Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) trong một cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: Sputnik
Hãng Reuters dẫn 2 nguồn tin mới đây cho biết, nỗ lực của Nga nhằm tạo ra một “trung tâm khí đốt” ở Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với tình trạng chậm trễ vì những bất đồng về việc ai sẽ chịu trách nhiệm về dự án này.
Nguồn tin giấu tên nói: “Có những vấn đề về quản lý, hai bên đanh tranh luận xem ai sẽ quản lý trung tâm”.
Một nguồn tin khác thân cận với công ty khí đốt Gazprom cũng thừa nhận có vấn đề liên quan đến quản lý.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất ý tưởng trên vào tháng 10/2022, ngay sau khi các vụ nổ làm hư hỏng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream nối Nga với Đức qua Biển Baltic. Hiện vẫn chưa rõ ai chịu trách nhiệm về các vụ nổ.
Nga coi trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ là một cách để điều chỉnh hoạt động xuất khẩu khí đốt khi các nước châu Âu đã cắt giảm mạnh việc mua vào, hy vọng sẽ bán được một lượng khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ cho các quốc gia không sẵn sàng mua trực tiếp từ Nga.
Nga hiện cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ thông qua đường ống Blue Stream và TurkStream băng qua Biển Đen. Khí đốt qua TurkStream cũng được tiếp tục xuất khẩu sang miền Nam và Đông của châu Âu, bao gồm Hungary, Hy Lạp, Bosnia và Herzegovina, Romania và Serbia.
Một số nước phương Tây lo ngại rằng trung tâm khí đốt Thổ Nhĩ Kỳ có khí đốt của Nga đều có thể cho phép Moskva ngụy trang các mặt hàng xuất khẩu bằng cách trộn nhiên liệu từ các nguồn khác nhau.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện nhập khẩu gần như toàn bộ khí đốt và có cơ sở hạ tầng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng rộng khắp. Ankara tin rằng họ có thể tận dụng các mối quan hệ thương mại hiện có và mới để trở thành một trung tâm khí đốt hàng đầu khu vực.
Châu Âu đã giảm nhập khẩu khí đốt của Nga do xung đột ở Ukraine. Ảnh: Sputnik
Tổng thống Putin cho biết vào tháng 7 vừa qua rằng trung tâm khí đốt vẫn nằm trong chương trình nghị sự và Nga muốn thiết lập một nền tảng điện tử để bán khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vào ngày 4/9, ông Putin cho biết Gazprom đã đệ trình lộ trình xây dựng trung tâm cho công ty năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ BOTAS. Theo ông, các vấn đề bao gồm việc thành lập một nhóm làm việc chung, xây dựng khung pháp lý và các kế hoạch mua bán và chuyển giao khí đốt đã mua.
Điện Kremlin cũng cho biết trung tâm này là một dự án phức tạp cần có thời gian để thành hiện thực. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lần đầu tiên cho biết vào tháng 2 rằng kế hoạch này có thể bị trì hoãn do trận động đất kinh hoàng xảy ra ở phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ đang thúc đẩy chương trình xuất khẩu khí đốt riêng: BOTAS vào tháng 8 đã đạt được thỏa thuận với MVM của Hungary để bán khoảng 300 triệu mét khối (mcm) khí đốt. Điều đó đánh dấu lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý xuất khẩu khí đốt với một quốc gia không phải láng giềng và có thể cho thấy nước này sẵn sàng tăng cường an ninh cung cấp năng lượng châu Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết cũng có thể đưa Đường ống khí đốt tự nhiên xuyên Anatolian (TANAP), vận chuyển khí đốt tự nhiên của Azerbaijan đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, vào trung tâm được đề xuất. Nga cung cấp khí đốt qua đường ống cho châu Âu chủ yếu qua Ukraine với tốc độ hơn 40 triệu mét khối mỗi ngày, chưa bằng một nửa số lượng từng bán cho EU trước xung đột nổ ra qua tuyến đường đó.
Điện Kremlin cho biết đường ống dẫn khí TurkStream không thể thay thế công suất của Nord Stream bị hư hỏng. Vào tháng 8/2023, Gazprom đã cung cấp khí đốt cho EU thông qua Ukraine và TurkStream khoảng 2,84 tỷ mét khối (bcm) khí đốt, trong đó 1,54 bcm được vận chuyển qua Thổ Nhĩ Kỳ và 1,3 bcm qua Ukraine.
Năm 2022, tổng lượng xuất khẩu khí đốt qua đường ống của Nga giảm gần một nửa xuống còn 100,9 bcm, mức thấp thời hậu Xô Viết. Nhiều quốc gia châu Âu cũng đã cam kết chấm dứt hoặc hạn chế nhập khẩu khí đốt từ Nga để cắt giảm nguồn thu của Moskva. Hồi tháng 3, EU cho biết họ sẽ cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong vòng một năm. Anh, quốc gia chỉ nhập khẩu một lượng nhỏ khí đốt của Nga, đã cắt giảm hoàn toàn lượng nhập khẩu.