Những dự án cạo trọc đồi xanh ở Lâm Đồng từng gây bão dư luận giờ ra sao?

THY HUỆ |

Tròn 1 năm VTC News phản ánh và chính quyền địa phương rốt ráo vào cuộc xử lý, "siết" thị trường, nhiều người thắc mắc bất động sản Lâm Đồng đang thế nào?

Từ cuối năm 2019, VTC News liên tục nhận được phản ánh của độc giả về tình trạng phân lô, bán nền tràn lan ở Lâm Đồng. Hàng trăm quả đồi bị các doanh nghiệp “mượn danh” cá nhân xin hiến đất làm đường, sau đó phân lô tách thửa, bán để thu lời. Việc này khiến nhiều người bức xúc vì mảng xanh của tỉnh đang bị ép khoác lên mình lớp áo bê tông. Mặt khác, có nguy cơ tạo cơn sốt ảo, giá trị ảo cho thị trường.

Tháng 11/2021, VTC News triển khai chuyên đề “ Băm nát đồi xanh phân lô, bán nền ở tỉnh Lâm Đồng”, để phản ánh thực trạng trên. Chuyên đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận khi phản ánh kịp thời, chính xác về gốc rễ vấn nạn và chính quyền địa phương rốt ráo vào cuộc xử lý. Đến hiện tại, sau tròn 1 năm siết thị trường, nhiều người thắc mắc bất động sản Lâm Đồng đang thế nào?

Video: Các 'siêu dự án' phân lô trên đồi chè ở Lâm Đồng nhìn từ trên cao

Đồi xanh được trả lại hiện trạng

Sau 1 năm chính quyền Lâm Đồng vào cuộc chấn chỉnh thị trường, những quả đồi từng bị cạo trơ màu đỏ quạch nay dần trở về hiện trạng ban đầu.

Ghi nhận của PV VTC News ngày 1/11/2022, tuy không còn mang màu lục thẫm của chè, cà phê như trước đây, nhưng đồi núi Lâm Đồng cũng đã được phủ xanh bởi cỏ dại. Một điều rõ ràng là lúc này, khi nhìn từ trên cao, cảm giác quặn lòng bởi đồi xanh bị "rỉ máu" đã được vơi bớt. Dù chỉ là cỏ dại, nhưng vẫn đủ "nịnh mắt" với những người yêu Tây Nguyên đại ngàn.

Những dự án cạo trọc đồi xanh ở Lâm Đồng từng gây bão dư luận giờ ra sao? - Ảnh 2.

Sau tròn một năm "siết" thị trường, những quả đồi từng bị cạo trơ màu đỏ quạch nay trở về hiện trạng ban đầu.

Những đoạn đường trong các "dự án" đều bị cỏ dại bao phủ. Đường nhựa, thứ từng được các "chủ đầu tư" rầm rộ quảng cáo là hạ tầng giao thông bài bản giờ chỉ còn là những sơ đồ hình xương cá khi nhìn từ trên cao.

Tại các tuyến đường thuộc địa bàn xã Lộc Tân, Lộc Quảng, Lộc Ngãi, Lộc An (huyện Bảo Lâm), xã Đam B'ri (TP Bảo Lộc), xã Phúc Thọ (huyện Lâm Hà), nếu không sử dụng định vị từ Google, chúng tôi không thể nhận ra các "siêu dự án" mình đã đến trước đây. Trong vòng 1 năm, hạ tầng những khu đất này đều xuống cấp trầm trọng.

Cỏ dại mọc cao quá đầu người, ranh giới các lô đất bị che lấp, những căn nhà mẫu từng là "cục nam châm" hút khách nay bị bỏ hoang, bao trùm vẻ u ám.

Trong trào lưu sốt đất của Lâm Đồng không thể không nhắc tới đại công trình mang tên Khu nghỉ dưỡng Sun Valley được xây dựng trên quả đồi 41ha ở xã Lộc Quảng. Như đại đa số công trình khác tại Lâm Đồng, khu nghỉ dưỡng Sun Valley cũng được chủ đất áp dụng mô-típ "hiến đất làm đường" để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sau đó "đúng quy trình" xin tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở để bán.

