Những cú lừa ngày Cá tháng Tư chấn động trong lịch sử

Bảo Hà |

Cho dù đó là một trò đùa tinh nghịch hay một câu chuyện gây sốc, nhiều người trong chúng ta vẫn dính vào một cú lừa nào đó trong ngày Cá tháng Tư (1/4).

Những cú lừa ngày Cá tháng Tư chấn động trong lịch sử - Ảnh 1.

BBC đưa tin mì spaghetti có thể trồng trên cây. Ảnh: BBC

Khái niệm poisson d’avril (sự ngớ ngẩn tháng tư, trong nghĩa văn học tiếng Pháp là Cá tháng Tư) lần đầu được nhà thơ người Pháp Eloy d'Amerval (1455-1508) nhắc đến và đây được xem là nguyên bản dành cho khái niệm "Cá tháng Tư". Nguyên nhân d’Amerval gọi như vậy là bởi Tháng Tư cũng được xem là tháng của cung song ngư với biểu tượng hai con cá quấn vào nhau. Tháng Tư cũng là thời điểm những loài cá sống trong vùng nhiệt độ ôn hòa, ví dụ như cá thu, dễ bị đánh bắt nhất do đi riêng lẻ. Vì vậy, Cá tháng Tư trở thành khái niệm ám chỉ sự khù khờ. Ngày này cũng trở thành ngày tượng trưng cho sự sai lệch thông tin và các hãng truyền thông cũng không bỏ lỡ cơ hội này để “trêu đùa” một chút với các độc giả.

Đồng hồ Big Ben của Anh chuyển sang kỹ thuật số

Sau rất nhiều năm chơi khăm, bất kỳ khán giả nào theo dõi đài truyền hình BBC cũng đều mong đợi một câu chuyện điên rồ nào đó vào ngày 1/4. Năm 1980, hãng truyền thông này đã phát ra một thông báo rằng tháp Big Ben của London – một công trình mang tính biểu tượng của Anh – sẽ được thay thế bằng đồng hồ kỹ thuật số.

Thông tin đã nhận được phản ứng rất lớn từ khán giả. Phần lớn bày tỏ việc sốc và tức giận về sự thay đổi. Tony Lightley, một nhà báo làm việc cho BBC, thừa nhận: “Thật ngạc nhiên là rất ít người nghĩ rằng thông tin đó đáng cười”.

Bản tin cũng tuyên bố kim đồng hồ sẽ được tặng cho 4 người xem đầu tiên liên hệ với BBC. Thậm chí một thủy thủ Nhật Bản ở giữa Đại Tây Dương ngay lập tức gọi điện thoại đến, hy vọng mình là một trong số những người may mắn.

Bộ Tài chính Mỹ bị cướp

Ngày 1/4/1905, một tờ báo Đức tên là Berliner Tageblatt đưa tin một toán cướp đã đào đường hầm dưới trụ sở của Bộ Tài chính Liên bang Mỹ ở Washington, D.C. và cướp đi vàng bạc của nước này. Bài báo miêu tả nhóm cướp đã đào hầm trong suốt 3 năm trời và lấy đi hơn 268 triệu USD vàng. Giới chức Mỹ vẫn đang truy tìm những tên trộm này trong khi thông tin quốc gia bị cướp vẫn giấu kín. Ngay lập tức, câu chuyện đã được các báo ở châu Âu đồng loạt chia sẻ. Tuy nhiên, sau này công chúng mới nhận ra đây là một trò đùa của phóng viên Louis Viereck – người đã xuất bản bài viết này dưới một cái tên giả.

Bầu thành công một con tê giác vào hội đồng thành phố

Đôi khi, ranh giới giữa trò đùa và thực tế không phải lúc nào cũng rõ ràng. Năm 1959, do đã quá mệt mỏi với thực trạng lạm phát và hệ thống chính trị quan liêu, các sinh viên ở São Paulo (Brazil) đã phát động một chiến dịch bầu một con tê giác vào hội đồng thành phố.

Tên của con tê giác là Cacareco (tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là “rác”). Khi các sinh viên cân nhắc 540 ứng cử viên cho 45 ghế trong hội đồng thành phố của São Paulo, họ lo sợ rằng không ai trong số đó đủ khả năng giải quyết được các vấn đề của thành phố. Những sinh viên này đã quyết định đưa ra quan điểm bằng cách yêu cầu mọi người bỏ phiếu cho con tê giác nổi tiếng Cacareco.

