Cuộc đời mà họ biết trước rằng, sẽ có một ngày rất gần ở phía trước họ phải rời xa, buông bỏ.
Và họ, tác giả của những cuốn sách tự truyện, những tập thơ nói về sự vươn lên, vượt thoát khỏi nỗi đau ấy để nghĩ về những tia hy vọng mong manh của số phận, như một bài ca bất tận về tình yêu cuộc sống với những câu chữ toát lên từ tận đáy lòng yêu thương, sẻ chia... đã chạm vào được trái tim người đọc.
Ngày 29 tháng 3 vừa qua, tại phòng trà Hi Bar cafe, nữ tác giả Phạm Thu Hạnh đã tổ chức ra mắt tập thơ ... “Đi tìm ngày nắng”.
Nhìn Hạnh rạng ngời trong tà áo dài, giữa tình yêu của chồng con, gia đình và rất nhiều bè bạn, chị đọc lên những vần thơ giản dị, mộc mạc, chân thành cùng sự sẻ chia những câu chuyện sau gần 7 năm chống chọi với căn bệnh ung thư tuyến giáp, khiến cho tất cả khán phòng lặng đi trong sự khâm phục ý chí của người mẹ hai con trong cơn đau chưa bao giờ dứt.
Phạm Thu Hạnh sinh năm 1981 tại Hà Nội. Hạnh kể lại rằng, trong ký ức tuổi thơ luôn đầy tràn những vất vả cực nhọc của bố mẹ nuôi mình khôn lớn, là những con phố bình yên sớm sớm chiều chiều, những con đường Hà Nội rợp bóng cây.
Hạnh kể: “Ngày tôi hai mươi, tôi nghĩ cuộc đời đẹp và rực rỡ như những đoá hồng. Thời sinh viên biết bao mơ mộng và ngọt ngào.
Những năm tháng ấy, tôi cháy hết mình cho những đam mê và khát vọng.
Rồi ra trường nhưng tôi không theo chuyên môn mà lại tìm về với niềm đam mê từ thuở niên thiếu là trở thành cô giáo dạy Toán, tôi cũng thích đọc thơ, thích bập bẹ viết đôi ba vần thơ dành cho bạn bè, cho người thân và cho mình.
Rồi tôi lập gia đình, có những thiên thần đáng yêu. Cuộc sống ấm áp và tràn đầy yêu thương, tôi vẫn nghĩ cuộc đời là những bông hồng đỏ thắm căng tràn sức sống vào mỗi ban mai.
Năm 28 tuổi, tôi phát hiện mình bị ung thư và bệnh viện đã trả về vì tình trạng sức khỏe và bệnh tim không thể chịu được các đợt điều trị hóa chất.
Cứ tưởng hoa hồng sẽ thành tro tàn bay đi; nhưng không, tôi chưa bao giờ bỏ cuộc bởi bên tôi có biết bao người yêu thương mình. Khi bạn gặp phải nỗi buồn, bạn mới biết rằng bạn đang được yêu thương nhiều đến mức nào.
Và tôi thấy cuộc đời là những bông hoa hướng dương trong suốt thời gian qua. 7 năm trải qua nhiều đau đớn nhưng tôi thấy mình mạnh mẽ vượt lên chính nỗi sợ hãi của mình.
Chính tình yêu thương của gia đình và mọi người xung quanh đã giúp tôi vượt qua chính mình. Mỗi lời động viên, an ủi và khích lệ cũng là động lực để tôi bước tiếp”.
Nhìn Hạnh rạng rỡ trên sân khấu, không ai ngờ rằng, chị đã phải chống chọi với cơn đau hàng ngày, khi thuốc ngấm vào từng tế bào cơ thể huỷ diệt những “con bệnh” cũng đồng nghĩa với việc cơ thể chị bại hoại, đau đớn, lả người đi, khó thở và không thể nói được.
Khi trở về nhà, sau những bài thơ xuất thần, uống thuốc vào là chị lại đối diện với từng cơn đau dai dẳng, tê liệt và bại hoại cả cơ thể.
Chị kể: “6 năm trôi qua... Không còn nhớ nổi tôi đã trải qua bao nhiêu lần trở bệnh. Không nhớ đã uống bao nhiêu thuốc. Rồi từng cơn đau như muốn quật ngã tôi mỗi ngày. Nhưng tôi vẫn thấy cuộc đời nhiều may mắn khi bên tôi có những người thân, bạn bè và học trò.
Đến bây giờ, tôi thấy mình mạnh mẽ lên thật nhiều. Tôi vẫn không ngừng làm việc, vẫn tiếp tục tham gia công việc trồng người, theo đuổi những đam mê của mình và luôn vui vẻ sống.
Thật khó để diễn tả được cảm xúc của mình nên tôi đã tìm đến thơ. Những vần thơ làm tôi quên đau, quên đi những gì mình đang trải qua. Tôi mong những bài thơ của mình sẽ đồng cảm được với những người đã và đang trải qua những nỗi đau.
Xin chia sẻ một chút yêu thương, một chút ấm áp gia đình đến mọi người. Tôi luôn mong muốn mình có một tập thơ để lưu giữ từng cảm xúc của mình”.
Tập thơ “Đi tìm ngày nắng” là hành trình Hạnh đã vượt qua mọi nỗi buồn và sợ hãi để chạm tới bình minh.
Gần 7 năm trên những chặng đường đi tìm thầy, tìm thuốc và những bài thơ này được sáng tác trong những tháng ngày điều trị bệnh, sau khi thoát khỏi những cơn đau quằn quại. Phạm Thu Hạnh gửi gắm rất nhiều tâm tư tình cảm đối với gia đình, với người thân và bè bạn.
Trong tập thơ của Hạnh luôn rực cháy niềm tin yêu cuộc đời, giống như bông hoa hướng dương luôn hướng về mặt trời, Phạm Thu Hạnh luôn nghĩ tới những điều tốt đẹp nhất.
Cô đã dệt nên những áng thơ mượt mà, chân thành và mộc mạc, lay động trái tim của nhiều người đọc:
“Anh đừng buồn khi không thể cho em/ Một cuộc sống đủ đầy và sung sướng/ Em không muốn bản thân mình tận hưởng/ Trên giọt mồ hôi anh vất vả mỗi ngày.../ Chưa bao giờ em thấy hết yêu thương/ Những lúc bệnh em đau, lòng anh thêm se thắt/ Chẳng nói một lời, chỉ ôm em thật chặt/ Lặng lẽ bên em chẳng quản đêm ngày/ Anh đâu biết bao cố gắng hôm nay/ Những cơn đau không làm em gục ngã/ Dù cuộc sống còn bao nhiêu vất vả/ Tình yêu anh là mầm sống trong em...”(Em là người giàu nhất).
Cũng là một cô gái nhỏ nhắn nhưng không hề yếu đuối, Hoàng Thị Diệu Thuần sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, phát hiện bị ung thư máu năm 18 tuổi, là học sinh chuyên tiếng Nga, Thuần thi đỗ vào Đại học Quốc gia Hà Nội, Diệu Thuần phải gác lại tất cả để tập trung chữa bệnh.
Từ một cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn, hồn nhiên, vui vẻ, thích du lịch, mê guitar, Diệu Thuần phải trải qua những tháng ngày đau đớn, vật vã trong bệnh viện, với những đợt xét nghiệm, truyền hóa chất, chọc tủy… triền miên.
Diệu Thuần đang ký sách tặng độc giả.
Trong quá trình điều trị, chịu tác dụng phụ của thuốc nên miệng cô bị lở loét, mệt mỏi, chán ăn, da dẻ khô lại và đen, chân tay co quắp, cơ thể suy kiệt nặng, chỉ còn 34 kg, mọi hoạt động phải nhờ y bác sĩ và người nhà giúp đỡ.
Cuộc sống của Thuần là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ để giành giật sự sống. Năm 2012, Diệu Thuần được các bác sĩ ghép tế bào gốc thành công tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Nhớ lại thời gian điều trị đầy đau đớn và ám ảnh đó, Thuần càng cảm thấy biết ơn cuộc đời, biết ơn các y bác sĩ đã tận tâm chữa bệnh cho cô.
Và ngay cả khi đã bị đẩy vào hoàn cảnh khiến con người ta kiệt quệ về ý chí nhất, cô gái này chưa bao giờ đầu hàng số phận. Cô đã viết hai cuốn tự truyện để kể về hành trình chiến đấu với căn bệnh ung thư của mình.
Tháng 8/2012, Thuần ra mắt cuốn tự truyện mang tên "Như hoa hướng dương" kể lại 7 năm đằng đẵng chống chọi lại bệnh ung thư máu.
Cuốn sách chỉ chưa đầy 100 trang, gồm những đoạn nhật ký ngắn, những dòng hồi tưởng và bài thơ cô viết trong những tháng ngày đấu tranh với bệnh tật.
Với nhiều người, cuốn sách là nỗ lực đáng trân trọng, một tấm gương sáng đã gieo thêm rất nhiều hy vọng và động lực sống cho các bệnh nhân ung thư đang gặp bế tắc trong cuộc sống.
Và mới đây, năm 2015, Diệu Thuần cho ra mắt cuốn sách “Muôn ánh mặt trời” kể về quãng thời gian ghép tủy cho tới nay, cũng là một lời cảm ơn cuộc đời, số phận và truyền cảm hứng sống cho những người không may gặp phải những bất hạnh trong cuộc đời.
Từng nhận mình là “yếu đuối nhất trong những kẻ yếu đuối”, cô gái bé nhỏ ấy đã từng rơi vào tuyệt vọng, bị nhấn chìm trong nỗi cô đơn và đau đớn.
Cô đã từng “muốn vào viện và chết ở đó” khi chứng kiến những bệnh nhân khác đã rời bỏ tuổi trẻ, rời bỏ gia đình để ra đi.
Và Diệu Thuần cũng từng phó mặc cho “lão già số phận” đã phũ phàng ném vào cô căn bệnh quái ác khi chưa đầy 18 tuổi, mà bỏ qua quy luật của đời người là “sinh - lão - bệnh - tử”.
Thuần viết: “Tôi nếm trên môi giọt lạnh đầu đông/ Thu đã chết thật rồi xác em gầy trên tay tôi xơ xác/ Mưa lạnh lùng thấm qua tôi phủ vào mục nát/ Khẽ giật mình bởi tiếng gọi hư vô…”.
Một phần là do kiên cường điều trị, một phần là sự may mắn của số phận đã mỉm cười với Diệu Thuần, nên bây giờ cô gái nhỏ nhắn ấy đang trong quá trình bình phục và trở thành một biên kịch phim hoạt hình cũng như tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Thuần tâm sự: “Trải qua thời gian dài điều trị, mình biết rằng ung thư không phải là dấu chấm hết. Bạn không đơn độc trong cuộc chiến với ung thư, hãy sống như những chiến binh khi đối đầu với bạo bệnh và tin vào tiến bộ của y học hiện đại. Chúng ta hoàn toàn có niềm tin và cơ hội”.
Không được may mắn như Diệu Thuần hay Phạm Thu Hạnh, nhà thơ - nhà giáo Nguyễn Hữu Tinh sinh năm 1959, tổ trưởng tổ Văn, trường THPT Nông Cống 1 (Thanh Hóa).
Ông từng xuất bản tập thơ “Dòng sông ký ức” (2014) và vừa hoàn thành tập thơ thứ hai “Lời ru không ngủ” trong những ngày tháng bạo bệnh, chỉ trước vài tháng khi ông mất.
Trong những giây phút đầy mong manh nhất của đời người, trái tim người thầy một đời chở nặng chữ nghĩa chỉ muốn ngân lên lời ru không bao giờ kết thúc, cho dòng sông Yên quê hương, cho những năm tháng tuổi trẻ đã đi qua miền sông Yên, cho gia đình, bạn bè, đám học trò và những dự định của một đời người cầm bút... dang dở.
Thầy đã viết những câu thơ ám ảm:
“Tôi trải qua bao ngày u ám/ Tế bào ung thư réo gọi tử thần/ Trên giường bệnh nghe tiếng chim mê sảng/ Mảnh trời xanh như tàn úa loang dần/ Mọi vật thể như biến hình xộc xệch/ Tôi đợi chờ một tia nắng mong manh”. Và ngay cả khi đã là một người đàn ông lớn tuổi, đối diện với nỗi đau, là nghĩ về mẹ với một bờ vai che chở: “Con không về nữa rồi/ Mặt đất nghe vời vợi/ Lời ru không âm thanh/ Đêm vắng con mẹ thức” (Lời ru không âm thanh).
