Do hiện tượng Mặt trời chắn ngang Sao Mộc và Trái Đất nên phải mất hơn một tuần, những bức ảnh quý giá này mới có thể được gửi về cho những nhà khoa học.
Các nhà nghiên cứu đã đăng tải chúng lên mạng vào hôm Thứ Ba tuần trước. Kể từ lúc đó, cộng đồng nghiệp dư cũng như chuyên nghiệp đang bận rộn xử lý dữ liệu để đưa ra những hình ảnh mới đầy sắc màu và đáng kinh ngạc của Sao Mộc.
Sean Doran, một họa sĩ đồ họa người Anh, người thường xuyên xử lý các hình ảnh của NASA, đã đăng lên trang Twitter của mình rằng: "Những hình ảnh mới nhất của Sao Mộc từ @NASAJuno Perijove 09! Một hành tinh tuyệt đẹp và ma quái".
Dưới đây là một vài hình ảnh mới và cận cảnh của Sao Mộc, cùng với những cảnh chụp không thể tin được trong những lần bay ngang trước đó.
Trong lần bay ngang gần đây nhất, cũng như 8 lần trước đó, Juno bắt đầu từ Cực Bắc của Sao Mộc.
Sau đó, phi thuyền di chuyển qua vài nghìn dặm quanh hành tinh khí khổng lồ này, chụp lại những hình ảnh rõ nét về khung cảnh đáng kinh ngạc của tầng mây trên cùng.
Khi nó tiếp cận vị trí gần Sao Mộc nhất trong mỗi chuyến bay ngang, robot này trở thành vật thể nhân tạo nhanh nhất trong Hệ Mặt Trời, đạt vận tốc 130.000 dặm/giờ.
Khi Juno bay trở lại vào không gian, nó đi ngang qua Cực Nam của Sao Mộc. Những cơn bão khuấy đảo tại vùng Cực liên tục thay đổi quang cảnh của khu vực này.
Juno tiến hành chuyến bay ngang kéo dài hai giờ đồng hồ, được gọi là perijove mỗi 53 ngày tương đương với chiều dài quỹ đạo của nó quanh Sao Mộc.
Juno đáng nhẽ phải bay ngang Hành tinh khí khổng lồ này mỗi 2 tuần nhưng một van động cơ trục trặc đã làm chậm kế hoạch này lại
Các nhà nghiên cứu đăng tải dữ liệu thô được gửi về từ Tàu thăm dò lên trang web của sứ mệnh này.
Ở đây, những người đam mê lấy về các dữ liệu hình ảnh thiếu sáng, chủ yếu là màu xám và xử lý nó thành những tấm ảnh màu sống động.
Nhiều ảnh chụp của Sao Mộc có tính nghệ thuật cao.
Một số khác gây ấn tượng với độ chi tiết về những đám mây dày đặc và những cơn bão dữ dội trên hành tinh này.
Một số cơn bão đủ lớn để nuốt trọn Trái Đất, hoặc ít nhất là một mảng lớn.
Bầu khí quyển của hành tinh này là một đống hỗn độn giữa khí hydro và heli.
Ngoài ra còn có dấu hiệu của các phân tử như amonia, metan, lưu huỳnh, và nước, khiến những đám mây có màu sắc và tính chất khác nhau.
Những hỗn hợp này đôi khi tạo thành những thứ có hình dạng giống như một khuôn mặt (như góc trái của tấm ảnh dưới đây).
Còn có lúc những đám mây màu trắng sáng chiếm hầu hết một dải mây.
Nhiều dải mây có một đặc tính được gọi là chevrons. Sự rối loạn khí quyển này thổi tung với tốc hộ vài trăm dặm/giờ, đôi khi đi qua các dải mây theo hình zig-zag hoặc đâm xuyên qua chúng.
Hình ảnh này được chụp trong Chuyến perijove của Juno, trong đó hai dải mây đang giành quyền ảnh hưởng, một trong số chúng chứa một bão lốc lớn gấp nhiều lần một cơn bão trên Trái Đất.
Sean Doran, một họa sĩ và một người đam mê không gian, thường biến các hình ảnh từ Juno thành một video. Những đoạn phim này cho ta cảm nhận được hành trình bay ngang qua các đám mây trên bề mặt Sao Mộc.
Phi thuyền này sẽ tiếp tục thu thập tài liệu từ Sao Mộc miễn là NASA vẫn đủ khả năng để duy trì. Tuy rằng sẽ không phải là vĩnh viễn.
NASA thậm chí sẽ phá hủy robot trị giá 1 tỷ USD này để nó không vô tình đâm vào Mặt trăng băng của Sao Mộc, tránh gây nguy cơ nhiễm độc cho vùng biển và bất kỳ dạng sống ngoài hành tinh nào.