Những khoảng lặng của thể thao đỉnh cao nước nhà

Nguyễn Văn Mỹ |

Đầu xuân Mậu Tuất 2018, đội tuyển U.23 Việt Nam đã tạo cơn địa chấn, không chỉ về thành tích. Từ đội lót đường trở thành á quân châu lục, hạ đo ván nhiều ông kẹ bóng đá châu Á.

Kinh ngạc hơn là sự cuồng nhiệt của người hâm mộ mà có người ước tính phải hơn ½ dân số. Không chỉ áp đảo về số lượng mà cả lẫn hình thức và cách thể hiện, làm ngạc nhiên từ nhà tổ chức, các bình luận viên, nhà báo, đội tuyển và truyền thông quốc tế.

Chưa nước nào có được không khí phấn khích như vậy. Có thể gọi đó là quả đấm thép, phá vỡ những dấu lặng cuộc sống bình thường, làm lu mờ những mảng xám buồn tẻ, mang sức Xuân rộn ràng về khắp nẻo.

Mấy tuần rồi mà cơn sốt vẫn hầm hập. Những tác động tích cực của đội bóng như hiệu ứng dây chuyền đến nhiều lĩnh vực vẫn tiếp tục. Truyền thông và mạng xã hội sẽ còn nhiều chuyện để viết và để còm.

Những khoảng lặng của thể thao đỉnh cao nước nhà - Ảnh 1.

Trong niềm vui tột độ của ngành thể thao nói riêng và người hâm mộ nói chung, bỗng nhói đau khi chợt nghĩ về những ngôi sao thể thao "vang bóng một thời" gặp nạn.

Gần đây nhất là cơ thủ Đỗ Hoàng Quân, huy chương vàng môn Billiards snooker Sea Games 2009, đang ngày đêm chống chọi với căn bệnh ung thu quái ác một cách cô đơn và tuyệt vọng.

Quân sinh năm 1982, hiện xếp hạng 32 thế giới, từng cùng đồng đội Lương Chí Dũng tạo cú sốc tại SEA Games 25, khi giành tấm HCV nội dung pool 9 bi đôi nam.

So với nhiều cơ thủ hàng đầu khác, Hoàng Quân duy trì phong độ một cách kinh ngạc. Sau tấm HCV lịch sử ở SEA Games 25, anh giành thêm HCB ở SEA Games 28, lọt vào Top 8 giải Trung Quốc mở rộng, Top 12 giải Mỹ mở rộng và nhiều chức vô địch quốc gia.

Quân mất mẹ từ nhỏ, bố cũng ra đi cách đây vài năm. Ba năm trước, Quân chia tay vợ, bán nhà vào Sài Gòn mở CLB Billiards snooker. Thất bại, anh trắng tay về lại Hà Nội.

Những khoảng lặng của thể thao đỉnh cao nước nhà - Ảnh 2.

Với mức lương của VĐV đội tuyển vài triệu đồng, Quân thuê nhà trọ, sống bấp bênh, nhưng vẫn miệt mài tập luyện mỗi ngày hơn 10 tiếng, tự bỏ tiền dự các giải quốc tế, "đánh thuê" cho Đà Nẵng, tham dự các giải đấu trong và ngoài nước.

Đang tập luyện, thấy sức khỏe bất thường; đi khám thì phát hiện ung thư trực tràng giai đoạn 3, phải nhập viện ngay để phẫu thuật, trong túi chỉ vài chục ngàn.

May mắn là người vợ đã chia tay vẫn cùng con trai (đang học lớp 6) cùng một số đồng đội đã kịp thời chia sẻ phần nào khó khăn để anh chiến đấu với bệnh tật.

Bác sĩ Đào Tiến Lục, BV Đại học Y Hà Nội, người mổ cho Quân, cho biết: "Bệnh phát hiện muộn, phải cắt trực tràng một đoạn dài, lắp hậu môn giả. Hiện Quân đã tỉnh nhưng chưa thể ăn uống, phải truyền đạm, sức khỏe khá yếu, lại không có người chăm sóc".

Điều đáng nói, dù là thành viên ĐTQG nhưng hơn chục năm qua, Quân vẫn chưa biết thẻ bảo hiểm y tế là gì. Anh phải tự trả 100% chi phí bệnh viện, chẳng biết lấy đâu ra tiền để chuẩn bị cho cuộc chiến trường kỳ. Ngoài tiền mổ gần 100 triệu, sắp tới là tiền dịch vụ, tiền hồi phục, tiền truyền hóa chất xạ trị...

