Khốn khổ vì đường
Xã Liên Trạch được bao bọc bởi bốn bề đồi núi, có con sông Son chảy qua.
Bởi địa hình phức tạp nên dân cư ở đây sống ven hai bên bờ sông và chân các ngọn đồi. UBND xã nằm cách đường Quốc lộ 1A khoảng 10km thì có 6km thuộc địa phận xã vẫn đang đường đất sỏi.
Đường vào xã Liên Trạch
Hầu hết các tuyến đường giao thông trong xã đang là đường đổ đất cấp phối, cứ ngày nắng thì bụi, ngày mưa thì thành ao tù nước đọng. Người và phương tiện qua lại khó khăn, vất vả.
Chị Lê Thị Liên ở thôn Phú Hữu cho biết: "Con đường qua thôn Phú Hữu là đường liên xã, được đổ đất và sửa chữa hơn 3 năm rồi, nhưng qua nhiều trận lũ lụt nên đường đất đã bị xói lở, đường không có mương thoát nước nên nước đọng lại thành từng vũng trên mặt đường.
Các phương tiện qua lại thì khoét sâu thêm các ở gà ổ, voi. Nhà tôi gần mặt đường nên mỗi lần có xe ô tô chạy qua là nước sóng tràn vào cả trong sân. Ngày nào cũng dội nước, lau chùi, dọn dẹp nhưng vẫn bùn đất vẫn cứ bẩn khắp sân khắp nhà".
Anh Giang ở thôn Phú Kinh nhà sát ngay bên đường trục vào xã, ngày nào cũng phải mang cuốc ra đào rãnh khơi nước.
Anh chia sẻ: "Đường chính vào trung tâm xã nên lượng xe cộ đi lại nhiều; đợt này mùa mưa nên nước cứ đọng thành từng vũng lớn, không có ai khơi thông nước nên các em học sinh nhất là học sinh cấp 2 và đi học trường THPT Trần Phú đi qua đây thường bị té ngã.
Học sinh trường tiểu học chỉ có trời nắng các em lớp 4, 5 mới tự đi học, còn thường phụ huynh phải đưa đi đưa về như các cháu học mầm non".
Ở xã Liên Trạch có 21 học sinh học trường THPT Nguyễn Trãi (xã Phúc Trạch), con đường đất đi học xuyên qua rừng dài 12km.
Nay tuyến đường này mưa làm bùn đất lầy lội, nhiều đoạn đường bị sụt lún bùn nhão lên gần 30-40 cm không thể đi qua lại bằng xe đạp, xe máy. Để đến được trường, các em phải đi vòng ngược qua xã Hưng Trạch, Sơn Trạch dài hơn 20 km.
Cán bộ đi họp quần áo thường xuyên lấm bùn
Ông Hoàng Minh Tú - Chủ tịch ỦBND xã Liên Trạch cho biết: Hiện nay trên toàn xã có 5 thôn với hơn 1000 hộ dân gần 5.000 nhân khẩu.
Các thôn nằm rải rác, tách biệt nhau bởi những ngọn đồi và sông Son (một nhánh sông Gianh). Giao thông trong xã có 18 km đường liên xã thì đang đường đất chưa được làm. 19 km đường liên thôn thì mới đầu tư làm được 5km đường bê tông.
Có 6km đường từ xã Hạ Trạch vào trung tâm xã tỉnh đã phê duyệt dự án làm, theo kế hoạch khởi công trong năm 2017 và hoàn thành đầu năm 2019.
Các tuyến đường khác thì xã bố trí một phần kinh phí để tu sửa những đoạn xung yếu nhất thôi chứ không có nguồn thu để làm kiên cố được.
“Đường giao thông xuống cấp, hư hỏng không những làm cho người dân, học sinh đi lại khó khăn, tai nạn mà làm cho việc giao thương hàng hóa của người dân cũng khó khăn, các mặt hàng nông sản của dân bị thương lái ép mua với giá rẻ hơn bên ngoài do đi lại khó”, ông Tú chia sẻ.
Liên Trạch là một xã nghèo 135, tuy không xa nhưng đường sá giao thông đi lại quá khó khăn làm cho địa phương này như tách biệt với bên ngoài.
Đường khó đi, nên “người dân rất ít ra ngoài, học sinh đi học thì té ngã ướt, bẩn sách vở, quần áo. Cán bộ xã đi họp trên huyện khi về thì không sao, nhưng khi đi bị té hay bánh xe bắn vắt bùn đất bẩn áo quần lên họp hành rất ngại” một cán bộ xã cho biết.