Những nụ cười hồn nhiên
Đang xem kéo co, thấy Trung tá Trần Thị Huyền, Phó Giám thị đến gần, không cần ai nhắc, hai đứa trẻ líu lo “con chào bà Huyền ạ”. Trung tá Trần Thị Huyền hồ hởi: “Bốp và Kẹo ngoan lắm. Bà mừng tuổi hai con hay ăn chóng lớn đây”.
Vừa nói, Trung tá Trần Thị Huyền vừa mừng bao lì xì cho hai đứa trẻ. Nhìn ánh mắt hân hoan của chúng, ai cũng vui lây. Rồi, cả hai đứa, tuồn khỏi lòng mẹ, chạy lăng xăng xem các cô chú chơi bóng chuyền.
Chúng hoà vào chơi cùng những đứa trẻ con cán bộ cũng đang xem các cô các chú phạm nhân thi đấu thể thao...
Đêm Giao thừa, cùng với việc chúc Tết các phạm nhân, Ban Giám thị Trại giam Ninh Khánh đã mừng tuổi các bé, mong sang năm mới, các cháu hay ăn, chóng lớn, khỏe mạnh, ngoan ngoãn để các mẹ có điều kiện phấn đấu lao động, cải tạo tốt hơn, sớm được trở về với cộng đồng.
Đối với cán bộ chiến sĩ (CBCS) Trại giam Ninh Khánh, ngoài việc giáo dục, cải tạo phạm nhân, thì một trong những ưu tiên của trại đó là chăm sóc, giáo dục các cháu là con của phạm nhân.
Từ Thượng tá Trần Đức Phong, Giám thị đến từng CBCS đều luôn tâm niệm rằng, cho dù bố mẹ chúng phạm tội, nhưng những đứa trẻ kia là những trang giấy trắng, rất cần những nét bút ngay ngắn đầu tiên.
Không chỉ thế, so với các trẻ em khác thì các cháu đã rất thiệt thòi nên mọi người đều cố gắng bù đắp phần thiếu hụt, mong các cháu nên người, tránh xa khỏi vết chân tội lỗi mà cha mẹ chúng đã dẫm lên.
Chính vì vậy, Ban Giám thị đã cho các cháu ở tuổi nhà trẻ, mẫu giáo được học cùng với con cán bộ trong trường mầm non của trại.
Thượng tá Trần Đức Phong cho biết, trường mầm non của trại được đạt chuẩn đầu ra cho các cháu. Theo đó, các cháu học trong trường đủ điều kiện để vào lớp 1, không phải đến trường của xã để học nên CBCS yên tâm công tác, không phải đưa đón xa.
Đối với con các phạm nhân, theo các lứa tuổi đều được học chung với con CBCS để sau khi về nhà, các cháu cũng dễ hoà nhập hơn.
“Bố mẹ chúng có tội nhưng trẻ con không có tội tình gì. Chúng tôi luôn tạo điều kiện tốt nhất có thể để mong các cháu nên người” - Thượng tá Trần Đức Phong nhấn mạnh.
Ngày Tết, các cháu đều được trại cho hưởng chế độ gấp 5 lần ngày thường theo đúng quy định. Nhìn các cháu xúng xính trong bộ quần áo mới, chạy tung tăng khắp sân, ai cũng thấy vui lây.
Được biết, phân trại nữ của Trại giam Ninh Khánh thường xuyên có 10 -15 đứa trẻ theo mẹ đi thi hành án.
Những mẹ có con nhỏ, trại tạo điều kiện cho ở nhà chăm sóc con, chưa phải lao động. Khi các cháu ốm đau, các bác sĩ đều khám, cấp thuốc đầy đủ, chăm sóc chu đáo.
Đợt Tết Canh Tý này, trại chỉ còn 5 cháu ở lại, cháu bé nhất mới sinh chưa đầy 1 tháng, cháu lớn nhất được gần 3 tuổi, còn các cháu lớn, đến tuổi đi học đã được gia đình đón về.
Các cháu bé chưa ăn được thì trại cấp sữa, bột, quần áo...; các cháu lớn được thêm bánh kẹo, mứt, giò, bánh chưng... nên các cặp mẹ con đón Tết khá dư giả.
Và biết gieo hy vọng
Bế con gái trên tay, phạm nhân Nguyễn Khánh Hoà, 23 tuổi, quê Hải Phòng len vào giữa nhóm phạm nhân đang xem nhảy bao bố. Bé Nguyễn Khánh An - con của Hoà (tên thường gọi là Kẹo) mới 16 tháng tuổi chuồi khỏi tay mẹ để chạy lăng xăng xem các trò chơi.
Nhìn vóc dáng mảnh mai, xinh xắn, dù không hề trang điểm, ít ai nghĩ Hoà đã là mẹ của hai đứa con và đang thụ án chung thân vì mua bán trái phép chất ma tuý.
Lúc bị bắt, Hoà mang thai con thứ hai được 6 tháng. Sau thời gian tạm giam, Hoà được đưa về thụ án tại Trại giam Ninh Khánh.
Dù đã có con gần 5 tuổi, nhưng còn trẻ nên Hoà hoàn toàn không có kinh nghiệm gì để chăm sóc thai nhi, càng lúng túng khi con nhỏ chào đời. Được sự hỗ trợ, giúp đỡ, bảo ban của các cán bộ, Hoà đã chăm sóc bé Khánh An rất tốt.
