Dự án tỉ đô nhiều như lợn con
Cuối tháng 7.2016, giới đầu tư địa ốc trong nước không thể không choáng váng trước sự hoành tráng của Dự án Saigon Peninsula.
Theo thông tin được công bố, dự án Saigon Penisula có quy mô 118 hecta đã được TP.HCM chấp thuận cho Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula làm chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch tỉ lệ 1/500 với các hạng mục công trình phức hợp, gồm công viên đa chức năng, bến cảng du thuyền quốc tế, văn phòng, khu biệt thự, căn hộ, khách sạn, các khu chức năng khác cùng nhiều hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật.
Dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 6 tỉ USD, đây có thể là dự án BĐS có giá trị cao nhất từ trước đến nay trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Chủ đầu tư cũng không giấu tham vọng, biến dự án thành nơi hội tụ của những nét kiến trúc độc đáo mang tầm cỡ quốc tế và là “lá phổi xanh” hòa quyện vào không gian sông nước sinh thái lý tưởng…
Độ hoành tráng của dự án này còn được đảm bảo bởi những cái tên quốc tế, chẳng hạn như Pavilion Group cùng chủ sở hữu của Pavilion Kuala Lumpur, Malaysia… Một số cái tên khác là Genting Group, Posco E&C và Hyundai E&C.
Gần như đồng thời với dự án Saigon Penisula, một dự án khác hoành tráng không kém, trị giá 4 tỉ USD, xin đầu tư vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo thông tin được công bố, các tập đoàn của Mỹ như Cantor Fitzgerald, Weider Resorts, Steelman Partners và Tập đoàn Liên Thái Bình Dương muốn rót vốn lớn vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM nhằm biến khu vực này trở thành trung tâm tài chính mới của Đông Nam Á.
Theo đó, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cùng 3 nhà đầu tư Mỹ quyết định sẽ làm dự án có quy mô lớn ở Thủ Thiêm với mức đầu tư 4 tỉ USD, khoảng 11 ha. Dự án tích hợp nhiều chức năng như vui chơi giải trí, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại…
Đáng chú ý, tòa tháp văn phòng kỳ vọng sẽ là trung tâm tài chính, chứng khoán thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến làm việc.
Trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương… từng chứng kiến gần một chục dự án BĐS tỉ đô khác nhưng có một điểm chung là sau gần một thập kỷ kiểm chứng, phần nhiều các dự án đó là “bánh vẽ” hoặc “đầu voi đuôi chuột”.
Một số dự án đã bị thu hồi vì không khả thi, một số thì nằm yên, bỏ mặc cỏ dại…
Đầu voi đuôi chuột
Gần chục năm trước, trên thị trường BĐS xuất hiện một nhà đầu tư thuộc dạng “hàng khủng” mang tên Berjaya. Berjaya có mặt khắp cả nước từ Hà Nội đến TP.HCM, Biên Hòa, Đồng Nai…, chỗ nào cũng có dự án, từ vài trăm triệu đến vài tỉ đô la.
Trên địa bàn TP.HCM, Berjaya được giao dự án hồ Kỳ Hòa và khu đô thị đại học quốc tế tại Khu đô thị Tây Bắc TP.HCM. Dự án khu đô thị đại học quốc tế có tổng vốn đầu tư 3,5 tỉ USD, tại thời điểm công bố, đây là dự án có tổng vốn đầu tư lớn nhất.
Khỏi phải nói về mức độ khủng và sự hoành tráng của dự án này với 4 khu chức năng: Giáo dục đại học; đô thị kế cận; trung tâm dịch vụ tổng hợp; khu công viên cây xanh, phúc lợi công cộng, với tổng diện tích xây dựng trên diện tích 880 ha nằm trong Khu đô thị Tây Bắc (9.000 ha), cách TP.HCM 19 km.
Chi tiết hơn, dự án bao gồm 6 khu dân cư tập trung và 3 trường đại học liên kết với các khu nhà ở, trung tâm hội nghị, căn hộ biệt lập, khu vui chơi giải trí, mua sắm, văn phòng làm việc… Dự án dự kiến sẽ hoàn tất trong vòng 10 năm kể từ năm 2008.
Sau gần chục năm, đến nay, dự án khu đô thị đại học quốc tế vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh, chủ đầu tư chưa triển khai bồi thường thu hồi đất, báo hại 600 hộ dân sống trên địa bàn xã Tân Thới Nhì cứ phải phập phồng chuyện đi không được, ở không xong.
UBND thành phố cũng từng ra tối hậu thư cho chủ đầu tư đến cuối năm 2015 nếu vẫn không thực hiện sẽ thu hồi theo quy định. Thế nhưng, đến nay, dự án vẫn chưa nhúc nhích gì. Cũng liên quan đến Berjaya, dự án hồ Kỳ Hòa đã bị TP.HCM thu hồi cách đây 2 năm.
Một dự án BĐS tỉ đô khác nằm trong tình trạng “đầu voi đuôi chuột” là dự án Công viên phần mềm Thủ Thiêm. Dự án Công viên phần mềm Thủ Thiêm được UBND TP.HCM cấp chứng nhận đầu tư tháng 6.2008.
Chủ đầu tư là liên doanh giữa SaigonTel (thuộc Tập đoàn đầu tư Sài Gòn) với Công ty TA Associates của Singapore (thành viên Tập đoàn Teco, lãnh thổ Đài Loan), mang pháp nhân Công ty TA Associates Việt Nam.
Tháng 7.2008, dự án được rầm rộ khởi công, dự kiến đến năm 2012 sẽ hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động. Chủ đầu tư cho biết đây là dự án công viên phần mềm lớn nhất ASEAN trị giá 1,2 tỉ đô.
Chưa hết, với quy mô sử dụng đất chưa đến 16 ha (thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm), khi đi vào hoạt động, dự án sẽ được bổ sung 2,95 tỉ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng góp 4,3 tỉ USD thuế và hàng năm tạo doanh số 6,5 tỉ USD; mang lại cơ hội việc làm cho 40.000 công nhân trong giai đoạn xây dựng và 70.000 chuyên viên phần mềm, kỹ sư công nghệ thông tin.
Sau khi khởi công dự án, chủ đầu tư liên tục yêu sách đề xuất thay đổi quy hoạch nhằm làm gia tăng BĐS thương mại… Tháng 11.2011, dự án bị UBND TP.HCM thu hồi, chính thức đặt dấu chấm hết cho một “bánh vẽ” trị giá nhiều tỉ đô.
Theo một chuyên gia BĐS, luật pháp quy định, chủ đầu tư BĐS phải có ít nhất 20% vốn của dự án, nếu căn cứ vào quy định này sẽ rất ít có các chủ đầu tư đủ năng lực thực hiện các dự án có giá trị trên 5 tỉ đô, vì khi đó bắt buộc chủ đầu tư phải có 1 tỉ USD vốn tự có.
Thực tế, rất ít doanh nghiệp có thể đáp ứng được quy định này. Trong một thời gian dài, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực BĐS do thiếu các quy định kiểm tra năng lực tài chính của nhà đầu tư nên các nhà đầu tư tha hồ vẽ vời nhằm giành dự án.
Các cơ quan chức năng, các địa phương giao dự án mà không cần biết chủ đầu tư có năng lực để biến dự án thành hiện thực.
Về phía các nhà đầu tư, sau khi giành được dự án họ mới tính đến chuyện tìm kiếm các đối tác để triển khai hoặc bán dự án. Trong trường hợp các dự án không khả thi, các nhà đầu tư rút êm và chả mất gì đáng kể.