Những khoảng lặng của thể thao đỉnh cao nước nhà - Ảnh 3.

Khi thi đấu, Quân chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ có ngày này, nhưng các lãnh đạo cũng không quan tâm. Nguyện vọng của anh là có chế độ như đáng lẽ phải có, để có thể chiến thắng căn bệnh ung thư quái ác, trở lại với đội tuyển.

Một cựu thành viên đội tuyển Billiards snooker Việt Nam chua xót: "Các VĐV cống hiến bao năm nhưng đến khi nghỉ, gặp chuyện mới biết mình không có hợp đồng, không có thẻ bảo hiểm hay những chế độ cơ bản. Nghiệp VĐV bạc như tờ 200 đồng". Tờ 200 còn sống lại nhờ cánh tài xế qua các trạm BOT, còn các VĐV gặp nạn cứ vật vờ "bèo dạt mây trôi".

Cách đây chưa lâu, vào ngày 12.5.2003, đô vật Lê Thị Huệ, quê ở Thanh Hóa, vô địch quốc gia năm 2001 và 2002, một VĐV đầy tiềm năng bộ môn vật tự do của cả nước, khi đang luyện tập cùng đồng đội chuẩn bị cho Sea Games, thì bị gãy đốt sống cổ sau cú ngã cắm đầu xuống sàn đấu.

Những khoảng lặng của thể thao đỉnh cao nước nhà - Ảnh 4.

May mắn hơn Quân, Huệ được phẫu thuật ở Bệnh viện Việt Đức, rồi chuyển qua Bệnh viện Bạch Mai điều trị suốt cả năm trời. Thời gian đầu, ngày nào cũng có lãnh đạo vào thăm và hứa đưa Huệ ra nước ngoài điều trị.

SEA Games xong, ai về nhà nấy, Huệ cũng bị lãng quên, chẳng thấy ai thăm hỏi. Việc đưa Huệ đi nước ngoài điều trị cũng bị lờ luôn.

Trong lúc khốn khó, Huệ được Tập đoàn Y dược Bảo Long đã điều trị và nuôi ăn miễn phí. Huệ cũng được Liên đoàn Vật thế giới trao huy chương Danh dự và huy hiệu, ghi nhận tinh thần cống hiến cho sự nghiệp thể thao cũng như sự bền bỉ vươn lên sau khi bị chấn thương.

Tại buổi lễ, Huệ nêu nguyện vọng được ngành thể thao quan tâm hỗ trợ đi điều trị ở nước ngoài nhằm cải thiện sức khỏe, cố gắng tự phục vụ bản thân mình nhưng không được chấp thuận.

Những khoảng lặng của thể thao đỉnh cao nước nhà - Ảnh 5.

Mẹ Huệ nhiều lần lên Nhổn, gặp lãnh đạo xin làm thủ tục cho Huệ hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước, nhưng không được.

Có người còn lạnh lùng phán "Gia đình phải thông cảm, nhiều VĐV bị tai nạn, bị thương tật đang còn khó khăn hơn". Nói kiểu đó thì ai dám cho con em mình vào các đội tuyển quốc gia.

Đành rằng là đam mê, là nghề nghiệp nhưng khi đi mạnh khỏe, khi về tàn tật thế này thì chả dại. Đến năm 2007, Huệ mới làm được thủ tục trợ cấp tai nạn lao động thông thường do Bảo hiểm Xã hội trả hàng tháng.

Bị mất 81% sức khỏe và hàng ngày phải có người phục vụ, nhưng Huệ chỉ được hưởng mức trợ cấp khoảng 2,6 triệu đồng/tháng.

Số tiền trên chưa đủ trả công người chăm sóc, nói chi việc mua thuốc và tập vật lý trị liệu trường kỳ. Biết hoàn cảnh của Huệ, một số đơn vị, tổ chức đã quyên góp, tặng số vốn nhỏ. Huệ mở quầy tạp hóa tại nhà để mẹ già - con tàn tật đắp đổi qua ngày.

Những khoảng lặng của thể thao đỉnh cao nước nhà - Ảnh 6.

Giờ đây, với sự hỗ trợ của đôi nạng, Huệ có thể đi lại khoảng 10 - 15 m, lấy được vài thứ bánh trái, hàng hóa bán cho khách.

Tuy nhiên, mọi sinh hoạt cá nhân, vẫn phải nhờ mẹ già đã 76 tuổi. "Chỉ cần sơ xuất là Huệ có thể ngã lăn đùng ra nền nhà bất cứ lúc nào.

