Tổng thống Obama đã lên kế hoạch gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Philippines. Ông sẽ phải sử dụng những đòn ngoại giao sắc sảo cuối cùng của mình tại các cuộc gặp đối mặt song phương này để đàm phán giải quyết các tranh chấp âm ỉ đã tồn tại thời gian qua.
Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Mặc dù không lên kế hoạch trước, khả năng ông Obama cũng sẽ nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm tìm phương hướng giải quyết những rạn nứt dai dẳng ở cả Syria lẫn Ukraine. Bên cạnh đó còn có cả vụ việc Nga bị nghi ngờ đã tấn công vào hệ thống bầu cử của đảng Dân chủ Mỹ hồi tháng trước.
Đối với ông Obama, chuyến công du châu Á tới Trung Quốc dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 và chuyến thăm chính thức Lào là cơ hội cuối cùng để định hình chính sách đối ngoại của Mỹ trước khi các nhà lãnh đạo khác có thể thích nghi với cách tiếp cận của họ với nước Mỹ và vị tân tổng thống trong tương lai.
Ông hy vọng có thể khép lại một trong ba trọng tâm đối ngoại tâm huyết ông đã thực hiện trước khi rời nhiệm sở, bao gồm: Biến đổi khí hậu, kinh tế toàn cầu và khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào thứ Bảy (3/9), Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ hoàn tất kế hoạch giảm lượng khí thải carbon. Hợp tác trong vấn đề khí hậu là một bước đi đột phá trong quan hệ Mỹ - Trung khi được công bố năm 2014. Đây được xem là một phần nhiệm vụ lớn lao của ông Obama trong việc kìm hãm sự nóng lên của toàn cầu.
Đó có thể là lĩnh vực có tiếng nói chung lớn nhất giữa Mỹ và Trung Quốc. Ở các lĩnh vực khác, Washington và Bắc Kinh đều vẫn đang ở trong trạng thái đối đầu cao, như sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, các cuộc chiến tranh mạng giữa hai nước, chính sách tiền tệ bị phương Tây lên án của Trung Quốc,...
Các trợ lý của Tổng thống Obama nhấn mạnh, quan hệ với Trung Quốc là một thành công cho chính quyền của ông, nhưng lại phải thừa nhận sự khác biệt dai dẳng giữa hai nước. Và đây sẽ là một trong những đề tài chính trong các cuộc đàm phán của Obama với Tập Cận Bình.
"Một phần trong những gì tôi muốn nói với Chủ tịch Tập là Mỹ đến với sức mạnh có phần kiềm chế", ông Obama trả lời phỏng vấn của CNN trước chuyến công du tới châu Á, "Vì vậy, chúng ta thấy họ vi phạm các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, như chúng ta thấy tại Biển Đông hay hành vi của họ khi nói về các chính sách kinh tế.
Chúng tôi đã xác định được", ông Obama nói, "và chúng tôi đã chỉ ra cho họ rằng việc đó sẽ có hậu quả".
Daniel Kritenbrink, Quản lý cấp cao của Tổng thống Obama về các vấn đề châu Á nhận định, mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc đang căng thẳng, dù đó là định nghĩa nào đi chăng nữa. "Chúng tôi không né tránh căng thẳng", ông Kritenbrink thừa nhận.
Đối với cuộc hội đàm cùng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ông Obama sẽ phải đối mặt với một nhà lãnh đạo gai góc và vẫn đang có tầm quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Từ sau cuộc lật đổ thất bại hồi tháng Bảy, ông Erdogan đã sử dụng các biện pháp khắc nghiệt để củng cố quyền lực, gây lo lắng cho các quan chức Mỹ.
Dự kiến ông Erdogan sẽ yêu cầu ông Obama để Thổ Nhĩ Kỳ dẫn độ giáo sĩ Fettulah Gulen, người được cho là đứng đầu âm mưu đảo chính. Ông Gulen phủ nhận cáo buộc, còn phía Mỹ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ trưng bằng chứng và từ chối các yêu cầu có thể làm xấu đi mối quan hệ giữa hai nước.
Đối với Mỹ mà nói, việc "lờ" Erdogan là viễn cảnh không mong muốn bởi vai trò quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria. Ngay cẩ trên mặt trận này, bất đồng vẫn tồn tại. Washington ép Ankara chấm dứt các cuộc không kích vào người Kurd ở Syria, lực lượng mà Mỹ đang ủng hộ.
Chia rẽ sâu sắc về Syria cũng đã làm hoen ố mối quan hệ của Tổng thống Obama với Tổng thống Putin, làm gia tăng mối bất hòa giữa Mỹ và Nga, đẩy mối quan hệ này xuống một tầng lạnh mới kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Hai bên không lên kế hoạch gặp nhau ở Hàng Châu, Trung Quốc.
Tuy nhiên, các phụ tá hai bên lại mong muốn họ trò chuyện bên lề Hội nghị thượng đỉnh trong một nỗ lực cuối cùng để đưa ra sự nhượng bộ về nhiều vấn đề tranh cãi.
Đó là nỗ lực cuối cùng để cứu vãn những gì đang tác động lên mối quan hệ gay gắt nhất toàn cầu. Sự hỗ trợ của Putin cho chế độ của ông Assad, sự can thiệp của Moscow ở Ukraine hay Nga can thiệp vào cuộc tranh cử tổng thống Mỹ đã tạo ra sự đối nghịch sâu sắc giữa hai nhà lãnh đạo.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng ông Obama không có ý định chào đón ông Putin tại Trung Quốc khi đưa ra lệnh trừng phạt mới. "Thường thì trong lịch sử, các chính quyền trong sáu tháng cuối cùng không áp đặt các lệnh trừng phạt mới", Michael Green, chuyên gia cấp cao về Châu Á tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington và là một cựu trợ lý châu Á của Tổng thống George W. Bush nói.
"Bạn có nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng cho người kế nhiệm, và không bất kỳ người quản lý chịu trách nhiệm về chính sách đối ngoại nào lại muốn mạo hiểm làm điều đó", ông Green tiếp tục, "Nó có thể hủy hoại di sản của mình nếu phía bên kia trả đũa trong những tháng cuối cùng khi bạn tại nhiệm".
Tại điểm dừng chân thứ hai của mình, quốc gia Đông Nam Á - Lào, ông Obama đã lên kế hoạch gặp gỡ lần đầu tiên với nhà lãnh đạo mới gây tranh cãi của Philippines, ông Rodrigo Duterte. Bình luận của Tổng thống Rodrigo Duterte về phụ nữ và cách tiếp cận khắc nghiệt của ông trong cuộc chiến với tội phạm ma túy đã mang lại cho ông danh hiệu "Donald Trump của Philippines".
Ông Obama đã rất tích cực phát triển quan hệ đối tác với Philippines - một đối trọng trong khu vực với Trung Quốc. Ông đã đến thăm nước này hai lần trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, và công bố về sự hiện diện của Mỹ tại một căn cứ hải quân quan trọng trên Biển Đông ở đây. Tuy nhiên, các chính sách của vị tân Tổng thống Philippines đang tạo ra nghi ngờ sẽ làm giảm tính tích cực trong mối quan hệ giữa hai bên.
Giữa các chương trình nghị sự song phương tranh cãi của mình, ông Obama cũng sẽ gặp gỡ các đồng minh thân cận của mình: Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ông cũng dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Anh Theresa May lần đầu tiên kể từ khi bà thay thế vị trí của ông David Cameron.