Hành khách tới sân bay Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, nhất là những người chờ nối chuyến trong nhiều giờ, có thể tìm đến phòng tắm miễn phí bên ngoài có biểu tượng vòi hoa sen và song ngữ Trung-Anh. Bên trong phòng tắm có khu để bình nóng lạnh, treo quần áo, có khu để vòi hoa sen, dầu gội đầu, sữa tắm…
Trong sân bay Quảng Châu trưng bày nhiều tác phẩm điêu khắc, trong đó có một bức làm bằng kim loại có hình dáng kích thước trí tưởng tượng. Có thể đó là một chiếc ghế dài, một bộ xương cá voi hoặc động vật thời tiền sử nào đó, nhưng cũng có thể là những chiếc búa đàn trong chiếc piano…
Trong sân bay Quảng Châu còn có chỗ tự động chụp ảnh thẻ, không có sự hiện diện của con người. Phí chụp và in 4 ảnh cùng biên lai là 30 nhân dân tệ (99.000 đồng); chỉ in biên lai (dạng mã vạch, có thể sử dụng trong 1 năm) thì miễn phí. Khách thanh toán bằng tiền mặt (đồng 10 hoặc 20 nhân tệ, hoặc thanh toán trực tuyến qua ứng dụng Alipay hoặc WeChat).
Nhiều ghế trong phòng chờ sân bay Quảng Châu có ổ điện cho khách sạc điện thoại, sử dụng thiết bị điện tử… Ổ cắm nằm gọn gàng ở góc khuất tay ghế, nhưng bên cạnh là giấy thông báo bằng tiếng Trung và tiếng Anh trên nền vàng nên cũng dễ tìm thấy.
Ở sân bay quốc tế Tiêu Sơn Hàng Châu, thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, ghế của hành khách ngồi chờ lên máy bay có thiết bị nhỏ gọn như iPad tích hợp vào thành ghế cho phép sạc miễn phí, tìm kiếm thông tin về chuyến bay, món ăn, khách sạn, phương tiện đi lại, hoạt động vui chơi giải trí... ở các địa phương của Trung Quốc bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh.
Tiện ích
Không gian xung quanh Khu dân cư bình dân Jia He Yuan, quận Taijing, thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến được dành cho đào kênh dẫn nước tạo cảnh quan, lắp đặt máy tập thể dục, thiết bị chơi trò chơi… Khu này có nhiều chương trình phúc lợi xã hội dành cho người già (trên 60 tuổi) như nhà ăn tập thể bán nửa giá, bệnh viện tính viện phí rất thấp…
Nam thanh niên Trung Quốc say sưa chơi cổ cầm trên đường phố Phúc Châu, Phúc Kiến, phục vụ miễn phí người đi đường. Video: Linh Nhi.
Mặt sàn một số khu vực trong Bảo tàng Hàng hải Tuyền Châu ở thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến có hiệu ứng sóng biển. Video: Linh Nhi.
Một số tranh vẽ, bản đồ treo trên tường Bảo tàng Hàng hải Tuyền Châu ở thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến có hiệu ứng chuyển động giúp khách tham quan dễ hình dung các hoạt động của thương nhân nước ngoài, cư dân địa phương thời xa xưa. Video: Linh Nhi.
Ma-nơ-canh chuyển động ở một công ty may mặc Trung Quốc có nhà máy sản xuất ở tỉnh Phúc Kiến. Video: Linh Nhi.
Thực vật
Gần lối vào khu du lịch Cổ Lĩnh ở thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến sừng sững cây “vua” liễu sam 1.300 tuổi (loài cây được nhập trồng ở Đà Lạt, Lâm Đồng và Ba Vì, Hà Nội). Cách đó không xa là cây “tình yêu”, còn gọi là cây “vợ” liễu sam 1.200 tuổi, vì dáng cây giống người phụ nữ vòng tay ôm chồng.
Trong khu du lịch Cổ Lĩnh, nông dân địa phương bày bán một loại rau có tên gọi rất thân thương “Xin chào”. Tên gọi này bắt nguồn từ việc ngày xưa người ngoại quốc đến đây hỏi tên cây cỏ trong vùng và do bất đồng ngôn ngữ sau khi chào hỏi nhau mà ngày nay loại rau có tên gọi dễ thương đến vậy.