Sinh học, theo một khía cạnh nhất định sẽ giống như một cuốn truyện kinh dị dài vô tận. Không cần phải tìm kiếm đâu xa, bạn chỉ cần phóng to hình ảnh của chăn gối mà bạn sử dụng hàng ngày, nơi tập hợp của “500 anh em” nhà ký sinh trùng đã đủ khiến chúng ta khiếp vía.
Mới đây, các nhà nghiên cứu còn phát hiện một loài ký sinh trùng có thể điều khiển vật chủ tự dâng mình cho thú ăn thịt.
Nếu bạn vẫn đang đọc về những con quái vật tí hon này, bạn cần biết rằng có một loài giun dẹp ký sinh bên trong nhãn cầu của loài cá, và loài ký sinh trùng này có thể "thao túng" vật chủ của nó.
Chẳng hạn, nếu con cá đang lẩn trốn một con chim, ký sinh trùng sẽ điều khiển con cá, làm bản thân nó bị phát hiện để bị ăn thịt. Tất cả điều này là để phục vụ lợi ích cho vòng đời phức tạp (và đáng sợ) của giun dẹp.
Mới đây, một nhóm nghiên cứu từ Viện Sinh thái và Tiến hóa ở Moscow đã phát hiện ra một loài ký sinh trùng phổ biến gọi là sán mắt, tên khoa học là Diplostomum pseudospathaceum, đã phát triển một phương pháp "du lịch" khá kinh dị thông qua vòng đời của một số sinh vật.
Loài ký sinh trùng này dựa vào 3 loài động vật khác nhau để có thể phát triển từ trứng đến khi trưởng thành:
1. Đầu tiên, nó sinh sản trong đường tiêu hóa của chim, sau đó trứng của sán mắt sẽ theo phân chim đi ra ngoài.
2. Trứng sẽ nở ra ấu trùng và ấu trùng sẽ tìm đến những con sên nước ngọt để ký sinh, tại đây chúng trưởng thành và sinh sản vô tính.
3. Giai đoạn tiếp theo của ấu trùng, chúng sẽ phát triển ở dạng ấu trùng bơi tự do (giống như loăng quăng), sau đó chúng bỏ lại con sên và tìm đến ký sinh trong những con cá bằng cách đào xuyên qua lớp da cá. Cuối cùng, sán mắt tìm đến nhãn cầu của cá và ký sinh tại đây.
4. Khi chim ăn cá (nuốt trọn các bộ phân bao gồm cả nhãn cầu bị nhiễm sán), "chuyến du lịch" của sán mắt sẽ lại bắt đầu.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, ký sinh trùng có thể làm ảnh hưởng đến thị lực của vật chủ, làm giảm khả năng phát hiện nguy hiểm từ động vật ăn thịt.
Các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu mới này vì họ cho rằng không có nhiều bằng chứng chứng minh giả thuyết này là đúng. Vì vậy mà từ năm 2015, họ thực hiện nghiên cứu hành vi của những con cá hồi vằn bị nhiễm sán, bằng cách tiêm 25 con cá hồi với sán non.
Họ thử nghiệm bằng cách thả chung cá hồi bị nhiễm bệnh với cá hồi bình thường, sau đó một nhà nghiên cứu sử dụng vợt bắt cá để vớt chúng.
Và kết quả là những con cá bị nhiễm sán có phần dễ bị bắt hơn những con cá thường và chúng cũng có những hành vi bơi lội khá “bất thường”. Cá hồi là loài bơi rất nhẹ, hành vi này giúp nó không bị phát hiện và bị ăn thịt bởi lũ chim săn cá.
“Trong nghiên cứu của chúng tôi, hành vi bất thường của vật chủ tăng lên vào giai đoạn ấu trùng sán còn nhỏ và mới bắt đầu xâm nhập vào nhãn cầu. Vì vậy mà sự suy yếu thị lực do đục thủy tinh thể khó mà diễn ra được”, nhóm nghiên cứu viết trong một bài báo năm 2015.
Mặc dù hành vi của vật chủ đã thay đổi rõ ràng, nhưng những thay đổi này không phải đến do bị mù lòa. Vì vậy mà có thể thấy rằng, nếu ký sinh trùng “điều khiển” vật chủ, nhiều khả năng nó sẽ “điều khiển” thông qua hóa chất hơn là việc chỉ đơn giản là chặn ánh sáng bên trong nhãn cầu.
Hiện nay, trong nghiên cứu mới nhất của họ, nhóm nghiên cứu đã đã nhận thấy có hai hành vi rõ ràng, có thể phân biệt do những do thay đổi của sán trưởng thành tạo nên.
Khi cá hồi bơi qua bất cứ thứ gì, ký sinh trùng sẽ trở nên “nổi loạn”. Các nhà nghiên cứu thấy rằng cá hồi bỗng trở nên hoạt động mạnh hơn và di chuyển gần mặt nước hơn.
Họ cũng nhận thấy rằng, cả cá hồi nhiễm sán và không nhiễm sán đều sẽ trở nên “đứng hình” khi có hình bóng của chim bay ngang qua, nhưng những con cá bị nhiễm sán sẽ bắt đầu di chuyển sớm.
Từ những bằng chứng trên, cho thấy những con cá hồi bị ký sinh trùng “thao túng hành vi” để chúng không bị ăn khi còn non, và sau đó là dâng mình cho lũ chim khi chúng đủ lớn để sinh sản.
Tham khảo Sciencealert