Với tựa đề Việt hoá “Những kẻ khát tình”, The Beguiled chính xác là một câu chuyện giữa những người phụ nữ khao khát tình yêu với một người đàn ông muốn có cả tình yêu và tình dục.
The Beguiled của nữ đạo diễn Sofia Coppola được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Thomas P. Cullinan, với tựa gốc ban đầu có phần ma mị hơn - A Painted Devil. Đây cũng là lần thứ hai Hollywood chuyển thể bộ tiểu thuyết này, với phần phim trước được ra mắt vào năm 1971.
Câu chuyện về những người phụ nữ hẳn luôn là một câu chuyện phức tạp
Bối cảnh trong The Beguiled gói gọn trong ngôi trường nội trú hoang phế ở Virginia – một tiểu bang thuộc liên bang miền Nam nằm giáp ranh ngay biên giới phân chia 2 miền của cuộc nội chiến Hoa Kỳ.
Cũng như vị trí địa lý đặc thù này, cả bộ phim là hàng loạt tình tiết đối lập như hai dòng hải lưu nghịch hướng, còn các nhân vật là những con thuyền mắc kẹt giữa những luồng nước trái chiều ấy. Một sĩ quan miền Bắc lâm nạn ở lãnh địa của quân miền Nam, một gã trai trẻ nơi chiến trường lâu ngày lọt vào cái ổ đàn bà. Các cô gái xuân thì bị bó buộc trong nếp sống kỷ luật cứng nhắc và những người phụ nữ luống tuổi héo mòn trong cuộc sống thiếu bóng đàn ông.
Hạ sĩ John McBurney (Collin Ferrell) như một con ong mật đương kiệt sức bất ngờ sa vào một vườn hoa, mà hoa trong vườn nửa e ấp mùi mật non, nửa lại bừng bừng bung cánh mời mọc.
Đều dựa trên nguyên tác từ cuốn tiểu thuyết A Painted Devil của Thomas Cullinan, The Beguiled bản 2017 của Sofia Coppola không phải phiên bản làm lại của bộ phim cùng tên năm 1971 của Don Siegel. Cả hai bộ phim sở hữu những góc nhìn cùng cách kể chuyện hoàn toàn tách biệt.
Bản phim 1971 có Clint Eastwood thủ vai chính
Ví dụ như khi cô bé Amy (Oona Laurence) bắt gặp John McBurney trong rừng, trong bản phim cũ cô bé hoàn toàn bị động, hốt hoảng và sợ hãi khi thấy gã lính Yankee xuất hiện trong tư thế treo trên cây. Còn ở phiên bản 2017, John tiếp cận Amy khá nhẹ nhàng, nói chuyện tử tế với cô bé và được em chủ động đưa về trường nội trú. Cảnh phim đầu tiên này như dự báo trước số phận của các nhân vật, cùng như mạch phim xuyên suốt sau đó.
Dĩ nhiên, yếu tố chiến tranh và chính trị là điều không thể thiếu đối với một tác phẩm lấy mốc thời gian lịch sử cụ thể. Song, mỗi phiên bản điện ảnh lại có một cách phát triển bối cảnh khác nhau, cốt vẫn là để khắc họa được những con người “trong chiếc lồng chim chật hẹp”. Ở phiên bản 1971, Don Siegel đã dựng nên một cuộc chiến đẫm máu giữa đàn ông và đàn bà, mà hai bên đều sẵn sàng lao vào để đoạt mạng đối phương. Trong khi đó, Sofia Coppola kể lại như một câu chuyện tình, và chiến tranh chỉ tồn tại trong những tiếng bom nổ vang vọng từ xa.
Những người phụ nữ của The Beguiled thì không chỉ muốn lên giường ái ân. Họ thích chăm sóc và quan tâm, họ điểm tô xinh đẹp và chờ đợi được ngã vào vòng tay tình quân. Họ tuyệt nhiên không phải “những con quỷ cái xinh đẹp” như cái tên A Painted Devil nguyên bản đã ngấm ngầm khắc họa.
“Không gì đáng sợ bằng một phụ nữ run rẩy cầm súng lúc nửa đêm”.
Cũng chính bởi một câu thoại trong phim, và là câu thoại ấn tượng nhất, đã thực sự đẩy đến cao trào sự kịch tính của The Beguiled. Phim lấy bối cảnh nhỏ hẹp, với phần lớn thời lớn xoay quanh việc các nhân vật trao đổi lời thoại với nhau, nên diễn xuất từ phía dàn diễn viên cũng chính là “xương sườn” của toàn bộ phim.
Trong đó, hợp vai diễn nhất phải kể đến nam tài tử Colin Farrell. Vào vai một nhân vật có nội tâm thay đổi liên tục do phải chịu nhiều cám dỗ, bản thân Farrell vẫn luôn tỏa ra một nội lực, một sự ấm áp và hấp dẫn rất nam tính.
Colin Farrell hoàn thành tốt vai tay sĩ quan quyến rũ, khó lường
Chính vai hạ sĩ John McBurney đã trở thành “chất xúc tác”, khơi dậy lửa dục vọng trong lòng mỗi người phụ nữ của ngôi trường ấy. Và mỗi người đẹp từ đó lại có sự phát triển tâm lý rất riêng biệt: Nếu như vai cô hiệu trưởng Martha của Nicole Kidman vẫn còn cố giữ kẽ và chỉ bộc lộ khao khát của mình trong vài khoảnh khắc, khi cô giáo Edwina của Kirsten Dunst lại có phần thẳng thắn đến bạo dạn hơn. Trong khi đó, ở độ tuổi mới lớn, nàng Alicia xinh đẹp (Elle Fanning) để mặc cho trí tò mò dẫn lối, bởi từ khi McBurney đến, mọi rào cản gia giáo trong cô như tòa tháp đã bị đánh sập.
Sau The Neon Demon, Elle Fanning vẫn tỏ ra rất phù hợp với những vai nổi loạn
Có thể thấy, toàn bộ kịch bản của phim có thể gói gọn bằng một câu: Những người phụ nữ, bằng nhiều cách khác nhau, phải chiếm được trái tim của một người đàn ông. Chính tình yêu, chứ không phải một thế lực xa lạ nào khác, đã mang đến mâu thuẫn, mang đến sự rùng rợn trong những cảnh quay cao trào lúc gần cuối tác phẩm.
Không dừng lại ở đó, phần nhìn trong The Beguiled cũng tuyệt đẹp, qua lối dàn dựng độc đáo của đạo diễn hình ảnh Philippe Le Sourd. Xuyên suốt bộ phim, ánh đèn cầy cũng như tia sáng mặt trời được tận dụng mọi lúc, mang đến sự ấm áp cho một bộ phim sở hữu tông chủ đạo là màu trắng (màu áo của các nhân vật nữ). Phong cách này gợi nhắc đến lối làm phim của những đạo diễn bậc thầy ngày trước, điển hình như Stanley Kubrick hay David Lynch.
The Beguiled mang tông chủ đạo là màu trắng
Đậm tính nghệ thuật nhưng lại mang một chủ đề gần gũi đến trần trụi, không mấy ngạc nhiên khi The Beguiled được chọn làm bộ phim mở màn cho LHP Cannes 2017. Song, bản thân bộ phim của cô con gái đạo diễn tài danh Francis Coppola lại gây ra khá nhiều tranh cãi. Phía ủng hộ tôn vinh những nét đẹp về diễn xuất và hình ảnh, phía phản đối cho rằng đây là một bộ phim lạnh lùng, thiếu sức sống và tràn ngập sự căm thù đàn ông.
Còn bạn, bạn nghĩ thế nào?