Những điểm đáng chú ý trong Khái niệm mới về chính sách đối ngoại của Nga

Anh Tú |

Ngày 31/3, Tổng thống Nga Putin phê duyệt Khái niệm mới về chính sách đối ngoại. Tài liệu dài 42 trang, bao gồm 6 phần và 76 điểm, hoạch định các nguyên tắc cơ bản, mục tiêu chiến lược, nhiệm vụ chính và các lĩnh vực ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga trong trung và dài hạn.

Góc nhìn hệ thống

Khái niệm chính sách đối ngoại mới xác định rằng, Nga là quốc gia có nền văn minh nguyên bản, một cường quốc Á-Âu và Âu-Thái Bình Dương rộng lớn, thành trì của thế giới Nga và là một trong những trung tâm phát triển thế giới có chủ quyền. Theo tài liệu này, chính sách đối ngoại của Mỹ được coi là nguồn rủi ro, không phải đối với Nga mà đối với toàn thế giới.

Những điểm đáng chú ý trong Khái niệm mới về chính sách đối ngoại của Nga - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng Tham mưu trưởng Gerasimov. Ảnh: TASS.

Do đó, Moscow có ý định loại bỏ "vết tích thống trị" của Washington trên thế giới. Nga không coi mình là kẻ thù của phương Tây và không muốn cô lập mình khỏi phương Tây. Moscow hy vọng rằng, Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ nhận ra sự vô ích của đối đầu và chấp nhận đa cực. Đặc biệt, điều này nên được thể hiện ở chỗ các quốc gia không thân thiện sẽ ngừng lạm dụng vị trí của họ trong nền kinh tế và từ bỏ tham vọng tân thực dân.

Tổng biên tập Tạp chí “Nga trong chính sách toàn cầu” Fyodor Lukyanov giải thích rằng, "khái niệm trọng tâm của tài liệu mới là 'nhà nước-nền văn minh'. Điều này có nghĩa là đất nước có giá trị tự thân, chỉ tập trung vào chính mình, xuất phát từ lợi ích của chính mình và không hòa nhập vào bất kỳ đâu. Theo ông Lukyanov thì: Tất cả các thập kỷ trước, Nga tồn tại trong một môi trường không thuận lợi. Bằng cách nào đó đã tuyên bố về sự tương tác, hội nhập. Bây giờ không phải như vậy. Giá trị chính từ giờ trở đi là tách biệt. Mọi thứ khác đều theo sau điều này, bao gồm cả việc xây dựng quan hệ với các quốc gia thân thiện và không thân thiện.

Nga phê phán chính sách đối ngoại của Mỹ

Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban của Duma Quốc gia Nga về các vấn đề quốc tế Alexei Chepa chỉ ra rằng, trong Khái niệm mới về chính sách đối ngoại có nói rằng, Moscow coi đường lối của Mỹ là nguồn gốc chính của chính sách chống Nga và những rủi ro đối với an ninh, hòa bình quốc tế cũng như sự phát triển cân bằng và công bằng của nhân loại. Theo ông, đây là sự đáp trả của Nga, bởi vì, “Mỹ đã chọn Nga và Trung Quốc là kẻ thù chính. NATO gọi Nga là kẻ thù chiến lược, mọi thứ được thực hiện ở đó đều nhằm chống lại đất nước, chống lại người dân Nga". Ông nhấn mạnh rằng, Nga đang "chiến đấu quyết liệt" cho một thế giới đa cực và sẽ không dung thứ cho "bất kỳ chế độ độc tài nào từ bất kỳ bên nào".

Theo nhà khoa học chính trị Ivan Timofeev “luận điểm rằng Nga không phải là kẻ thù của phương Tây" cũng rất quan trọng. Tổng thống Putin trước đó đã tuyên bố: Sự ngăn chặn của các nước phương Tây tự nó không phải là dấu chấm hết cho Nga. Moscow phản ứng với các mối đe dọa phát sinh, có thể thực hiện các biện pháp khá cứng rắn. Nhưng nhà lãnh đạo Nga đã chỉ rõ: đừng nhầm lẫn giữa xã hội phương Tây và giới tinh hoa phương Tây.

Sẵn sàng sử dụng quân đội để bảo vệ lợi ích quốc gia

Trong tài liệu mới, Nga cảnh báo, giờ đây, Nga sẽ có thể sử dụng quân đội để bảo vệ không chỉ lãnh thổ của mình mà còn cả các đồng minh. Nga nỗ lực đảm bảo an ninh bình đẳng cho tất cả các quốc gia, trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.

Đồng thời, theo tài liệu, ưu tiên trong chính sách nhân đạo của Nga ở nước ngoài là chống lại chiến dịch bài Nga, bảo vệ tiếng Nga, văn hóa, thể thao Nga, Giáo hội Chính thống Nga khỏi sự phân biệt đối xử, đấu tranh cho sự thật lịch sử. Dự án hàng đầu của Nga trong thế kỷ 21 là biến Á-Âu thành một không gian toàn lục địa hòa bình, ổn định, tin tưởng lẫn nhau, phát triển và thịnh vượng; phản đối chính sách nhằm vạch ra các đường phân chia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nga sẽ mở rộng hợp tác với Trung Quốc và Ấn Độ. Châu Phi, với sự giúp đỡ của Nga, sẽ biến thành một trung tâm thế giới có ảnh hưởng. Tương tác với Mỹ Latin cũng sẽ sâu sắc hơn. Moscow dự định củng cố các tổ chức quốc tế SCO, BRICS, CIS và CSTO.

Theo tài liệu, Moscow phấn đấu vì một hệ thống quan hệ quốc tế bảo vệ bản sắc, điều kiện bình đẳng cho sự phát triển của tất cả các quốc gia và sự tham gia của họ vào nền kinh tế thế giới. Về vấn đề này, Nga ủng hộ nỗ lực của các bên tham gia khác nhằm duy trì các giá trị tinh thần và đạo đức phổ quát và truyền thống./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại