TP.HCM là cái tên đứng đầu trong top 10 thành phố giàu nhất cả nước. Với quy mô GRDP đạt khoảng 65,5 tỷ USD tính đến cuối năm 2023, kinh tế TPHCM chiếm khoảng 15,5% GDP của cả nước.
Hiện nay, nền kinh tế của thành phố này được ví như vị trí đầu tàu của nền kinh tế Việt Nam với đa dạng các lĩnh vực như: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, khai thác, thuỷ sản, công nghiệp chế biến, tài chính, du lịch…
Với tổng dân số gần 9 triệu người và tổng diện tích TPHCM là 2.095 km2, mật độ dân số của thành phố này ước tính đạt 4.375 người/km². TP. HCM là đô thị đông dân nhất cả nước và có mật độ dân số cao nhất cả nước hiện nay. Tốc độ đô thị hóa ở TP.HCM cũng diễn ra rất nhanh. Bộ Xây dựng cho biết năm 2022 tỷ lệ đô thị hoá của TP.HCM là 77,77%.
Bên cạnh đó, một trong những công viên đẹp và lớn nhất tại trung tâm TP.HCM là công viên Tao Đàn nằm ở quận 1 với diện tích 10ha với hơn 1.000 cây xanh, trong đó có nhiều cây dầu, sao, chò… cổ thụ với tuổi đời hàng chục năm. Mỗi sáng sớm và chiều mát, hàng trăm người dân lại đến đây đi bộ, tập thể dục. Họ ví nơi này như lá phổi xanh giữa lòng đô thị nhộn nhịp.
Đặc biệt, TPHCM sở hữu mạng lưới cây xanh không chỉ ở trong các công viên mà còn được trồng dọc theo nhiều con đường lớn. Những loại cây chủ yếu trồng gồm có dầu, sao, chò... đều có tuổi đời hàng chục năm. Những tán cây rộng lớn đóng góp không nhỏ vào việc giảm nhiệt độ đô thị và mang lại không khí mát mẻ cho các con đường trong khu vực nội thành.
TP.HCM đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức để có thể vừa trở thành một đô thị hiện đại, vừa duy trì môi trường sống an toàn, trong lành. Đặc biệt TP này đang chịu áp lực lớn với lượng dân cư đông đúc, giao thông thường xuyên ùn tắc và các vấn đề ô nhiễm môi trường.
Theo ông Đặng Phú Thành - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, hiện tỷ lệ cây xanh đô thị trên đầu người ở thành phố hiện đạt 0,55m2/người. Trong khi đó, đánh giá của Bộ Xây dựng, cho thấy tỷ lệ đất cây xanh công cộng tại TP.HCM là thấp nhất trong các đô thị của cả nước, xếp sau Hà Nội (2,06 m2/người), Đà Nẵng (2,4 m2/người), Hải Phòng (3,41 m2/người). Như vậy, tỷ lệ đất cây xanh công cộng tại Hà Nội đang gấp 3,7 lần TP.HCM, Đà Nẵng gấp 4,3 lần và Hải Phòng gấp 6,2 lần TP.HCM.
Vì vậy, việc phát triển các mảng xanh được lãnh đạo TP.HCM xác định là giải pháp cấp bách và mang tính chiến lược.
Để giải quyết bài toán về nguồn vốn, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM rà soát, cân đối, tham mưu bổ sung hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 để Sở Xây dựng tổ chức thực hiện các dự án phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố theo quy định, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2025 diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,65m2/người.
Đề án trồng 10 triệu cây xanh của TP.HCM
Kế hoạch trồng rừng và cây xanh giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn TP.HCM được ban hành vào ngày 1/1/2022, nhằm thực hiện có hiệu quả đề án "Trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025" của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, TP phát động bình quân mỗi người dân trồng 1 cây xanh, chung sức "vì một Việt Nam xanh" để phát triển 10 triệu cây xanh các loại, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó biến đổi khí hậu.
Trong đó, TP.HCM sẽ trồng hơn 8,34 triệu cây xanh qua phát triển công viên, mảng xanh, cây xanh đường phố và cây xanh trong các công sở, trường học, khu dân cư. TP khuyến khích các địa phương, đơn vị, người dân trồng các loại cây mới, cây nhập có nhiều tính năng mới, đa dang hóa chủng loại cây trồng để tạo nét riêng cho từng khu dân cư, tuyến đường…
Bên cạnh đó, hơn 1,65 triệu cây xanh sẽ được phát triển thông qua các dự án trồng mới rừng, cải tạo làm giàu rừng, chăm sóc rừng trên diện tích 1.140 ha, chủ yếu trên địa bàn các huyện Củ Chi, Bình Chánh và Cần Giờ.
Nguồn kinh phí thực hiện trồng 10 triệu cây xanh là hơn 1.000 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 480 tỉ đồng, nguồn vận động xã hội hóa 550 tỉ đồng.