Nghị quyết 98 (NQ 98) được Quốc hội thông qua ngày 24/6/2023 được kỳ vọng sẽ giải quyết bài toán về hạ tầng - giao thông TP. HCM với các thay đổi về hình thức đầu tư BOT, BT và TOD. Qua đó nhằm khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của thành phố để tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. NQ 98 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2023.
Đối với hình thức BOT (Build - Operate - Transfer: Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao), khi NQ 98 được áp dụng, thành phố sẽ được thí điểm các dự án BOT trên một số tuyến đường bộ hiện hữu (áp dụng trên đường trục chính và đường trên cao) thay vì trước đó chỉ được đầu tư với các dự án đường bộ mới. Đặc biệt, nghị quyết này sẽ “cởi trói” cho QL13 sau 22 năm nằm trên giấy. Trong khi đoạn từ giáp ranh TP. HCM đến Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) dài khoảng 12,7 km đang được nâng cấp, mở rộng từ 6 lên 8 làn xe, đoạn ở TP. HCM vẫn chưa có dấu hiệu khởi công. Người dân vẫn phải chứng kiến tình trạng kẹt xe diễn ra hằng ngày.
Tuy nhiên, khi NQ 98 có hiệu lực một trạm thu phí BOT sẽ được đặt trên QL13, giúp thành phố có kinh phí mở rộng đoạn đường hiện hữu. Cụ thể, đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu sẽ được mở rộng từ 4 lên 8 làn xe, với tổng chiều dài 4,5 km. Dự kiến, tổng mức đầu tư của dự án khoảng 9.900 tỷ đồng. QL13 dài 140 km, đi qua TP. HCM, Bình Dương và Bình Phước, đồng thời kết nối các tỉnh Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong ảnh là QL13 đoạn qua TP Thủ Dầu Một (Bình Dương).
Ngoài ra, các dự án BOT khác gồm: Mở rộng QL1 (chia 3 đoạn tương ứng với 3 dự án); Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); Xây dựng hoàn chỉnh và kéo dài trục Đông - Tây về phía Nam nối ra đường Vành đai 3; Mở rộng trục đường Bắc - Nam; Xây dựng đường động lực (đường song song QL50)... Trong đó, QL50 hiện hữu có mật độ giao thông lớn, trong khi chỉ có 2 làn xe, mặt đường hẹp nên nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao. Đường động lực sẽ được xây với chiều dài 5,8 km, lộ giới theo quy hoạch 40 m, với sơ bộ tổng mức đầu tư là 3.816 tỷ đồng, nhằm giải quyết bài toán giao thông ở phía Nam thành phố.
Dự kiến, TP. HCM sẽ cần thu hút khoảng 100.000 tỷ đồng xã hội hóa để thực hiện các dự án trên theo hình thức BOT. Trong ảnh là QL22 (đường Xuyên Á) có đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3 chạy qua khu Tây Bắc TP sẽ được cải tạo, nâng cấp với chiều dài 9,1 km, rộng 39,5 m, hai cầu vượt. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.200 tỷ đồng. Hiện đây tuyến quốc lộ duy nhất nối TP. HCM với cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), thông thương các nước khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên theo báo cáo của Bộ GTVT, tuyến này đã quá tải gấp 2 lần so với năng lực thiết kế.
Với hình thức BT (Build - Transfer: Xây dựng - Chuyển giao), thành phố có thể kêu gọi đầu tư dự án theo hợp đồng BT thanh toán bằng tiền (ngân sách trả chậm) cho nhà đầu tư thay vì thanh toán bằng đất (đổi đất lấy dự án). Các dự án được sử dụng hình thức BT gồm: Xây dựng cầu Cần Giờ; Xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái (Quận 4); Nâng cấp mở rộng đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2); Mở rộng đường dẫn cao tốc TP. HCM - Trung Lương (đoạn Bình Thuận - Chợ Đệm và Tân Tạo - Chợ Đệm); Mở rộng đường Ung Văn Khiêm và xây dựng nút giao Đài liệt sỹ; Xây dựng nút giao thông Ngã tư Bốn Xã…
Tại ngã tư Bốn Xã (quận Bình Tân), tình trạng giao thông vào giờ cao điểm rất hỗn loạn vì đây là điểm giao cắt của sáu con đường gồm Lê Văn Quới, Bình Long, Thoại Ngọc Hầu, Phan Anh, hương lộ 2, Hòa Bình. Mặt khác, Bình Tân cũng là quận đông dân nhất Việt Nam với dân số là 784.173 người (theo tổng điều tra dân số năm 2019), gây áp lực lớn lên hạ tầng - giao thông. Vì vậy, để khơi thông hạ tầng, tại đây được đề xuất xây dựng cầu vượt bằng thép, bề rộng mặt cầu 9 m, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 757 tỷ đồng nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe và điều tiết lưu lượng xe. Dự án nằm trong danh mục kế hoạch đầu tư xây dựng giai đoạn 2013-2015 bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, tuy nhiên hiện vẫn chưa được khởi công.
Bên cạnh đó, dự án mở rộng đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) và xây dựng nút giao ngã 5 Đài liệt sĩ (quận Bình Thạnh) có tổng vốn dự kiến khoảng 3.200 tỷ đồng đang được xem xét triển khai theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao). Cảnh kẹt xe ở đoạn từ nút giao ngã 5 Đài liệt sĩ đến khu du lịch Tân Cảng từ lâu là nỗi ám ảnh của người dân, nhất là vào giờ cao điểm. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở ngã 5 đài Liệt sĩ - điểm giao cắt của các trục đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Quốc lộ 13, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí.
Dự kiến, đường Ung Văn Khiêm sẽ được mở rộng theo lộ giới 30 m, quy mô 6 làn xe, dài 1,7 km, kéo dài từ ngã năm Đài liệt sĩ đến nhà hàng Tân Cảng. Tại ngã năm Đài liệt sĩ sẽ làm vòng xoay với đường kính 22,5 m phía bên trên, phía dưới thiết kế hầm chui.
Cuối cùng, TOD (Transit - Oriented Development: Mô hình phát triển đô thị theo hướng khai thác giá trị từ đất quanh hạ tầng giao thông) được TP. HCM tập trung. TP sẽ thí điểm áp dụng triển khai dự án giải phóng mặt bằng độc lập, tách riêng ra khỏi dự án giao thông và thu hồi đất theo quy hoạch TOD hiện tại là các khu đất có tiềm năng khai thác, phát triển theo trục giao thông chính để tạo nguồn lực từ các quỹ đất dọc theo các dự án giao thông. Trong đó, hệ thống đường sắt đô thị như tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương được tập trung thí điểm phát triển theo TOD. Ngoài ra tuyến Vành đai 3 cũng được thí điểm với mô hình này.
Theo Ban quản lý Đường sắt đô thị TP. HCM (MAUR), hiện tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị của thành phố khoảng 220 km với tổng vốn đầu tư ước tính 25 tỷ USD. Tuy nhiên, đến hiện tại, nguồn vốn huy động theo hình thức ODA cho các dự án này (gồm đang và sẽ triển khai) khoảng 6 tỷ USD, đạt khoảng 25% so với tổng mức đầu tư ước tính. Vì vậy, việc phát triển mô hình TOD lấy đường sắt đô thị làm vai trò chủ lực để phát triển đô thị sẽ khuyến khích đầu tư tư nhân, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Trong ảnh là khu Bà Quẹo (quận Tân Bình), 1 trong 9 nơi xây nhà ga ngầm của tuyến Metro số 2.