Trước COVID-19, trong quá khứ nhân loại từng đối mặt với nhiều đại dịch chết chóc, cướp đi sinh mạng hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đến trăm triệu người.
Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Từ đó đến hết năm 2021, đại bệnh do SARS-CoV-2 gây ra này đã khiến hơn 300 triệu người nhiễm bệnh và hơn 5 triệu người tử vong.
Trước COVID-19, trong quá khứ nhân loại từng đối mặt với nhiều đại dịch chết chóc, cướp đi sinh mạng hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đến trăm triệu người.
Bệnh dịch hạch - Cái chết đen
Ba trong số những đại dịch chết người nhất trong lịch sử được ghi lại là do một loại vi khuẩn Yersinia pestis gây ra, còn được gọi là bệnh dịch hạch.
Bệnh dịch hạch khởi phát từ Ai Cập, nơi những con chuột đen mang theo bọ chét chứa mầm bệnh đã theo tàu vượt qua biển Địa Trung Hải tới Constantinople, thủ đô của Đế quốc Byzantine, vào năm 541 sau Công nguyên.
Bệnh dịch đã tàn phá thành Constantinople, nơi hoàng đế Justinian trị vì, và lan rộng như một đám cháy khắp châu Âu, châu Á, Bắc Phi và Arab, cướp đi sinh mạng của 30 đến 50 triệu người, khoảng một nửa dân số thời điểm đó.
Tranh mô tả bệnh dịch hạch hoành hành ở Italy vào thế kỷ 17.
Bệnh dịch hạch chưa bao giờ thực sự biến mất, và khi quay trở lại 800 năm sau, nó đã giết chóc còn thảm khốc hơn. Đại dịch "Cái chết đen" tấn công châu Âu vào năm 1347, cướp đi khoảng 200 triệu sinh mạng trong vòng 4 năm.
Thời đó, người dân vẫn chưa có hiểu biết khoa học về bệnh truyền nhiễm nhưng họ nhận thức được nó liên quan đến việc tiếp xúc với nhau. Các quan chức có tư duy tiến bộ ở thành phố cảng Ragusa, nơi người Venice kiểm soát, đã quyết định cách ly các thủy thủ mới cập cảng cho đến khi họ có thể chứng tỏ rằng mình không bị bệnh. Cũng từ đó mà nhân loại khai sinh ra thuật ngữ "quarantine", có nghĩa là "cách ly".
Thủ đô London (Vương quốc Anh) không bao giờ thực sự được "nghỉ" kể từ sau đại dịch "Cái chết Đen". Bệnh dịch hạch xuất hiện trở lại cứ khoàng 20 năm một lần từ năm 1348 đến 1665, với 40 trận dịch trong vòng 300 năm. Mỗi lần có trận dịch mới, có tới 20% đàn ông, phụ nữ và trẻ em ở London tử vong.
Đại dịch hạch năm 1665 là lần lây lan cuối cùng của dịch hạch và là một trong những trận dịch tồi tệ nhất. Đại dịch đã giết chết 100.000 người London chỉ trong vòng 7 tháng. Tất cả các hoạt động giải trí công cộng đều bị cấm và các nạn nhân buộc phải đóng cửa trong nhà của họ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Cúm Tây Ban Nha
Đại dịch cúm Tây Ban Nha, thường được coi là một trong những dịch nguy hiểm nhất trong lịch sử nhân loại, giết chết khoảng 50 triệu người trong số 500 triệu người mắc bệnh khi nó càn quét châu Âu vào năm 1918 và lan tới Mỹ, giết chết 675.000 người Mỹ.
Con số này còn nhiều hơn số người chết trong Thế chiến I kết thúc vào năm 1918, với khoảng 20 triệu người thiệt mạng.
Làn sóng đầu tiên của đại dịch năm 1918 xảy ra vào mùa Xuân. Người bệnh trải qua các triệu chứng cúm điển hình như ớn lạnh, sốt và mệt mỏi sau đó hồi phục sau vài ngày.
Tuy nhiên, làn sóng thứ hai, dễ lây lan xuất hiện vào mùa Thu cùng năm đó và nạn nhân đã chết trong vài giờ hoặc vài ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng, da của họ chuyển sang màu xanh và phổi chứa đầy chất lỏng khiến họ nghẹt thở.
Vào thời điểm đó, không có thuốc hoặc vaccine để điều trị bệnh hiệu quả. Người dân được lệnh đeo mặt nạ, trường học, nhà hát và các doanh nghiệp bị đóng cửa và các thi thể chất đống trong nhà xác tạm thời, nhiều người phải đào mộ cho chính các thành viên trong gia đình họ.
Nó được biết đến trên toàn thế giới với tên cúm Tây Ban Nha, vì Tây Ban Nha bị ảnh hưởng nặng nề bởi căn bệnh này. Điều khiến đại dịch cúm năm 1918 khác biệt với các vụ dịch cúm khác là các nạn nhân: Thay vì dịch bệnh giết chết người già trẻ nhỏ, nó lại đánh gục những thanh niên hoàn toàn khỏe mạnh, trong khi những đứa trẻ và những người có hệ miễn dịch yếu hơn vẫn còn sống.
Đến mùa hè năm 1919, đại dịch cúm chấm dứt, vì những người bị nhiễm bệnh đã chết hoặc đã phát triển được miễn dịch.
Dịch tả
Vào đầu đến giữa thế kỷ 19, dịch tả tàn phá nước Anh, cướp đi sinh mạng hàng chục nghìn người. Lý thuyết khoa học thịnh hành thời đó cho biết, căn bệnh này lây lan qua một loại khí hôi được gọi là Miasma.
Tuy nhiên, một bác sĩ người Anh tên John Snow nghi ngờ rằng căn bệnh bí ẩn, giết chết nạn nhân trong vài ngày sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, đã ẩn nấp trong nguồn nước uống của thành phố London.
Snow tiến hành điều tra hồ sơ bệnh viện và báo cáo tại nhà xác để theo dõi vị trí chính xác của các ổ dịch chết người. Ông đã tạo ra một biểu đồ địa lý về các ca tử vong do dịch tả trong khoảng thời gian 10 ngày và tìm thấy một cụm 500 bệnh nhân tử vong xung quanh trạm bơm Broad Street, giếng nước nổi tiếng của thành phố.
Từ đó, bác sĩ Snow nghi ngờ về việc ô nhiễm nước từ giếng nước ở Phố Broad là nguyên nhân khiến dịch tả bùng phát mạnh.
Với nỗ lực kiên trì, Snow đã thuyết phục các quan chức địa phương loại bỏ tay cầm bơm ở giếng nước Phố Broad, khiến nó không sử dụng được, và giống như một phép màu, các ca lây nhiễm hết sạch.
Tất nhiên công việc của Snow không dập tắt được dịch tả sau một đêm nhưng đã dẫn đến những nỗ lực toàn cầu để cải thiện vệ sinh đô thị và bảo vệ nguồn nước khỏi nhiễm bẩn.
Mặc dù dịch tả phần lớn đã bị tiêu diệt ở các nước phát triển, nhưng ngày nay nó vẫn là kẻ giết người dai dẳng ở các nước đang phát triển, nơi nước thải chưa được xử lý triệt để và việc tiếp cận nước sạch còn hạn chế.