Những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc hứng chịu đòn giáng mạnh: Bắc Kinh yêu cầu tách rời các dịch vụ tài chính

Giang Ng |

Bắc Kinh muốn chấm dứt những lợi thế mà những gã khổng lồ công nghệ nước này đã có được trong một thời gian dài.

Trong những năm gần đây, các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã chuyển sự phổ biến của các ứng dụng thanh toán di động trở thành một hệ sinh thái sinh lời mạnh, cung cấp một loạt các dịch vụ tài chính, từ các khoản vay cá nhân cho đến chính sách bảo hiểm. Giờ đây, Bắc Kinh muốn chấm dứt những lợi thế đó.

Hôm 30/4, PBOC và 4 cơ quan quản lý khác đã thông báo với một số công ty công nghệ lớn nhất nước này – bao gồm Tencent, Didi Chuxing và JD.com, về việc các ứng dụng của họ không nên tiếp tục cung cấp các dịch vụ tài chính khác ngoài thanh toán.

Trong cuộc họp 3 tiếng tại Vụ Thị trường Tài chính thuộc PBOC, các nhà quản lý yêu cầu đại diện những công ty trên rằng việc cung cấp một số dịch vụ tài chính chỉ trong 1 nền tảng duy nhất đã khiến dòng tiền chảy vào những sản phẩm khác nhau bị che đậy. Theo đó, điều này tạo rủi ro cho cả hệ thống tài chính.

Nếu được thực hiện, việc các nhà quản lý yêu cầu xoá bỏ các sản phẩm, dịch vụ tài chính trên nền tảng thanh toán cốt lõi của những gã khổng lồ công nghệ sẽ giáng một đòn mạnh vào mô hình kinh doanh vốn sinh lời tốt. Mô hình này được khởi xướng thành công bởi Ant Group của tỷ phú Jack Ma.

Năm ngoái, cựu CEO của Ant là Simon Hu cho biết: "Trước đây, thanh toán là điểm kết thúc của các giao dịch. Giờ đây, thanh toán là khởi đầu của mọi giao dịch."

Kể từ đó, với việc nêu rõ những rủi ro đối với hệ thống tài chính do Ant gây ra, các nhà quản lý Trung Quốc đã tạm dừng đợt IPO của công ty này. Ngoài ra, Ant còn được yêu cầu phải tái cấu trúc để trở thành một định chế tài chính, chịu sự giám sát của NHTW. Sau cuộc họp hôm thứ Năm, có thể, nhiều công ty công nghệ lớn Trung Quốc kinh doanh cả mảng tài chính đều sẽ đưa ra nguyện vọng tương tự.

Những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc hứng chịu đòn giáng mạnh: Bắc Kinh yêu cầu tách rời các dịch vụ tài chính - Ảnh 1.

Trong cuộc họp, giới chức đã yêu cầu 13 công ty công nghệ tham dự phải đáp ứng đúng các yêu cầu về pháp lý đối với mảng cho vay và nhận tiền gửi online. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu họ có phải gỡ bỏ liên kết các dịch vụ phi tài chính khỏi hệ sinh thái trên ứng dụng hay không. Ví dụ, nhiều nền tảng cung cấp cả những dịch vụ khác như gọi xe hoặc giao đồ ăn.

Khởi đầu là một nền tảng thanh toán cơ bản, nhưng hiện tại Alipay của Ant đã cung cấp nhiều dịch khác cho hơn 1 tỷ người dùng. Một trong những tính năng phổ biến nhất là dịch vụ cho vay vi mô, chiếm gần 40% tổng doanh thu nửa đầu năm 2020.

2 nguồn tin thân cận tiết lộ, hiện tại, Ant đang thay đổi Alipay để loại bỏ các dịch vụ tài chính khỏi dịch vụ thanh toán cốt lõi. Ant đang thảo luận với các nhà quản lý về khả năng chuyển đổi một số dịch vụ tài chính hoạt động trên 1 ứng dụng sang ứng dụng khác gọi là Ant Fortune.

Dù giới chức lo ngại, nhưng dịch vụ cho vay vi mô của Ant đang được hàng triệu cá nhân và doanh nghiệp nhỏ sử dụng. Nhóm khách hàng này khó có thể nhận được những khoản vay ngắn hạn thông qua các kênh ngân hàng truyền thống của Trung Quốc. Theo thoả thuận, các ngân hàng bảo lãnh khoản nợ, chịu rủi ro tín dụng và lấy lãi, trong khi Ant thu về khoản phí thực hiện giao dịch.

Dẫu vậy, dù đối với Ant hay những gã khổng lồ công nghệ khác, thì việc tách rời các dịch vụ tài chính gần như sẽ chắc chắn giáng một đòn mạnh vào khả năng sinh lời, cũng như định giá của họ trong tương lai.

Tuần trước, Fitch Ratings cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng việc tách mảng thanh toán và cho vay vi mô của Ant sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh của hoạt động bán chéo thông qua nền tảng Alipay. Cùng với những thách thức về quy định khác, việc này có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng và doanh thu của Ant trong thời gian tới."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại