Sao Hỏa có sóng thần và thác dung nham: Các nhà khoa học phát hiện bằng chứng nước ở thể lỏng trên sao Hỏa trong hàng thập kỷ trở lại đây. Năm 2017, NASA tìm thấy bằng chứng của hoạt động sóng thần trên sao Hỏa cách đây 3 tỷ năm, tiết lộ rằng các đại dương từng hình thành trên hành tinh đỏ.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng công bố các cơ sở cho thấy 1 dòng thác dung nham ở đây mà họ gọi là "Thác Niagara trên sao Hỏa".
Mặt Trăng có nhiều nước hơn chúng ta tưởng: Năm 2009, NASA tiết lộ các nhà khoa học tìm thấy các phân tử nước trên Mặt Trăng. Các nhà khoa học phát hiện nước trên Mặt Trăng bằng cách sử dụng quang phổ kế hiện đại, đo lường ánh sáng phản chiếu trên bề mặt Mặt Trăng.
Năm 2017, với nhiều dữ liệu từ vệ tinh hơn, các chuyên gia đánh giá rằng có thể có một lượng lớn nước tồn tại sâu bên dưới Mặt Trăng. Nghiên cứu cũng chỉ rõ nước và hoạt động núi lửa đã tạo ra các tinh thể ngậm nước tồn tại khắp vệ tinh của Trái Đất này.
Những ngôi sao già nhất đã 14 tỷ năm tuổi: Sao Methuselah hay còn gọi là HD 140283 là ngôi sao già nhất trong vũ trụ tính tới năm 2017.
So với số tuổi 16 tỷ năm của vũ trụ kể từ khi Big Bang (Vụ nổ lớn) xảy ra thì ngôi sao này có lẽ gần 14 tỷ năm tuổi. Đầu năm 2018, các nhà khoa học cũng phát hiện ra một ngôi sao trong dải Ngân hà có số tuổi là 13,5 tỷ năm mang tên J0815+4729, lớn hơn Mặt Trời của Trái Đất 60 lần.
Các vệ tinh cũng có vành đai: Phát hiện đầu tiên về việc này là vào năm 1997 với một thiên thạch có tên là Charklo nằm gần sao Thổ có đường kính khoảng 250 km. Chariklo cũng là vật thể không phải hành tinh có vành đai và có lẽ có ít nhất 1 vệ tinh quay quanh nó.
Các nhà khoa học phát hiện vài hành tinh giống Trái Đất: Năm 1995, các nhà thiên văn học phát hiện hành tinh đầu tiên xoay quanh 1 ngôi sao giống như Mặt Trời. 20 năm sau, kính thiên văn Kepler cũng phát hiện hành tinh quay quanh một ngôi sao giống Mặt Trời trong khu vực mà khoa học gọi là "vùng có thể sinh sống".
Kể từ đó, một số hành tinh mới tương tự vậy được phát hiện. Năm 2017, NASA quan sát được một nhóm các hành tinh thuộc "vùng có thể sinh sống" với kích cỡ bằng Trái Đất xoay quanh một ngôi sao tên Trappist-1.
Cũng vào tháng 11 năm đó, các nhà thiên văn học phát hiện ra Ross 128b. Hành tinh này chỉ cách Dải Ngân hà 11 năm ánh sáng và quay quanh một ngôi sao lùn đỏ. Tháng 2/2018, NASA phát hiện 95 ngoại hành tinh mới nằm ngoài Hệ Mặt trời với hình dạng, kích cỡ và tiềm năng sự sống giống Trái Đất.
Sao chổi Lovejoy "nhả" rượu: Được phát hiện năm 2014, sao chổi Lovejoy còn có tên gọi chính thức là C/2014 Q2 tới gần Mặt Trời vào tháng 1/2015. Trong hành trình trên, sao chổi này "nhả" một lượng chất lỏng với tỷ lệ 20 tấn/giây mà các nhà khoa học có thể quan sát được.
Theo nhóm các nhà thiên văn học ở châu Âu, sao chổi Lovejoy tạo ra đám mây chứa rượu, đường và 19 phân tử hữu cơ khác. Nhà vật lý thiên văn Nicolas Biver nhận định với NASA vào lúc cao điểm, sao chổi Lovejoy "nhả" ra một lượng rượu bằng ít nhất 500 chai rượu vang/giây.
Lucy là ngôi sao kim cương khổng lồ: Các nhà khoa học phân loại Lucy là sao lùn trắng BPM 37093 (V886 Centauri) với nhiệt độ lõi khoảng hơn 8.300 độ C. Tuy nhiên, điều đặc biệt là thành phần cấu tạo khiến Lucy trở thành một viên kim cương khổng lồ với đường kính 4.000 km.
Dòng chảy tối, năng lượng tối, vật chất tối - những bí ẩn của vũ trụ: Khoảng 80% vũ trụ được tạo thành từ vật chất tối song các nhà khoa học chỉ biết nó tồn tại mà không thể chứng minh được sự tồn tại của nó. Bên trong vật chất tối là năng lượng tối - tác nhân gây ra sự giãn nở vũ trụ.
Ngoài ra, NASA còn quan sát được sự kiện không gian khác mà họ gọi là "dòng chảy tối" - hiện tượng kéo các vật chất theo những hướng không thể giải thích được trong vũ trụ. Khi các nhà khoa học phát hiện ra các thiên hà đang di chuyển theo các hướng dường như không thống nhất với sự giãn nở tự nhiên của vũ trụ, họ mặc định thừa nhận thuyết "dòng chảy tối".
Theo đó, "dòng chảy tối" có thể xuất phát từ một nơi nào đó bên ngoài vũ trụ mà chúng ta vẫn biết.
Thiên hà Baby Boom cứ 2 giờ lại tạo ra một ngôi sao mới: Thiên hà Baby Boom nằm cách chúng ta 12,3 tỷ năm ánh sáng, trung bình tạo ra 4.000 ngôi sao mới mỗi năm. Với tỷ lệ này, cứ 2 giờ lại có một ngôi sao mới được sinh ra.
Năm 2014 các nhà thiên văn học ở Harvard phát hiện một siêu hành tinh, hay còn gọi là Godzilla of Earths nằm cách chúng ta khoảng 560 năm ánh sáng. Hành tinh này còn được gọi là "siêu Trái Đất" khi nặng gấp 17 lần hành tinh chúng ta và có đường kính gần 30.000 km.
Siêu Trái Đất quay quanh một hành tinh giống như Mặt Trời tên là Draco nằm trong một chòm sao được hình thành 3 tỷ năm sau sự kiện Big Bang. Được gọi là Kepler-10c, ngoại hành tinh này cứng như đá chứ không phải là một hành tinh khí giống sao Mộc như các nhà khoa học vẫn nghĩ.
Tuy nhiên, oxy và nước nếu tồn tại ở Kepler-10c sẽ ngay lập tức chuyển thành chất rắn nên dù được gọi là "siêu Trái Đất" song hành tinh này không phải là nơi phù hợp cho sự sống tồn tại.