Trước khi cầm vào một chiếc máy ảnh hay smartphone và giơ lên chụp thì bạn cần xác định cho mình một tâm lý: Không phải cứ máy ảnh và ống kính đắt tiền mới cho ra được những tấm ảnh để đời đâu.
Chiếc máy ảnh sẽ chỉ là dụng cụ giúp chúng ta ghi lại những khoảnh khắc, tất cả những việc còn lại như ánh sáng, bố cục, thiết lập máy...đều hoàn toàn do người chụp quyết định.
Vậy giữa vô vàn những điều mới mẻ, đâu sẽ là điều bạn cần quan tâm nhất khi quyết định trở thành một tay bấm máy cừ khôi?
Xác định nhu cầu
Việc đầu tiên trước khi đưa ra một quyết định mà chúng ta không xác định rõ nhu cầu của mình ở mức độ nào thì thật là khó mà chọn được một chiếc máy ảnh phù hợp.
Hãy xác định được cho mình thể loại bạn muốn hướng tới, vì điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới loại ống kính cũng như máy ảnh mà bạn sắp bỏ tiền ra mua.
Ví dụ như với thể loại ảnh phong cảnh (landscape), điều trước tiên bạn sẽ cần một chiếc ống kính với tiêu cự rộng (cụ thể là từ 12 - 24mm), một chiếc tripod...
Hoặc với nhu cầu chụp ảnh chân dung cơ bản, một chiếc thân máy và lens "quốc dân" 50mm f1.8 là đã có thể thoải mái bắt đầu.
Ngoài xác định thể loại ra, bạn cũng cần cân nhắc tới yếu tố kinh tế của bản thân. Các hãng máy ảnh hiện nay đều có các loại thân máy trải dài từ phân khúc người mới bắt đầu cho đến dân chuyên nghiệp.
Nếu hầu bao của bạn eo hẹp, đừng ngần ngại lựa chọn cho mình một chiếc thân máy đã qua sử dụng, cùng một chiếc lens phù hợp nhu cầu là đã có thể bắt đầu.
Nên nhớ rằng bạn là người mới, điều quan trọng lúc này vẫn là kiến thức cơ bản và kinh nghiệm chứ không phải cố sắm cho mình một chiếc máy ảnh và ống kính thuộc vào hàng vài nghìn đô.
Ba thông số cơ bản
Nhiếp ảnh cũng như các bộ môn khác đều có những thuật ngữ cho riêng nó, nếu không tìm hiểu kĩ rất có thể bạn sẽ gặp trường hợp không biết tính năng này để làm gì, hay muốn chỉnh thông số này thì nó nằm ở đâu...
Tam giác phơi sáng
Trong một bức ảnh, một bức ảnh đẹp phải được đánh giá là đẹp trước tiên phải là một bức ảnh "đúng sáng".
Tức là không có phần nào quá sáng chuyển sang màu trắng, hoặc phần nào quá tối chuyển sang màu đen hoàn toàn.
Ba thông số quyết định trực tiếp tới ánh sáng của một bức ảnh đó là: tốc độ màn trập (shutter speed), khẩu độ ống kính (aputure) và chỉ số nhạy sáng (ISO).
Hãy tưởng tượng tốc độ màn trập như một cái nháy mắt của bạn. Nếu bạn mở mắt và khép lại thật nhanh, hình ảnh ghi lại trong mắt bạn sẽ tối và khó tưởng tượng ra.
Hoặc với khẩu độ ống kính, nếu mở mắt thật to bạn sẽ nhìn thấy mọi vật sáng hơn, còn nếu khép lại "ti hí" bạn sẽ nhìn thấy mọi thứ tối hơn...
Khi chụp ảnh, điều bạn cần làm là điều chỉnh ba thông số này sao cho phù hợp nhất với ý đồ của mình. Ba thông số này đều là những "con dao hai lưỡi" vì nếu bạn tăng hay giảm quá mức sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới bức ảnh.
Ví dụ nếu tăng ISO lên quá cao, ảnh sẽ sáng nhưng bù lại sẽ có nhiều hạt sạn (grain) gây ra hiện tượng nhiễu hình.
Khi đó tấm hình trông sẽ rất kém chất lượng. Hoặc nếu mở khẩu độ ống kính quá lớn, ảnh sẽ sáng nhưng bù lại sẽ làm giảm độ sâu trường ảnh…
Làm chủ 3 thông số trên, bạn đã nắm được 50% yếu tố để tạo nên một bức ảnh với đúng ý đồ, vậy với 50% còn lại thì sao?
Sự chăm chỉ
Quả thật với tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống, bạn đều cần phải có sự luyện tập. Mọi tính năng thượng thừa trên máy ảnh sẽ đều là vô nghĩa nếu như bạn không tự trang bị được cho mình những kiến thức khi ứng biến với các tình huống.
Điều cần làm bây giờ là hãy "xách máy lên và đi". Hãy ra đường và chụp lại tất cả những gì bạn thích, dần dần, bạn sẽ tự rút ra được cho mình những kinh nghiệm cần thiết để có thể tiến sâu hơn nữa vào bộ này.
Và đừng ngần ngại nếu những bức ảnh đầu tiên chưa được "tròn trịa", bố cục xấu hay cháy sáng… Nên nhớ rằng ai cũng có những lần đầu tiên và sau những bài học đó cần phải rút ra được cho bản thân những điều gì.
Nhưng nên nhớ hãy nắm thật chắc những điều cơ bản và hơn hết là không được quên pin, thẻ nhớ ở nhà khi đi chụp nhé!
Bạn có thực sự muốn làm chủ một "mớ" đồ lỉnh kỉnh nhưng đắt tiền này?