Nghị định chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12/2024, không chỉ ràng buộc các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, TikTok mà còn yêu cầu người dùng tại Việt Nam tuân thủ chặt chẽ các quy định.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, Nghị định 147/2024/NĐ-CP có những chính sách mới sẽ ảnh hưởng và thay đổi một số thói quen sử dụng mạng xã hội của người Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho rằng, Nghị định 147/2024/NĐ-CP sẽ giúp thay đổi thói quen sử dụng mạng xã hội của người Việt Nam
Người dùng Facebook, TikTok phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại/số định danh cá nhân
Tại Điểm e Khoản 3 Điều 23 Nghị định 147/2024/NĐ-CP có quy định về việc chỉ những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam có sử dụng dịch vụ cho thuê lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam hoặc có tổng số lượt truy cập từ Việt Nam (total visits) thường xuyên trong 1 tháng (số liệu thống kê trung bình trong thời gian 6 tháng liên tục) từ 100.000 lượt trở lên có trách nhiệm thực hiện xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam.
Chỉ trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
Trường hợp người sử dụng dịch vụ mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp thông tin xuyên biên giới phải bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Như vậy, đối với những tài khoản Facebook, TikTok không thực hiện xác thực tài khoản theo quy định nêu trên sẽ không được viết bài, bình luận, livestream và chia sẻ thông tin trên Facebook, TikTok.
Người dùng Facebook tại Việt Nam sẽ phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động tại Việt Nam (Ảnh: AP)
Đồng thời tại Khoản 10 Điều 82 Nghị định 147/2024/NĐ-CP cũng quy định: trong vòng 90 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam và tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước thực hiện xác thực những tài khoản đang hoạt động của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội theo quy định nêu trên.
Điều này đồng nghĩa với việc trong vòng 90 ngày kể từ ngày 25/12/2024, các mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok phải xác thực tài khoản của người dùng bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Chỉ trong trường hợp người dùng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam thì xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân. Trường hợp người dùng sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại thì phải xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân. Chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Trẻ em chỉ được phép sử dụng tài khoản mạng xã hội nếu có sự đăng ký và giám sát của cha mẹ hoặc người giám hộ
Một điểm mới trong Nghị định 147/2024/NĐ-CP là các quy định liên quan đến trẻ em dưới 16 tuổi khi sử dụng mạng xã hội. Theo đó, trường hợp người sử dụng dịch vụ mạng xã hội là trẻ em (dưới 16 tuổi) thì cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự của trẻ em đăng ký tài khoản bằng thông tin của cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự của trẻ em và có trách nhiệm giám sát, quản lý nội dung trẻ em truy cập, đăng tải và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Quy định này nhằm bảo vệ trẻ em khỏi các nội dung độc hại trên mạng, đồng thời tăng cường vai trò của gia đình trong việc giám sát và hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng xã hội một cách an toàn.
Tài khoản Facebook, TikTok có thể bị khóa vĩnh viễn nếu đăng nội dung vi phạm pháp luật
Theo Khoản 5 Điều 23 của Nghị định 147/2024/NĐ-CP, các Bộ, ngành, địa phương sẽ kiểm tra, xử lý, yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm quy định của pháp luật theo ngành, lĩnh vực, phạm vi quản lý được phân công.
Trường hợp pháp luật chuyên ngành chưa có quy định thì Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an là cơ quan tiếp nhận thông báo, hỗ trợ xử lý các nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật từ các bộ, ngành, địa phương và là đầu mối liên hệ, gửi yêu cầu xử lý cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam.
Đồng thời, các mạng xã hội như Facebook, TikTok có trách nhiệm thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật chậm nhất là 24 giờ kể từ khi có yêu cầu bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Đối với các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên cung cấp nội dung vi phạm pháp luật (trong 30 ngày có ít nhất 5 lần cung cấp nội dung vi phạm pháp luật hoặc trong 90 ngày có ít nhất 10 lần cung cấp nội dung vi phạm bị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ): thực hiện việc khóa tạm thời các tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung không cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập chậm nhất là 24 giờ kể từ khi có yêu cầu bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Thời gian khóa tạm thời từ 7 ngày đến 30 ngày, tùy thuộc vào số lần và mức độ vi phạm.
Khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành, thực hiện việc khóa vĩnh viễn các tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung không cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập khi đăng tải nội dung xâm phạm an ninh quốc gia hoặc đã bị khóa tạm thời từ 3 lần trở lên.
Trường hợp các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài không thực hiện quy định tại khoản 3 Điều này hoặc không ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời các nội dung xâm phạm an ninh quốc gia Việt Nam theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành thì Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an sẽ triển khai các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn toàn bộ nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm và thực hiện các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Biện pháp ngăn chặn chỉ được gỡ bỏ sau khi các vi phạm đã được tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài xử lý theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành.