Những ngày gần đây, người dân Hà Nội đang hết sức ngỡ ngàng trước hiện tượng cá chết hàng loạt nổi trắng cả Hồ Tây.
Lúc đầu, số lượng cá chỉ rơi vào khoảng vài ngàn con. Nhưng rồi, số lượng cá chết tăng đến mực thực sự đáng lo ngại. Theo như ghi nhận vào thời điểm chiều ngày 3/10, Hà Nội đã vớt được tới... 60 tấn cá nổi trắng, và dường như con số chưa dừng lại ở đó.
Cá chết nổi trắng hồ Tây, có những con nặng 4 - 5kg
60 tấn cá - con số quá khủng khiếp, ai nhìn cũng cũng có thể thấy được điều đó. Tuy vậy, đa số chỉ biết rằng sự việc này nghiêm trọng, nhưng ít ai nhận biết được mức độ nghiêm trọng của nó là như thế nào. Vậy, hãy thử suy luận xem, những con số này nói lên điều gì.
Con số 60 tấn lớn đến mức nào?
Để hiểu được con số này lớn như thế nào, hãy đến với chuyến tàu biển được đánh giá là "trúng đậm" của ngư dân Thừa Thiên Huế vào năm 2015. Đó là chuyến tàu kéo dài 3 ngày, ở cự ly 10 hải lý từ bờ biển Vinh Hiền, và họ kéo lên được... 70 tấn cá.
70 tấn cá này chất vừa một tàu, nhưng họ không thể chở hết vào bờ mà phải chia làm 3 đợt. Vị chi, mỗi chuyến tàu họ chở được khoảng hơn 23 tấn cá.
Cần đến 3 chuyến tàu để chở 70 tấn cá vào bờ (Ảnh minh họa)
Được biết, con tàu của các ngư dân có công suất hơn 430CV (mã lực), trị giá hơn 5 tỉ đồng. Chuyến đi đó, họ thu lãi hơn 3,5 tỉ đồng.
Tất nhiên, việc so sánh giá trị mẻ cá ở đây là không hợp lý. Nhưng điều này cũng cho chúng ta thấy rằng số lượng cá chết tại hồ Tây lớn đến thế nào: Phải cần đến 3 chuyến tàu biển mới có thể chở hết được.
Và những chỉ số kinh khủng về oxy thất thoát tại hồ Tây
Tiếp theo, hãy thử làm một số phép tính để thấy được tính nghiêm trọng của sự kiện này.
Đi từ hồ Tây: dẫn chứng từ các tài liệu thực tế, hồ Tây rộng khoảng 500ha, sâu trung bình 1,5m. Đặt phép tính, thể tích hồ rơi vào khoảng 7,5 triệu mét khối, tương đương... 7,5 tỉ lít nước.
Nguyên nhân cá chết tại hồ Tây vẫn đang được làm rõ, nhưng theo nhận định ban đầu từ các chuyên gia thì lượng khí oxy tại hồ Tây đang rơi vào con số 0 tròn trĩnh.
Lượng oxy trong nước hồ Tây là một con số 0 tròn trĩnh
Trong khi đó, lượng oxy trong nước tối thiểu để cá có thể sinh sống rơi vào khoảng 4 - 15mg/l. Suy ra, tối thiểu hồ Tây sẽ phải có từ 30 - 112,5 tấn oxy hòa tan để các sinh vật có thể sống được. Vậy là, hơn 100 tấn Oxy đã bốc hơi khỏi nước hồ Tây một cách khó hiểu.
Để dễ hình dung, mỗi người trưởng thành trung bình cần 0,84kg oxy mỗi ngày. Suy ra, lượng oxy kia là đủ để hơn 120.000 người hít thở thoải mái.
Các giả thuyết về lý do khiến oxy trong nước biến mất
Có 3 nguyên nhân chính ảnh hưởng đến lượng oxy trong nước: nhiệt độ, áp suất, và độ mặn của nước.
Đầu tiên, lượng oxy trong nước sẽ giảm nếu nhiệt độ tăng. Nghĩa là nước trên bề mặt cần ít oxy hơn để đạt đến độ bão hòa. Ví dụ: ở điều kiện áp suất tiêu chuẩn 1 atm, mật độ oxy sẽ bão hoà khi đạt 10,92mg/l nếu nhiệt độ nước là 4 độ C. Trong khi đó ở nhiệt độ phòng là 21 độ C, mật độ sẽ giảm xuống chỉ khoảng 8,68 mg/l.
Nhiệt độ nước sẽ gây ảnh hưởng đến mật độ oxy
Tiếp theo là độ mặn. Độ mặn tăng sẽ khiến oxy trong nước giảm đi. Ví dụ như nước biển, khả năng giữ oxy sẽ thấp hơn 20% so với môi trường nước ngọt. Đây cũng là lý do khiến cho Biển Chết - vùng biển mặn nhất thế giới - không có cá.
Biển Chết - nơi có độ mặn quá cao để nuôi dưỡng các loài thuỷ sinh
Cuối cùng là áp suất. Áp suất càng tăng, khả năng giữ oxy càng lớn. Ví dụ như lượng oxy bão hòa trên bề mặt nước chỉ đạt 70% ở mực nước sâu hơn khoảng 3m.
Tuy vậy, trên đây chỉ là suy luận cá nhân của người viết dựa trên các báo cáo khoa học thôi. Còn nguyên nhân thực sự khiến cho hồ Tây mất khả năng nuôi dưỡng thuỷ sinh thì cần phải đợi kết luận cuối cùng từ các chuyên gia.
Nguồn: Environmental Measurement