Những điều chưa biết về quy trình đưa hoa quả truyền thống lên các chuyến bay

Tuệ Minh |

Hành khách quốc tế có lẽ vẫn đang tò mò về loại quả mát, thơm được phục vụ như một món tráng miệng trên khay thức ăn của Vietnam Airlines những ngày này, xin thưa, đó là vải thiều - một trong những đặc sản của mùa hè, hương vị đậm đà chỉ kết tinh trong những ngày tháng 6 bỏng cháy…

Ẩm thực có lẽ là cầu nối gần gũi nhất để gắn kết giữa những nền văn hóa nhiều khác biệt, gắn kết những con người vốn cách xa về địa lý, kết nối cả những giá trị xưa và nay. Đó có lẽ cũng chính là lý lẽ riêng khiến Vietnam Airlines thêm một lần lựa chọn một đặc sản truyền thống của Việt Nam đưa lên các chuyến bay để phục vụ thực khách.

Tuy nhiên, việc lựa chọn thời điểm này để đưa vải thiều lên khay thức ăn cũng có những lý do riêng. Vụ vải năm 2018 được cho là một vụ vải thiều cho sản lượng nhiều và với chất lượng cao nhất từ trước đến nay.

Chỉ tính ở tỉnh Bắc Giang có hơn 28.000 ha vải thiều, ước tính sản lượng đạt khoảng 150.000-180.000 tấn. Trong đó, có tới 13.500 ha đang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ước sản lượng đạt 90.000 tấn; 218,5 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, sản lượng đạt 10.000 tấn đã được cấp mã vùng trồng. 

Chất lượng chính là yếu tố tiên quyết để một doanh nghiệp dịch vụ hàng không được xếp hạng 4 sao lựa chọn khi sử dụng sản phẩm.

Những điều chưa biết về quy trình đưa hoa quả truyền thống lên các chuyến bay - Ảnh 1.

Vải thiều đang độ chính vụ

Để đảm bảo nguồn hàng tối ưu nhất, theo đại diện của Vietnam Airlines, hãng đã phải có những cam kết từ giai đoạn bắt đầu mùa vải mới cùng đại diện UBND tỉnh Bắc Giang để khoanh vùng vùng trồng. 

Trong thời gian chăm sóc, mọi quy trình trồng bón và thu hoạch vải thiều của người nông dân đều phải theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP.

Một quy trình kiểm định, theo dõi chất lượng chặt chẽ tiếp tục được thực hiện ngay sau khi thu hoạch vải. Vải được hái từ buổi sáng sớm. 

Trong vòng 1 giờ sau khi ngắt khỏi cây, quả vải được nhúng vào nước lạnh có nhiệt độ từ 2-4 độ C trong vòng thời gian 2 phút. Vải được cấp lạnh ngay trong buổi sáng sẽ duy trì được màu sắc cũng như hương vị tươi ngon của thứ quả vừa hái trên cành.

Ở công đoạn thứ hai, vải sau khi làm lạnh được sơ chế (bỏ cành, loại bỏ quả sâu), phân loại và đóng ngay vào thùng xốp cách nhiệt có đá giữ lạnh, vận chuyển đến Công ty suất ăn hàng không Nội Bài.

Tại đây, trái vải sẽ được tiến hành lọc loại 1 lần nữa, ngâm khử trùng và giữ lạnh trước khi cấp lên chuyến bay. 

Quy trình 3 bước khép kín tuy đơn giản trong thao tác nhưng sẽ được giám sát rất chặt chẽ, đảm bảo từng trái vải không chỉ ngon, mát về chất lượng mà còn sạch, tươi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi tới với bữa ăn cho hành khách.

Đây có thể xem là quy trình tiêu chuẩn của không chỉ vải thiều mà tiếp sau đó sẽ là các đặc sản cây trái vùng miền khác sẽ tiếp tục lên cùng các chuyến bay của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam.

Chia sẻ về nỗ lực đưa một trong những đặc sản vùng miền trở thành món tráng miệng trên tất cả các chặng bay, ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines khẳng định đưa những nét văn hóa truyền thống lan tỏa trong từng sản phẩm, dịch vụ sẽ là một trong những cách làm mới để hãng hàng không mang biểu tượng hoa sen vươn mình ra thế giới.

Kể từ ngày 15/6, Vietnam Airlines chính thức mang những trái vải thiều ngọt ngào lên các chuyến bay để phục vụ hành khách trên tất cả các chuyến bay nội địa và quốc tế khởi hành từ Hà Nội.

Dự kiến, tổng lượng vải Vietnam Airlines cung cấp trên các chuyến bay kéo dài trong suốt thời điểm chính vụ vải thiều (từ 15-20 ngày) sẽ vào khoảng 2.000 kg.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại