Làng nghề hơn 100 năm tuổi
Ở làng Quảng Phú Cầu, cách Hà Nội một giờ lái xe về phía nam, ông Nguyen Dinh Vinh nhìn ra cả một khoảng sân đỏ rực. Trên khoảng sân trước mặt ông, hàng chục ngàn cây nhang xếp thành từng bó – những sắc màu đỏ tía, nâu đỏ và hồng ngọc bung tỏa – khi được phơi dưới ánh nắng gay gắt buổi trưa.
"Mọi người ở Quảng Phú Cầu đều làm hương", ông Vinh nói khi quan sát khoảng sân đỏ rực đầy mê hoặc trước mặt.
Trước cổng nhà, một cây nhang đang cháy âm ỉ, làn khói thơm ngào ngạt bay lượn trong không trung.
Trên khắp đất nước, người Việt sử dụng hương để thờ cúng, đặc biệt là trong các ngôi chùa, với niềm tin rằng làn khói hương thơm ngào ngạt sẽ giúp đưa những lời cầu nguyện đến các vị thần, Phật.
Người làng đã làm nhang ở đây hơn một thế kỷ. Trung bình mỗi tháng, người lao động ở đây sản xuất ra 50 tấn hương.
Theo ông Vinh, hiện đã 65 tuổi, nhưng bắt đầu làm hương từ khi mới 6 tuổi, ở đây có thể thu hút tới 500 lượt khách mỗi ngày vào cuối tuần.
Trước đây, những người thợ trong làng chẻ các thanh gỗ để làm hương bằng tay, nhưng ngày nay hầu như đều sử dụng máy móc.
Hương thơm của nhang đến từ sự kết hợp của các thành phần, bao gồm trầm hương, tuyết tùng, ngải cứu, hoắc hương, hương thảo và quế. Mùi hương được điều chỉnh để phù hợp với các vùng khác nhau của đất nước.
Sản phẩm truyền thống này cũng được bán khắp Việt Nam và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Ông nói: "Khách hàng lớn nhất của chúng tôi là Ấn Độ, Nepal và các nước châu Á khác nhưng không xuất khẩu sang Trung Quốc vì người Trung Quốc cũng làm hương".
Tùy thuộc vào kinh nghiệm, người lao động có thể kiếm được từ 5 triệu đến 8 triệu đồng Việt Nam mỗi tháng.
Làng có hơn 300 gia đình làm nhang quanh năm, nhưng đặc biệt bận rộn trước Tết Nguyên đán khi các ngôi chùa trên cả nước tấp nập du khách.
Truyền thống không thể mất
Bà Nguyễn Thị Vinh, một nghệ nhân làm nhang đã 70 tuổi cho biết bà bắt đầu công việc này từ khi mới hơn 10 tuổi.
Gia đình bà có 4 người làm nhang. "Nghề này có ý nghĩa rất lớn với chúng tôi", bà nói.
Chị Phan Thi Thu Hang, 34 tuổi, cho biết "việc làm hương không chỉ liên quan đến tiền bạc mà còn có ý nghĩa tâm linh".
Người Việt có niềm tin vững chắc vào thế giới bên kia và phong tục thờ cúng tổ tiên. Vào những dịp lễ đặc biệt, ngày giỗ hay đoàn tụ gia đình và Tết Nguyên đán, người Việt thường thắp hương để tưởng nhớ đến tổ tiên.
Thu nhập từ công việc truyền thống này đã giảm sút trong thời gian gần đây, ông Vinh lo ngại lớp trẻ không còn hứng thú, nhưng không cho rằng nghề này sẽ mai một.
"Thắp nén nhang tưởng nhớ cha mẹ, tổ tiên đã khuất là yếu tố cốt lõi trong đời sống tâm linh của người Việt Nam", ông nói.
"Điều gì đã trở thành truyền thống thì không thể mất đi", ông Vinh nói.