Chính phủ Nepal đánh giá Imja Tsho là một trong 3 hồ sông băng tiềm tàng nguy hiểm tại nước này. Ảnh: Slate.com
Băng trên khắp thế giới đang tan chảy với tốc độ đáng báo động. Nước tan chảy lấp đầy chỗ trũng tạo thành hồ sông băng. Khi nhiệt độ ấm hơn và nhiều tảng băng tan chảy hơn, hồ sông băng sẽ dâng lên gây nhiều rủi ro. Nước hồ dâng quá cao hoặc đập tự nhiên bị vỡ khiến nước và mảnh vụn đổ xô xuống núi. Hiện tượng này được gọi là vỡ hồ sông băng.
Theo một nghiên cứu được công bố hôm 7/2 trên tạp chí Nature Communications, khoảng 15 triệu người trên toàn cầu sống trong vòng 48 km xung quanh hồ sông băng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Hơn một nửa trong số đó chỉ tập trung ở bốn quốc gia - Ấn Độ, Pakistan, Peru và Trung Quốc.
Đây là nghiên cứu đầu tiên xem xét cụ thể tác động tiềm ẩn của vỡ hồ băng, điều mà các chuyên gia cho rằng không thể phóng đại. Tom Robinson, đồng tác giả của nghiên cứu và là giảng viên tại Đại học Canterbury (New Zealand) cho biết một đợt vỡ hồ sông băng sẽ giống như “cơn sóng thần trên cạn”.
Hồ sông băng dưới chân núi Jomolhari ở Bhutan. Ảnh: CNN
Hồ sông băng Dig Tsho tại Khumbu Himal, Nepal từng vỡ vào năm 1985 gây ra thiệt hại đáng kể. Ảnh: CNN
Hồ sông băng Chiatibo ở Pakistan. Ảnh: Reuters
Hồ sông băng Palcacocha tại Peru. Ảnh: Guardian
Công tác cứu hộ tại bang Uttarakhand (Ấn Độ) trong trận lũ quét năm 2021 do vỡ sông băng. Ảnh: Telegraph
Một cây cầu quan trọng tại miền Bắc Pakistan đã sụp đổ hoàn vào tháng 5/2022 do không chống chịu được sức mạnh của lũ quét từ hồ sông băng Shisper đẩy lượng nước lớn vào khu vực (video dưới, nguồn: AFP)
Những hồ sông băng có thể tạo 'sóng thần trên cạn' gây nguy hại cho 15 triệu người
Những trận lụt do hồ sông băng gây ra thường bất ngờ, không kèm theo cảnh báo. Những đợt vỡ hồ sông băng trước đây đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng đồng thời phá hủy nhiều tài sản cũng như cơ sở hạ tầng quan trọng.
Cordillera Blanca ở Peru là một trong những điểm nóng của hiện tượng nguy hiểm này. Các nhà nghiên cứu nhận thấy kể từ năm 1941, dãy núi này đã trải qua hơn 30 thảm họa từ tuyết lở đến các đợt vỡ hồ sông băng cướp đi sinh mạng của hơn 15.000 người.
Mặc dù vẫn chưa rõ có bao nhiêu trận lũ lụt ở Pakistan năm ngoái có liên quan đến băng tan, nhưng quốc gia này là nơi có nhiều sông băng nhất thế giới ngoài các vùng cực. Các nhà khoa học cho biết chỉ riêng trong năm 2022, đã có ít nhất 16 sự cố vỡ hồ băng ở khu vực Gilgit-Baltistan phía Bắc Pakistan – nhiều hơn đáng kể so với 5 hoặc 6 lần như trong những năm trước.
Nghiên cứu của các nhà khoa học New Zealand cũng cho thấy khu vực tiếp xúc nhiều nhất với những đợt vỡ hồ sông băng này là vùng núi cao châu Á, bao gồm Nepal, Pakistan và Kazakhstan. Họ cũng cảnh báo khu vực Dãy Andes trong đó có Peru và Bolivia cũng là một trong những nơi đáng lo ngại.