Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ diễn ra vào ngày 7/8 - 8-7. Theo Bộ GD-ĐT, đề thi chủ yếu kiểm tra kiến thức lớp 12, thí sinh sẽ làm 4 bài thi gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (gồm các môn vật lý, hóa học, sinh học) hoặc bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Ngoại trừ môn Ngữ văn, tất cả các môn thi còn lại trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ đều thi theo hình thức trắc nghiệm.
Để đạt điểm cao khi làm bài thi trắc nghiệm, thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học tại Hà Nội lưu ý, thời gian làm bài thi trắc nghiệm diễn ra rất nhanh, số lượng câu hỏi lớn, do đó, thí sinh phải thật bình tĩnh và tỉnh táo để giải quyết. Việc đầu tiên là thí sinh cần dành 30 giây để nhìn qua toàn bộ đề bài, từ đó có cái nhìn tổng quát về “trận chiến”.
Thông thường, trong đề thi, các câu hỏi đã được sắp xếp tương đối từ dễ đến khó nên thí sinh cần làm lần lượt từng câu, câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Với mỗi câu nếu suy nghĩ đến 30 giây mà chưa có hướng làm, thí sinh nên bỏ qua để đến với câu tiếp theo.
“Các em nên khoanh đáp án trên đề bài, đến gần cuối dành 5-10 phút rà soát và tô vào phiếu đáp án. Các em cần lưu ý, giá trị điểm số mỗi câu đều như nhau, nên câu nào cũng là câu 10 điểm, chúng ta cần phải cẩn trọng, chính xác từ câu dễ trở đi. Học sinh thường đọc lướt nhanh câu dễ và sai đáng tiếc, mất điểm oan. Đối với mỗi mục tiêu điểm số cũng như học lực khác nhau các em cần phân chia thời gian hợp lý cho mỗi mức độ câu hỏi”, thầy Hiền lưu ý.
Cụ thể, với môn Sinh học, đề thi có 40 câu hỏi, thì khoảng 70% câu hỏi có mức độ nhận biết, thông hiểu, 70% câu hỏi là lý thuyết. Với những thí sinh không làm được vận dụng cao ở 4 câu cuối đề, chiếm 1 điểm, thì nên phân chia thời gian như sau: 25 phút cho 30 câu đầu, 20 phút cho 6 câu tiếp theo, 5 phút cuối dành để tô đáp án. Các câu vận dụng cao có thể “khoanh lụi”. Với những thí sinh xác định mục tiêu 9-10 điểm, làm được các câu vận dụng cao thì có thể phân chia thời gian như sau: 10-15 phút cho 30 câu đầu, 15 phút cho 6 câu tiếp theo, 20-25 phút cho 4 câu cuối và tô đáp án.
Đặc biệt, với môn Sinh, thầy Hiền nhấn mạnh, phần lý thuyết không dễ ăn điểm, thí sinh cần chú ý vào các từ nhạy cảm như: “tất cả”, “chỉ”, “mọi, không thể”, “có thể”, “luôn”… để tránh mắc bẫy và hãy nên nhớ, trong các môn khoa học, để khẳng định một vấn đề gì đó đúng hay sai cần đặt trong điều kiện cụ thể.
TS Nguyễn Thành Nam, Giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự đồng thời là giáo viên có nhiều năm ôn thi môn Vật lý bậc THPT lưu ý, thời điểm này, thí sinh không nên tập trung vào học kiến thức mới mà nên ưu tiên luyện tập chiến thuật làm bài thi. Nên luyện tập trên một số đề thi chuẩn, dựa vào mục tiêu điểm số của mình để kiểm soát thời gian cho hợp lí. Trong quá trình làm đề, cần lưu ý hoàn thiện kĩ thuật tính toán sao cho nhanh và chính xác. Tuyệt đối tránh việc phải tính đi tính lại nhiều lần một phép tính.
Đặc biệt, khi làm bài, không nên quá suy nghĩ về những phần đã thi xong, mà nên tập trung vào phần đang làm. Nếu cảm thấy đề thi khó hơn mức bình thường thì cũng không cần phải lo lắng, vì đây là điều hết sức bình thường.
“Trong trường hợp đề thi được nâng cao hơn về độ khó thì đó là cái khó chung, nên về cơ bản sẽ không làm thay đổi thứ hạng và kết quả tuyển sinh vào đại học của các em nên không cần phải bận tâm. Các em cần giữ trạng thái tâm lý ổn định và sự tập trung cao độ mới có thể đạt được kết quả tốt nhất”, TS Nguyễn Thành Nam nói.
Nói thêm về cách làm bài thi trắc nghiệm môn Vật lý, cô Thiều Thị Dung giáo viên tại Hà Nội cho rằng, để đạt được kết quả tốt nhất nhất với bài thi tốt nghiệp THPT môn Vật lí thì ngoài việc nắm vững hệ thống kiến thức và thành thạo các kĩ năng làm bài, thí sinh cần chuẩn bị tâm lí vững vàng, tránh căng thẳng dẫn đến những sai sót không đáng có.
Trong quá trình làm bài, thí sinh cần chú ý, nhiều câu hỏi Vật lí chỉ cần thay đổi một vài từ trong đề bài, hoặc thay đổi thứ tự từ trong câu hỏi là ý nghĩa của các câu hỏi thay đổi hoàn toàn, nếu đọc đề bài một cách sơ sài sẽ không thể nào phát hiện ra những yếu tố khác biệt đó sẽ dẫn đến những nhầm lẫn đáng tiếc. Khi làm xong các phép tính, các em cần lưu ý đơn vị ở câu trả lời của đề thi xem đáp số có phù hợp với thực tế không.
Thí sinh cũng nên nháp thẳng vào đề thi để tránh nhầm lẫn trong quá trình tính toán, các em nên kí hiệu các đại lượng đề bài đã cho ngay trên đề thi, đồng thời đổi đơn vị và ghi công thức cần tính ngay trên đề.
Với môn Vật lý, cô Dung cho biết, số lượng câu hỏi thuộc cấp độ nhận biết, thông hiểu chiếm khoảng 28-30 câu nên thí sinh cần ưu tiên xử lí nhanh, gọn, chính xác các câu hỏi này trong khoảng 15-20 phút. Sau đó dành khoảng 2 phút tô luôn đáp án toàn bộ các câu hỏi này vào phiếu trả lời. Thời gian còn lại các em quan sát nhanh các câu cuối, phân loại các câu hỏi có dạng quen thuộc và ưu tiên xử lí trước, câu lạ và khó xử lí sau. Hãy dành 5 phút cuối để kiểm tra lại đáp án của toàn bộ đề thi để chắc chắn không bỏ sót hoặc tô nhầm đáp án của câu hỏi nào./.