Phá vỡ mọi trật tự về giá, đất nền tại khu nghỉ dưỡng Sun Valley lên tới 10 triệu đồng/m2 (diện tích từ 250 - 1.000m2), dù trước đó thu mua từ người dân với giá chưa đến 500 nghìn đồng/m2. Sau khi VTC News phản ánh, "dự án" ngưng thi công cho đến nay.

Từ đường Tản Đà, phần đất chưa bị bê tông hóa của Sun Valley cũng đã được phủ cỏ cây như hàng nghìn "dự án" phân lô khác tại Lâm Đồng. Song, đối với những phần đất đã "trồng" bê tông, hiện trạng nhếch nhác khiến nhiều người tiếc rẻ. Những công trình bê tông thi công dang dở hiện "trơ xương sống", rỉ sét, phủ rêu phong, hoang hóa theo thời gian.

Những dự án cạo trọc đồi xanh ở Lâm Đồng từng gây bão dư luận giờ ra sao? - Ảnh 3.
Những dự án cạo trọc đồi xanh ở Lâm Đồng từng gây bão dư luận giờ ra sao? - Ảnh 4.

Hiện trạng 2 đại công trình La Melodie (TP Bảo Lộc) và Sun Valley (huyện Bảo Lâm).

Tại TP Bảo Lộc, khu đất 36ha ở xã Đam B'ri từng khiến giới đầu tư bất động sản sôi sục khi san gạt toàn bộ cây trồng, trải đá dăm làm đường thành từng ô bàn cờ. Sau khi đặt tên "Dự án Làng sinh thái nghỉ dưỡng La Melodie", chủ đất gấp rút "chạy" quảng cáo để thu tiền khách hàng như một dự án bất động sản bài bản. Thời điểm đó, đất được rao bán với giá lên tới 10 triệu đồng/m2.

Không còn cảnh từng đoàn xe sang mang biển số TP.HCM, Bình Dương nối đuôi nhau đến xem đất, khu đất nay dần được phủ xanh bởi cỏ dại, che lấp những mảng đất đỏ bị san gạt trước đây. Đường đá dăm bị mưa xói mòn, tách từng rãnh sâu tới nửa mét. Đá lát vỉa hè cũng bong tróc do chất lượng thi công ban đầu sơ sài. Từ trên cao, khu đất như một quả đồi hoang không được canh tác.

Tương tự, các khu đất từng được ghim vị trí với những tên gọi sính ngoại như: Phố Hoa Hillside, Bảo Lộc Green Wich, Ecolake Village, Bảo Lộc Farm 38, Happy Valley, Dano Farm, Sunrice Village, The Gems Paradise II, 50 Lộc Quảng, Green Garden Hill, Star Hill Garden, Sun Home Lộc Quảng, Green Life, Mimosa Garden, Làng sinh thái An Khuê 2, Tea Village, Hưng Long Centuary... đều đã trở về hiện trạng như trước khi cơn sốt đất xuất hiện.

Đất trở về hiện trạng, giá đất cũng được kéo về, sự yên bình vốn có đang dần trở lại với người dân địa phương. Thế nhưng, đối với những khách hàng phương xa, những người từng huy động mọi nguồn tài chính để ôm đất ở thời kỳ sốt ảo lại là một cú "điểm huyệt" khó nào vực dậy.

Những dự án cạo trọc đồi xanh ở Lâm Đồng từng gây bão dư luận giờ ra sao? - Ảnh 5.
Những dự án cạo trọc đồi xanh ở Lâm Đồng từng gây bão dư luận giờ ra sao? - Ảnh 6.

Công trình Sun Valley và La Melodie xuống cấp, hoang hóa.

"Giờ bán cắt lỗ cũng không ai mua"

Cơn sốt đất ảo ở Lâm Đồng từng được không ít chuyên gia bất động sản cảnh báo, thế nhưng, vì lợi nhuận quá lớn, nhiều người đã bỏ ngoài tai. Số khác, là những người có niềm tin vào việc "đầu tư vào đất không bao giờ lỗ, người sinh ra chứ đất không sinh ra".