Những hôm trái gió trở trời, khắp người Huệ lại đau nhức. Nhiều hôm đi chợ về, thấy con ngồi lê lết ở giữa nhà, cố đứng dậy trong đau đớn, tôi không thể cầm được nước mắt", bà Lương Thị Hường tâm sự…

Những khoảng lặng của thể thao đỉnh cao nước nhà - Ảnh 7.

Trong những ngày ngất ngây hạnh phúc vì đội tuyển U23, mấy ai còn nhớ những tuyển thủ đã bỏ mình trong lúc tập luyện. Đó là cua rơ Đỗ Xuân Tâm, người Hà Nội, bị đột tử trong lúc đang tập luyện do kiệt sức, say nắng. Do không được sơ cứu kịp thời nên não thiếu ôxy, rồi trụy tim.

Gia đình Tâm không trách cứ hay nghi ngờ ai và tình nguyện hiến xác Tâm cho ĐH Y Dược TP HCM. Một nghĩa cử hết sức cao đẹp.

Đó là vận động viên judo Trần Thanh Ngời, huy chương vàng giải Quốc tế mở rộng thành phố Hồ Chí Minh năm 2002. Trong lúc tập luyện, Ngời vào đòn hông sode sturi komi goshi - đòn sở trường, rất quen thuộc. Đang tung người lên thì vuột tay áo nắm, mất đà, cắm đầu nằm bất động trên nệm.

Kết quả chụp X - quang cho thấy đốt xương cổ bị lệch, tủy sống bị tổn thương nghiêm trọng. Trên giường bệnh, Ngời thì thào với HLV Lê Thành Vĩnh: "Tại con đánh ẩu, thầy đừng buồn con nghe thầy...". Ngày 16.6.2003, sau 95 ngày điều trị chấn thương đốt sống cổ, Trần Thanh Ngời - niềm hy vọng vàng của SEA Games 22 - đã ra đi...

Những khoảng lặng của thể thao đỉnh cao nước nhà - Ảnh 8.

Biết rằng, sống chết là lẽ thường tình, ai rồi cũng đến lượt nhưng với các vận động viên đỉnh cao thì nghiệt ngã quá. Phải chăng đó bi kịch của thể thao.

Những phút giây đứng trên bục vinh quang để nhận huy chương và hát Quốc ca giữa đấu trường Quốc tế thường qua rất mau.

Nhưng những gian truân, nhọc nhằn, gian khó mà VĐV phải đánh đổ mỗi ngày lại là rất dài. Huy chương nào cũng phải đổi bằng rất nhiều mồ hôi, có khi cả máu.

Chẳng con đường nào trải bước trên hoa hồng. Thể thao đỉnh cao càng phải trui rèn trong gian khổ, nhưng cái giá mà mỗi VĐV Việt Nam đang phải đánh đổi nhiều quá.

Một thời tuổi trẻ qua nhanh, không thể học hành bài bản với lịch tập luyện gắt gao và áp lực thành tích từng giải đấu. VĐV làm gì sau khi giải nghệ ? Càng bi đát hơn, sau khi bắt buộc phải giải nghệ vì chấn thương hoặc bỏ mạng?

Những khoảng lặng của thể thao đỉnh cao nước nhà - Ảnh 9.

Thiết nghĩ, những VĐV hy sinh khi đang tập luyện hoặc thi đấu cũng xứng đáng được hưởng chế độ tử sĩ hoặc liệt sĩ như nhưng người lính.

Đó là các chiến sĩ trên mặt trận thể thao, mang vinh quang về cho tổ quốc và lan tỏa việc rèn luyện thân thể để cải thiện giống nòi, bảo vệ dất nước.

Các cấp lãnh đạo của Tổng cục và các Liên đoàn cần quan tâm hơn đến các VĐV, có chính sách và chế độ thỏa đáng trong tập luyện, sau khi chuyển nghề, đặc biệt là khi gặp tai nạn. Các nhà hảo tâm có thể tài trợ dạy nghề, nhận các VĐV giải nghệ vào làm việc, hỗ trợ khi gặp tai nạn.

Tài trợ khi đạt thành tích là việc bình thường, tài trợ khi gặp khó khăn họan nạn mới đáng trân quí. Đó chính là nét đặc trưng văn hóa tương trợ bản sắc Việt.

Trước thềm năm mới, xin đừng để những khoảng lặng thể thao tiếp tục lan rộng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại