Super League ra đời như thế nào?
Sau nhiều cuộc họp, thảo luận ròng rã vài năm qua giữa giới chóp bu của 15 CLB hàng đầu châu Âu, rạng sáng 19/4 (giờ Việt Nam), giải đấu Super League chính thức thông báo thành lập và được điều hành bởi "Nhóm CLB sáng lập".
15 đội bóng sáng lập Super League đều là những ông lớn hàng đầu châu Âu
Thể thức thi đấu
Mùa giải khởi tranh vào tháng 8 hàng năm và các trận đấu sẽ diễn ra vào giữa tuần, tạo điều kiện để các đội bóng vẫn có thể tham gia giải quốc nội.
Dự kiến có 20 đội bóng tham dự, bao gồm 15 CLB sáng lập và 5 CLB được chọn dựa vào thành tích mùa trước. Các đội chia làm 2 bảng, mỗi bảng 10 đội đá vòng tròn tính điểm (9 trận sân nhà, 9 trận sân khách), chọn ra 3 đội dẫn đầu vào thẳng tứ kết. Các đội xếp hạng 4 và 5 của mỗi bảng sẽ đá play-off tranh 2 suất còn lại dự tứ kết.
Các CLB tham dự
Giải đấu ban đầu quy tụ 12 đại gia sáng lập: Arsenal, Chelsea, MU, Man City, Tottenham và Liverpool (Anh), AC Milan, Inter Milan, Juventus (Italy), Atletico Madrid, Barcelona và Real Madrid (Tây Ban Nha).
12 đội bóng sáng lập nhận lời dự Super League
Tuy nhiên, 3 CLB sáng lập là Bayern Munich, Borussia Dortmund (Đức), PSG (Pháp) vẫn đang "nghe ngóng" và chưa chính thức nhận lời tham gia giải đấu này.
Super League được vận hành ra sao?
15 đội sáng lập sẽ chia nhau khoản trợ cấp ban đầu 3,5 tỷ euro, dùng để nâng cấp SVĐ, cơ sở đào tạo, huấn luyện và các khoản thâm hụt do sự tác động của đại dịch Covid-19. Các CLB cũng được phép tự bán bản quyền 4 trận đấu của đội mình mỗi mùa.
Thu nhập từ bản quyền truyền hình, tài trợ sẽ rơi chủ yếu vào "Nhóm CLB sáng lập". Trong đó, 32,5% chia đều cho 15 đội bóng sáng lập và 32,5% khác chia đều cho tất cả đội bóng vượt qua vòng loại. 20% tiếp theo sẽ là tiền thưởng thành tích, dựa vào thứ hạng của các đội bóng. Và 15% còn lại là “cổ phần thương mại dựa trên nhận thức của CLB”.
Ngoài ra để đảm bảo tính công bằng tài chính, giải đấu cũng giới hạn 55% doanh thu được phép chi cho tiền lương và chuyển nhượng (ròng).
Phản ứng về sự ra đời của Super League
Chủ tịch Real Madrid và cũng là Chủ tịch đầu tiên của Super League, Florentino Perez, cho rằng sự ra đời của giải đấu sẽ góp phần phát triển bóng đá ở mọi cấp độ. "Bóng đá là môn thể thao duy nhất trên thế giới có hơn 4 tỷ fan. Vậy nên, trách nhiệm của chúng tôi là tạo ra một sân chơi đẳng cấp cao, đáp ứng được mong muốn từ người hâm mộ".
Chủ tịch Florentino Perez
Tuy nhiên, Super League cũng vấp phải làn sóng chỉ trích và lên án mạnh mẽ từ FIFA, UEFA, các thành viên Liên đoàn bóng đá quốc gia khắp châu Âu và thậm chí cả người đứng đầu chính phủ.
Cựu danh thủ MU, Gary Neville gọi sự ra đời của giải đấu là "nỗi ô nhục" và kêu gọi Ban tổ chức Premier League và các bên liên quan nhanh chóng đưa ra án phạt đích đáng với những đội bóng tham gia.
"Chúng tôi sẽ xem xét mọi biện pháp sẵn có để ngăn chặn giải đấu này. Các CLB và cầu thủ liên quan sẽ bị cấm thi đấu ở bất kỳ giải đấu nào do UEFA tổ chức", trích phản ứng mạnh mẽ từ Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA).
Thủ tướng Anh, Boris Johnson, cũng phải lên tiếng. "Các kế hoạch cho Super League sẽ gây tổn hại đến nền bóng đá và chúng tôi ủng hộ các cơ quan quản lý vào cuộc. Các đội bóng liên quan phải trả lời người hâm mộ và cộng đồng bóng đá trước khi thực hiện bất kỳ bước đi tiếp theo nào".
Ảnh: Tổng hợp