Chúng tôi gặp chị L.P., một "cò đất" có tiếng tại TP Bảo Lộc mà chúng tôi có dịp quen trước đó. Thấy chúng tôi, chị P. nửa đùa nửa thật: "Hên là đất hết sốt rồi, nên giờ mới được thảnh thơi ở nhà mà nói chuyện với tụi em nhỉ!".

Thời điểm này năm ngoái, chị P. quên ăn, quên ngủ vì bận dẫn khách đi xem và chốt đất. Đỉnh điểm có những ngày, chị P. chốt được hơn 10 lô đất, khách hàng xuống tiền trong ngày dù giá rất cao. Khách hàng của chị P. hầu hết đều là khách quen, được chị môi giới "lướt sóng" ở các "dự án" trước và lãi đậm, sau đó chủ động tìm đến chị.

Chính chị P. cũng thừa nhận, nhu cầu ở thực của khách hàng tại các "dự án" dường như không có, đa số chỉ để "lướt sóng" kiếm lời. Lợi nhuận từ những đất nền phân lô là có thật, họ chỉ cần quan tâm điều đó. Dù đã có gần 10 năm kinh nghiệm làm "cò đất", và là người hiểu rõ câu chuyện sốt đất ảo ở địa phương, thế nhưng trong trào lưu sốt đất với lợi nhuận quá hấp dẫn, chính chị P. bị "vấp ngã".

Những dự án cạo trọc đồi xanh ở Lâm Đồng từng gây bão dư luận giờ ra sao? - Ảnh 7.

Đất trở về hiện trạng, giá đất cũng được kéo về...

"Đợt đó chị làm cũng được nhiều tiền, mà nghĩ để ở ngân hàng thì phí, trong khi đất lên giá ầm ầm. Không đâu xa, rất nhiều khách của chị, họ mua hôm nay thì ngày mai đã có người đòi mua lại với giá chênh cả trăm triệu. Người thật việc thật tự mình thấy, nên chị cũng gom hết tiền mua 3 lô để dành đó. Cũng có nhiều người hỏi, nhưng thấy giá chưa ưng ý nên vậy, rồi thị trường đứng đột ngột không kịp xoay xở", chị P. kể lại.

Màn "quay xe" đột ngột của thị trường khiến chị P. và nhiều khách hàng bị chôn tiền đến giờ vẫn chưa thể ra hàng. Một số người vững tài chính chấp nhận chờ đợi, số khác đầu tư bằng tiền vay mượn phải cầm cố xe, nhà cửa để trang trải.

Tháng trước, cần tiền để đầu tư vào lĩnh vực làm đẹp cùng một người bạn, chị P. ra sức rao bán 3 lô đất của mình. Khi hạ đến giá gốc cũng không ai mua, chị P. chấp nhận lỗ bán rẻ hơn giá gốc, song cũng không ai mua.

"Người hỏi thì nhiều mà người chốt thì không có. Người ta hỏi vì người ta biết giá đó là rẻ quá so với đợt trước, cũng muốn mua, nhưng đầu hết họ cũng bị vướng ở những lô khác rồi. Bởi vậy, bán cắt lỗ cũng không ai mua. Vì bán không được nên chị đành lấy sổ đi cầm cố ngân hàng để lấy tiền đầu tư", chị P. nói.

Từ tháng 3 đến nay, chị P. chỉ giao dịch được hai lô đất. Hai lô cùng một khách, là đất nông nghiệp diện tích lớn, khách mua để canh tác nông nghiệp. Các tài khoản mạng xã hội của chị vẫn thường xuyên đăng bài rao bán "hàng ngộp", "cắt lỗ" nhưng không khả thi.

Để có thêm thu nhập, thời gian gần đây chị P. nhận chạy làm hồ sơ công chứng đất đai cho người có nhu cầu. Nhiều người khác, cũng từng làm "cò đất" giống chị vì không thể bám trụ nổi với công việc nên phải tập tành bán hàng online, làm công nhân hoặc tìm nhiều nghề khác để kiếm sống.

Những dự án cạo trọc đồi xanh ở Lâm Đồng từng gây bão dư luận giờ ra sao? - Ảnh 8.

Cỏ dại bao phủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại