Thị trường Việt Nam đã trôi qua hơn 9 tháng năm nay với nhiều cung bậc cảm xúc. Bên cạnh "ký ức" về thời điểm thăng hoa, không ít lần thị trường bất ngờ "rơi" mạnh khiến nhà đầu tư "trở tay không kịp".
Cú rơi kỷ lục 'thổi bay' 8 tỷ USD vốn hóa
Trong phiên ngày 5/2, chỉ số sàn HoSE giảm hơn 56 điểm, tương đương mất 5,1% so với phiên trước. VN-Index từ 1.105 điểm xuống còn 1.048,71 điểm thấp nhất phiên. Đây cũng là mức giảm lịch sử từ tháng 8/2015 của chứng khoán Việt Nam. HNX-Index giảm 4,06% xuống 118,94 điểm và UPCoM-Index giảm 3,25% xuống 56,93 điểm.
Thị trường chứng kiến sự tháo chạy của nhà đầu tư. Hàng loạt cổ phiếu giảm sàn, trắng bên mua. Vốn hóa chứng khoán Việt Nam đã bốc hơi hơn 8 tỷ USD. Trong đó, giá trị sàn HoSE giảm 7,1 tỷ USD. Vốn hóa sàn HNX và UPCoM giảm lần lượt 9.400 tỷ đồng và 13.168 tỷ đồng.
Ở thời điểm này, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến diễn biến trên là ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường chứng khoán Mỹ, khi Dow Jones giảm 666 điểm, mạnh nhất từ năm 2016. Bên cạnh đó, thông tin FED đưa ra một số chính sách điều chỉnhvà tăng lãi suất cũng tạo áp lực tâm lý đối với nhà đầu tư.
Về phía thông tin từ trong nước, các chuyên gia nhận định có thể đợt bán tháo của nhà đầu tư nhằm đón đầu việc nâng tỷ lệ giao dịch ký quỹ (margin) lên 60%.
Trong phiên sau đó 6/2, thị trường vẫn tiếp tục diễn biến tiêu cực khi mất 37 điểm, tương đương 3,54%, kéo VN-Index xuống 1.105,04 điểm.
VN-Index mất 48 điểm theo chứng khoán Mỹ
Phiên giảm điểm ngày 11/10 vừa qua xếp vị trí thứ 2 trong danh sách những lần “rơi” mạnh nhất của VN-Index. Kết phiên, chỉ số sàn HoSE đã "bay" 48 điểm, tương đương 4,84% và từng có thời điểm mất 55,13 điểm, kéo VN-Index rơi về mức 938.83 điểm.
Phiên giảm điểm khiến thị trường chứng khoán Việt Nam “bốc hơi” 165.000 tỷ đồng vốn hóa, tương đương 7,2 tỷ USD. Trong đó, sàn HoSE mất 153.500 tỷ đồng giá trị, sàn HNX và UPCoM mất 10.500 tỷ đồng.
Tương tự ‘cú rơi’ ngày 5/2, phiên giảm điểm của thị trường Việt Nam cũng xảy ra sau khi các chỉ số chứng khoán Mỹ mất 3-4% (Dow Jones giảm 832 điểm, tương đương 3,2; Nasdaq mất 4%). Số đông các chuyên gia nhận định, diễn biến tiêu cực của VN-Index đến từ tác động tâm lý do thị trường Mỹ.
Nguyên nhân khiến chứng khoán “xứ cờ hoa” lao dốc được cho là đến từ những lo ngại của nhà đầu tư về nợ và Trung Quốc, trong bối cảnh lãi suất tăng và Fed vẫn tiếp tục giữ kế hoạch nâng trong thời gian còn lại của năm. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu đi lên cũng tác động đến chứng khoán Mỹ do mối quan hệ trái chiều giữa hai thị trường này. Trước đó, ngày 9/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tái dọa áp thuế lên 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và muốn giảm giá dầu thô thế giới.
Sau phiên giảm điểm bất thường 11/10, VN-Index đã hồi phục 24 điểm trong phiên 12/10.
Hai phiên giao dịch 'bay' hơn 7 tỷ USD
Nhắc đến những lần thị trường Việt Nam điêu đứng, không thể bỏ qua 2 phiên giao dịch đầu tháng 7. Nối tiếp đà giảm 13,6 điểm phiên 2/7, ngày 3/7, VN-Index tiếp tục mất 41 điểm, tương ứng 4,34% giá trị, rơi xuống mức 906,01 điểm. Vốn hóa thị trường Việt Nam đã bay hơi 15.000 tỷ đồng.
Đây cũng là 2 phiên giao dịch "tạo đà rơi" cho thị trường trong những phiên kế tiếp, đẩy chỉ số VN-Index rơi về mức 893,16 điểm trong ngày 11/7, thấp nhất trong năm 2018.
Sau diễn biến của thị trường, Chủ tịch UBCK Nhà nước, ông Trần Văn Dũng đã lên tiếng khuyên nhà đầu tư nên bình tĩnh quan sát, tránh bị tác động về tâm lý và đánh giá quá mức ảnh hưởng thông tin bán ròng của khối ngoại.
Ông Dũng cho rằng hai yếu tố tác động kép đến thị trường chứng khoán Việt Nam là Fed tăng lãi suất điều hành và căng thẳng thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tác động mạnh đến tâm lý của các nhà đầu tư trong nước. Ông Dũng cho rằng nhiều nhà đầu tư phản ứng thái quá với những thông tin về tình hình quốc tế, NĐTNN rút vốn, biến động tỷ giá tiền đồng nên cố bán cổ phiểu bằng mọi giá.
Phiên đổ dốc tại đỉnh lịch sử
Nhắc đến những phiên rơi điểm năm qua không thể bỏ qua phiên giao dịch tại đỉnh lịch sử của chứng khoán Việt Nam vào giữa tháng 4. Sau khi chạm mốc 1.200 điểm vào ngày 10/4, VN-Index đã mất 31 điểm, tương đương 2,6% vào phiên sau đó. Đây cũng là thời điểm mở đầu cho chuỗi điều chỉnh hơn 3 tháng của thị trường Việt Nam.
Tròn 3 tháng từ phiên lập đỉnh, VN-Index đã giảm gần 26% xuống mức 893,16 điểm, xác lập đáy của năm 2018 tính tới hiện nay.
Nhận định thị trường về thị trường chứng khoán quý IV, dù có nhận định khá thận trọng, các CTCK cho rằng sau nửa đầu năm kém khả quan, các chỉ số chứng khoán cận biên và mới nổi đang cho thấy đà hồi phục. Thị trường Việt Nam có lẽ cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Mức mục tiêu của CTCK Rồng Việt (VDSC) đối với VN-Index vẫn nằm trong khoảng 960-1040 điểm. CTCK tin rằng tháng 11 sẽ là thời điểm giải ngân phù hợp để tận dụng cơ hội dự kiến vào cuối tháng 12 năm nay, kết quả của việc thị trường đã giảm giá quá mạnh trước đó (exhaustion move).
Trong khi đó, CTCK BIDV (BSC) cho rằng, ới sự ổn định vĩ mô, triển vọng tăng trưởng tốt và sự cải thiện lợi nhuận tích cực từ các doanh nghiệp niêm yết, VN-Index có khả năng duy trì trên 1.000 điểm vào cuối năm 2018.