Chị Ngọc Thanh, giám đốc công ty sách Sun Flower, đơn vị đứng ra in ấn tập sách cho thầy giáo Nguyễn Hữu Tinh chia sẻ:
“Tập thơ “Lời ru không ngủ” là một kỉ niệm ám ảnh đối với tôi. Một ngày tháng 11, nhà thơ Nguyễn Hữu Ngôn (Tổng Biên tập NXB Thanh Hóa) liên lạc với tôi, nhờ tôi giúp ông in một tập thơ của người bạn đồng học trong thời gian ngắn nhất vì tác giả bị ung thư và tình trạng đang chuyển biến rất tệ.
Thầy bị ung thư thực quản.
Khi biết câu chuyện về thầy, tôi rất xúc động và nói với tất cả anh chị em trong công ty nhanh chóng triển khai dàn trang thiết kế và in ấn. Chúng tôi đã hoàn thành tập thơ chỉ trong 1 tuần kể từ khi nhận được bản thảo.
Khi tôi đăng thông tin về một thầy giáo và nguyện vọng cuối đời là xuất bản tập thơ lên Facebook, rất nhiều bạn đọc cảm động và đặt mua sách, chuyển tiền ủng hộ thầy giáo Nguyễn Hữu Tinh.
Khi sách được chuyển đến tận tay thầy Tinh thì thầy rất vui và ngồi dậy ký sách cho từng người. Có hàng ngàn bạn đọc chia sẻ thông tin về thầy trên Facebook và cập nhật chuyển biến về sức khỏe của thầy từng ngày.
Đó là những ngày tháng chúng tôi cảm nhận tình người lan tỏa và ấm áp. Rất nhiều bạn đọc ở khắp mọi miền đến tận nơi thăm thầy và gia đình, mua sách và ủng hộ, động viên tinh thần thầy.
Thầy giáo Nguyễn Hữu Tinh những ngày cuối trên giường bệnh với tập thơ của mình.
Thầy Tinh sống được thêm hơn 1 tháng so với dự đoán của bác sỹ kể từ khi ra mắt tập thơ “Lời ru không ngủ”.
Kỳ lạ là những tác giả bị ung thư mà tôi có dịp làm sách, chưa thấy giây phút nào họ than thở về cuộc sống và bệnh tật. Ngay cả trong thơ tôi vẫn thấy họ hướng về tương lai và những điều tốt đẹp”...
Còn rất nhiều người đối diện với căn bênh ung thư quái ác nhưng bằng nghị lực sống phi thường họ đã làm nên những kỳ tích để lại cho cuộc đời.
Trước mắt họ dù là những cơn đau vật vã, dù là những đợt xạ trị, hoá trị rụng tóc, lả người, dù là nằm bẹp trên giường với những cảm nhận đớn đau nhức buốt tận các tế bào thịt da...
Nhưng sau tất cả, họ vẫn “vịn câu thơ mà đứng dậy” như câu thơ của nhà thơ Phùng Quán. Thơ ca đã giúp họ nuôi sống tinh thần dường như đã mệt mỏi sau những tháng ngày đằng đẵng sống trong tâm trạng của một người biết trước được ngày tận thế của đời mình.
Những câu thơ là phép nhiệm màu để họ chia sẻ, tri ân với độc giả, để họ được kéo dài thêm sự sống dù đó là vài ngày hay vài tháng, vài năm.
Nói như nhà thơ Andeleyev (Nga): “Thơ là chị em của đau buồn. Mỗi một người đau khổ khóc lóc đều là nhà thơ, mỗi một giọt lệ đều là một câu thơ, mỗi một trái tim đều là một bài thơ”.
Và những bệnh nhân ung thư, họ đã có được những trái tim đồng cảm, yêu thương và sẻ chia của cộng đồng, bằng những bài thơ từ trái tim đau đớn ấy...