sức cân đối.
Loài cá sở hữu tầm nhìn gần như không có điểm mù
Loài cá Macropinna microstoma sở hữu cho mình một chiếc đầu trong suốt “độc nhất vô nhị”. Nhờ có kết cấu đặc biệt này mà đôi mắt, vốn nằm sâu trong hộp sọ của chúng, có một góc nhìn cực kỳ rộng. Khả năng đặc biệt này giúp Macropinna microstoma có thể giảm thiểu được tối đa các điểm mù và dễ dàng phát hiện ra mối nguy hiểm cũng như con mồi đang ở gần chúng.