Cacareco đã giành được một ghế trong hội đồng thành phố với số phiếu lớn chưa từng có, 100.000 phiếu, nhiều hơn bất kỳ ứng cử viên nào khác. Tất nhiên, cuối cùng Cacareco không phục vụ trong hội đồng thành phố vì hội đồng bầu cử đã loại ứng viên yêu thích này, song sự kiện Cacareco vẫn là một trong những vụ bỏ phiếu phản đối nổi tiếng nhất trong lịch sử Brazil.

Mùa thu hoạch sợi mỳ Spaghetti

Một trong những trò đùa ngày Cá tháng Tư nổi tiếng nhất mọi thời đại là đoạn video “thu hoạch mỳ Spaghetti” nổi tiếng của đài BBC. Vào ngày 1/4/1957, một phát thanh viên đưa tin Ticino, một vùng của Thụy Sĩ gần biên giới Italy, đã có “một vụ mùa mì spaghetti đặc biệt bội thu” năm đó. Thậm chí trên TV còn chiếu cảnh những người nhặt sợi mì spaghetti trên cây và bụi rậm, sau đó ngồi xuống bàn để ăn một ít mì spaghetti “tự trồng”.

Thời điểm đó, spaghetti không hẳn là món ăn mà người Anh đều biết đến. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không ai nhận ra phân cảnh đó là một trò đùa. Một số khán giả khó chịu vì BBC đã phát sóng một đoạn hư cấu đùa cợt trong một chương trình tin tức nghiêm túc. Vẫn có những người xem khác liên hệ với đài hỏi cách họ có thể tự trồng mì spaghetti tại nhà.

Người dùng có thể tìm kiếm Google bằng suy nghĩ

Năm 2000 là năm đầu tiên cỗ máy tìm kiếm Google thực hiện trò đùa ngày Cá tháng Tư. Vào thời điểm đó, Google thông báo cho người dùng có chức năng “MentalPlex” có khả năng đọc được suy nghĩ của mọi người, từ đó không cần người dùng phải đánh câu hỏi để tìm kiếm mà vẫn nhận được câu trả lời.

Google đã đưa ra một hướng dẫn, bảo người dùng bỏ mũ và kính ra, rồi giữ nguyên đầu ở một vị trí và tập trung nhìn vào một vòng tròn xoáy trên website tìm kiếm. Sau đó, người dùng tiếp tục tập trung vào hình ảnh, nội dung cần tìm kiếm và từ đó sẽ có thông tin cần tìm hiện ra.

Tất nhiên, hàng nghìn người dùng đã làm theo hướng dẫn để rồi phát hiện ra mình là “nạn nhân” khi kết quả tìm kiếm của Google chỉ hiển thị ra thông điệp về ngày Cá tháng Tư.

Kể từ đó, Google đã nhiều lần “bày trò” để đánh lừa người dùng vào ngày Cá tháng Tư như tìm kiếm mùi hương hay đóng cửa YouTube.

Lực hút tạm biến mất

Ngày 1/4/1976, trên đài BBC, nhà thiên văn học Sir Patrick Moore nói với độc giả rằng vào lúc 9h47 sáng ngày hôm đó, hiện tượng thẳng hàng tạm thời của Sao Diêm Vương và Sao Mộc sẽ làm giảm lực hấp dẫn của Trái Đất, cho phép con người bay lên không trung trong thời gian ngắn. Cũng không để những người làm chương trình thất vọng, vào 9h48, hàng trăm người đã gọi đến đường dây nóng của đài và báo rằng họ đang lơ lửng thật sự trong không trung.

"Bịa" cả một quốc gia

Những cú lừa ngày Cá tháng Tư chấn động trong lịch sử - Ảnh 2.

Guardian còn vẽ hẳn bản đồ cho quốc gia không có thật. Ảnh: Guardian

Trong ngày Cá tháng Tư năm 1977, tờ Guardian của Anh đã đăng "phóng sự đặc biệt" dài 7 trang về San Serriffe, một nước cộng hòa nhỏ nằm ở Ấn Độ Dương, tạo thành từ nhiều hòn đảo, có hình dấu chấm phẩy. Cùng với phóng sự là một loạt bài báo mô tả chi tiết về địa lý và văn hóa của quốc gia này.

Bài báo đã khiến dư luận sửng sốt. Rất nhiều độc giả của báo đã gọi điện trong suốt cả ngày đó tới tòa soạn để hỏi cách tới nước này nghỉ mát. Tuy nhiên, San Serriffe không tồn tại và cả loạt phóng sự công phu đã chỉ là một trò đùa nhân ngày Cá tháng Tư.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại