“Bọn ngược đời”
Khi nghe tin các sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng nhau thành lập CLB “Đồ cũ là vàng” với hoạt động chính là thu gom đồ cũ, bán lấy tiền ủng hộ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhiều người đã gọi họ là “bọn ngược đời”. “Thu gom phế liệu thì được mấy đồng”, “chắc cũng lại đầu voi đuôi chuột thôi”... nhiều người tỏ vẻ nghi ngờ.
Người đưa ra ý tưởng thành lập CLB là cựu học viên Trần Thị Thu Trang, (khóa 55, Khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản, HV Nông nghiệp VN). Sau khi xem một chương trình nước ngoài nói về những hoạt động thiện nguyện của những người đi thu gom đồ cũ tặng cho người nghèo, Trang bàn với một số bạn cùng khóa xin phép trường thành lập dự án “Đồ cũ là vàng”.
Những ngày đầu hoạt động, nhóm từng không ít lần “bàn lùi” vì liên tục “vấp phải đá”. Vốn liếng chỉ là lòng nhiệt tình và những bao tải đựng thức ăn cho cá xin được của thầy giáo, các thành viên chia nhau đi từng phòng ở ký túc xá xin... rác.
“Lần đầu ra quân, cả đội thất vọng vô cùng khi lượng rác xin được không như mong đợi và chỉ bán được hơn 100.000 đồng. Một số phòng không hợp tác, còn đóng cửa hoặc không nói một lời khi nhóm vào xin rác” – một cựu thành viên kể lại.
Hội chợ đồ thủ công của “Đồ cũ là vàng”
Bền bỉ trong một thời gian dài, hoạt động của CLB đã dần nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, người dân xung quanh khu vực trường và các sinh viên. Mọi người để dành chai lọ, sách vở, quần áo cũ, bọc gói cẩn thận chờ CLB đến nhận đem bán lấy tiền để mua sách, vở, quần áo ấm, rồi khi kinh phí lớn lên thì mua chăn, đệm... đem đến từng bản làng. Trong 10 năm, nhóm đã tổ chức thành công hàng trăm chuyến thiện nguyện giúp đỡ các em nhỏ khó khăn trên vùng cao vơi bớt một phần khó khăn trong cuộc sống.
Mở rộng hoạt động gây quỹ
Từ sáng kiến của một số thành viên, hàng năm cứ đến các dịp lễ, tết như 8-3, 20-10... nhóm “Đồ cũ là vàng” đều tổ chức một hội chợ quà tặng thủ công để gây quỹ.
Điều đáng chú ý, toàn bộ sản phẩm bán gây quỹ đều được làm thủ công, từ đồ tái chế, đồ thân thiện với môi trường... và do chính các thành viên làm ra. Những thứ quà tặng nhỏ xinh này có “giá sinh viên” và được bày bán ngay trong khuôn viên trường.
Các sinh viên đều khá thích thú với mô hình “đồ hàng” này. Nguyễn Thúy An (sinh viên năm 3 khoa Công nghệ sinh học) chia sẻ: “Với một số tiền nho nhỏ, chỉ mười mấy ngàn đồng, bạn đã có được những món đồ bắt mắt, chiếc móc khóa nhỏ nhắn xinh xắn, hay những bông hoa chứa đầy tình cảm yêu thương để làm quà tặng cho bạn bè, người thân, gia đình, người yêu. Năm nào mình cũng mua, vừa để tặng mọi người, vừa để giúp các học sinh miền núi”.
Hoàng Thu Hà (sinh viên năm 2 khoa Công nghệ thực phẩm) tích cực hơn: “Mình không những mua ủng hộ, còn kêu gọi bạn bè ở trường khác cùng mua. Mỗi món đồ dù là nhỏ cũng góp phần giúp cho các em bé vùng cao có thêm điều kiện học hành”.
10 năm qua, những lớp cựu tình nguyện viên đời đầu đều đã ra trường nhưng nhiều người vẫn nhớ đến nhóm và quay lại ủng hộ bằng tiền, bằng hiện vật. Rất nhiều lớp sinh viên khóa sau đã tiếp bước các “tiền bối” duy trì hoạt động của “Đồ cũ là vàng”, về sau còn có thêm hậu tố “Thắp sáng tương lai” cho dễ nhận diện. Số lượng thành viên CLB cũng tăng lên theo từng năm, và hoạt động thu gom các chai lọ, giấy vụn, sách báo, quần áo cũ... thì đã được mở rộng ra các khu vực xóm trọ sinh viên, khu dân cư xung quanh Học viện. Vài năm trở lại đây, địa bàn hoạt động của họ đã được mở rộng ra các thị trấn xung quanh như: Khu đô thị Đặng Xá, Cổ Bi, Kim Thành, Kim Chung, Kim Lan…
“Bình thường bọn em thu gom phế liệu xong sẽ chia ra hai người 1 xe chở về nơi tập kết. Nhưng từ khi biết chúng em làm việc thiện nguyện, có một anh đã tự nguyện dùng xe tải nhỏ chuyên chở hoa quả để chở đồ cho chúng em. Anh ấy đã làm việc đó suốt 3 năm qua. Anh ấy còn bảo sẽ đồng hành với chúng em đến khi nào chúng em không làm nữa thì thôi” - một thành viên CLB chia sẻ.