Hai mẹ con được trại cho mượn một phòng riêng để dễ chăm sóc nhau. Các cán bộ thường xuyên qua vui chơi với bé An, thi thoảng còn mang cho cháu sữa, bánh, đồ chơi, quần áo.
“Nhờ các cán bộ chỉ bảo cách chăm sóc, từ khi sinh đến giờ, Khánh An chưa từng phải dùng viên thuốc nào”, Hoà cho biết. Nếu như con trai đầu, Hoà phó mặc hoàn toàn cho mẹ chăm sóc, thì ở trại giam, Hoà chăm sóc con gái nhỏ Khánh An rất chu đáo, cẩn thận.
Ngồi nói chuyện mà Hoà liên tục vuốt tóc, thơm má, trò chuyện cùng con. Bé An cũng quấn quýt bên mẹ và bạo dạn chào hỏi tất cả cán bộ đi qua.
Dường như, chỉ đến khi bị bắt, sống ở trại tạm giam, Hoà mới thực sự thực hiện thiên chức làm mẹ, thay cho quãng thời gian bỏ bê con cái, lao đầu vào các cuộc ăn chơi, buôn bán ma tuý.
Giờ học tập của các phạm nhân trại giam Ninh Khánh. |
Cũng như hoàn cảnh của Hoà, phạm nhân Phạm Thị Nhung, dù mới 31 tuổi, quê ở Thanh Châu, Phủ Lý đã là mẹ của 4 đứa con. Đứa lớn nhất sinh năm 2006, khi Nhung mới 18 tuổi.
Chồng Nhung cũng là đối tượng ma tuý, quê ở Nam Định, đã có vợ con đề huề. Nhung đến với anh ta không danh phận, không được gia đình thừa nhận, quan tâm để ý gì nên các con lần lượt ra đời nhưng không đứa nào biết đến nhà nội.
Ở với nhau ở Thanh Châu - thủ phủ ma tuý của Hà Nam với hàng chục gia đình có “truyền thống” mua bán ma tuý, hình thành nên những boong ke ma tuý lớn trong khu vực.
Gia đình Nhung cũng vậy. Bố đi tù vì tội ma tuý, mẹ mất sớm, chị em Nhung sống với bà ngoại. Không được chăm sóc, giáo dục chu đáo nên Nhung sớm bỏ học, ăn chơi rồi lại sa vào con đường ma tuý.
Lần đầu bị bắt, Nhung bị kết án 7 năm 9 tháng nhưng cho tạm hoãn thi hành án vì đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Dù đang nợ án, nhưng ở nhà, Nhung tiếp tục mua bán ma tuý, lại bị bắt. Lần này, cả hai vợ chồng bị bắt.
Chồng Nhung bị kết án 3 năm tù giam, Nhung cũng bị thêm hơn 8 năm tù nữa, tổng cộng hai vụ lên tới 16 năm 6 tháng tù.
“Lúc đó, đứa con trai thứ ba mới hơn 1 tuổi, lại mới biết chửa đứa thứ 4 nên em sốc và lo lắng lắm. Cả hai vợ chồng bị bắt, 3 đứa con không ai nuôi. Em thì không thể nợ án nữa vì đang hưởng khoan hồng lại tiếp tục phạm tội.
Em gần như mất phương hướng vì nhà có 3 chị em thì đứa em trai cũng bị bắt vì tội cướp. Bố cũng vẫn đang thi hành án ở Ninh Khánh. 3 đứa con em lại phải đưa về bà ngoại (chúng gọi là cụ).
Thế là bà em, hết nuôi 3 đứa cháu giờ lại phải chăm 3 đứa chắt, lít nhít. Cụ hơn 80 tuổi rồi, không chăm nổi chắt nữa nên em gái em vừa gửi hai đứa bé vào chùa. Đứa lớn, ở cùng với con bà dì”.
Sinh con ở trại tạm giam, khi cháu được gần 1 tháng tuổi, Nhung có quyết định thi hành án ở Trại giam Ninh Khánh nên hai mẹ con được đưa lên đây. 3 tuổi, cũng là 3 năm con trai Nhung ăn Tết trong trại giam.
Được các cán bộ và phạm nhân chuyền tay nhau bế suốt ngày nên bé Bốp - con trai Nhung khá dạn, không sợ người lạ. Cháu biết hết tên các cán bộ nên khi nhìn thấy từ xa là chào hỏi rất ngoan.
Nhung cho biết “em và các mẹ có con đi theo đều được cán bộ rất quan tâm, thường xuyên động viên, thăm hỏi, lễ tết đều có quà. Thương nhất là 3 đứa ở nhà chị ạ. Tết nhất chúng nó chẳng có ai. Giờ em chỉ cố gắng chấp hành án tốt nhất để sớm về với các con”.
Nhung cho biết thêm, do có bố đẻ cùng thi hành án trong Trại Ninh Khánh nên ngày lễ, tết... Trại tạo điều kiện cho bố con được gặp nhau, động viên nhau.
“Bố em cũng già rồi, sắp hết án. Gặp nhau bố con động viên, sau này ra đời dù đói rách thế nào cũng không bao giờ phạm tội nữa”.
Nói rồi, Nhung đưa mắt ngắm nhìn vườn cây đang đâm chồi nảy lộc, để hy vọng, ngày mai, ngày kia, cuộc đời mình, cuộc đời con mình sẽ không bao giờ vấp phải vết xe đổ mà mình và những người thân khác đã đi qua...