Trong số những người đang lao vào công cuộc hỗ trợ người dân vùng bão lũ, sạt lở những ngày qua có không ít người nước ngoài. Họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau, có thể là du khách, có thể đang công tác hay mưu sinh ở Việt Nam, hoặc đã là dâu Việt, rể Việt, coi đất nước này như quê hương thứ hai...
Với sự đồng cảm và thương yêu dành cho những người đang gặp khó khăn, hoạn nạn, những người bạn quốc tế này không ngần ngại gác lại công việc, cuộc sống cá nhân để xung phong tham gia cứu trợ.
Chàng rể Tây dầm mình trong nước, chia cơm cho bà con Thái Nguyên
Ngày 11/9, Nathan Ross Keers (33 tuổi, người Anh, có vợ Việt) có mặt tại Thái Nguyên, một trong những nơi ngập lụt nặng, để phân phát lương thực, nhu yếu phẩm cho bà con cùng với các đoàn thể và tình nguyện viên khác cũng như lực lượng tại địa phương.
Hình ảnh Nathan Keers dầm mình trong nước lũ, tay ôm chặt từng suất cơm nóng hổi, bước qua những con đường lầy lội để trao tận tay cho từng hộ gia đình đang bị lũ lụt làm đảo lộn cuộc sống khiến nhiều người cảm kích. Suốt cả hành trình, mưa tầm tã, nước lũ dâng cao, bộ quần áo trên người bị ướt, anh mặc áo mưa để tiếp tục công việc và luôn nở nụ cười thân thiện.
Anh chia sẻ trên trang cá nhân: "Tôi đã ở Việt Nam này 6,5 năm, đã có một người vợ xinh đẹp và hai cậu bé tuyệt vời. Việt Nam đã cho tôi nhiều hơn những gì tôi xứng đáng nhận được, đất nước này đã trở thành một phần không thể thiếu của tôi. Tôi sẽ làm tất cả và tất cả để hỗ trợ những người dân khó khăn đang gặp hoạn nạn khi bão lũ. Nếu bạn có thể quyên góp bất cứ điều gì trong thời gian này thì xin hãy làm vì người dân đang rất cần".
Chị Ngô Băng Khanh - vợ Nathan Keers - cho biết, ngày nào chồng chị cũng chăm chỉ cập nhật thông tin bão lũ và tình hình của bà con sát sao hơn cả vợ, chỗ nào không hiểu thì tự dùng Google dịch. Anh luôn hỏi khi nào mình sẽ đi giúp mọi người. Dù đang sống trong chăn ấm đệm êm nhưng anh luôn thấy trống trải và thương bà con vùng lũ.
Băng Khanh kể: "Ngay hôm qua, khi vừa đi tập gym về, chồng mình đã đọc tin tức và khoe ngay rằng: 'Vợ ơi, hơn 100 người mất tích ở Lào Cai không sao rồi. Mọi người lên núi lánh nạn, chồng vui quá'. Hai vợ chồng mình luôn mong miền Bắc vượt qua mùa mưa lũ bình an và sớm khắc phục hậu quả. Riêng chồng mình, vừa đi ủng hộ bà con Thái Nguyên về vẫn còn đòi đi tiếp lên các vùng cao giúp bà con".
Đôi bạn Tây Ban Nha nấu cơm cứu trợ tại Lào Cai
Đôi bạn người Tây Ban Nha, Violeta và Candela, bị mắc kẹt tại Sa Pa (Lào Cai) vì mưa lũ. Không hoảng loạn, hai cô gái quyết định biến khó khăn thành cơ hội để giúp đỡ cộng đồng địa phương. Họ đã góp sức nấu ăn, chuẩn bị các suất cơm cứu trợ bà con vùng bị cô lập trên địa bàn.
Candela và Violeta được chị Trần Thị Huyền - giám đốc một công ty du lịch ở Thạch Sơn (Sa Pa) hỗ trợ ăn ở miễn phí, đảm bảo an toàn trong thời điểm mưa lũ nguy hiểm. Đáp lại tình cảm đó, hai cô gái Tây Ban xông xáo tham gia việc nấu ăn và phân phát các suất cơm cứu trợ. Họ không nề hà khó khăn hay mệt mỏi, làm việc không ngừng nghỉ từ sáng tới khuya cùng với các tình nguyện viên khác tại khu bếp dã chiến.
Ngày 9/9, hai vị khách Tây Ban Nha cùng nhóm chị Trần Huyền chuẩn bị hàng trăm suất ăn để tiếp tế người dân bản Lao Chải, TP Lào Cai. Ngày 10/9, họ tiếp tục tham gia nấu 400 suất ăn, làm thêm xôi, muối vừng để gửi lên vùng bị sạt lở đất ở huyện Bảo Yên, Bắc Hà.
Các suất cơm mà Candela và Violeta cùng mọi người chuẩn bị không chỉ đảm bảo về mặt dinh dưỡng mà còn chứa đựng cả tình yêu thương và sự sẻ chia. Những hộp cơm nóng hổi đã đến tay hàng trăm người dân đang chịu cảnh kẹt vì lũ, giúp họ tạm quên đi nỗi lo về thực phẩm trong những ngày khó khăn.
Người nước ngoài dọn cây đổ sau bão Yagi ở Quảng Ninh
Sau khi bão Yagi qua đi, nhiều tuyến đường ở thành phố Hạ Long rơi vào tình trạng ngổn ngang, cây cối bị quật đổ, cản trở giao thông và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người dân. Hàng chục nhóm tình nguyện đã phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả. Hình ảnh những người nước ngoài dốc sức tham gia công việc dọn dẹp đã gây ấn tượng mạnh và được lan truyền nhanh chóng trên các mạng xã hội.
Những người nước ngoài tham gia dọn dẹp sau bão thường là khách du lịch hoặc đang sinh sống và làm việc tại Quảng Ninh. Họ chung tay làm việc công ích với người dân địa phương với cả nhiệt huyết, trách nhiệm và yêu thương.
Những hình ảnh được chia sẻ cho thấy các chàng Tây miệt mài khiêng vác, cắt tỉa cành cây và dọn dẹp đường phố. Nụ cười của họ khi làm việc mang lại nguồn năng lượng tích cực cho nhiều người đang mệt mỏi, lo âu. Một cư dân địa phương bình luận: “Thật xúc động khi thấy những người bạn nước ngoài tận tâm giúp đỡ chúng tôi trong lúc này. Đó là hành động nghĩa tình và đầy tính nhân văn.”