Những băng cướp quái đản nơi điểm đầu đất nước Quỷ Môn Quan

LỆ ANH |

Quỷ Môn Quan (Chi Lăng, Lạng Sơn) - điểm đầu của đất Việt - là nút cổ chai cạnh thung lũng đá vôi rộng hơn 10km2 này là mảnh đất màu mỡ của những băng cướp tàn bạo. Chỉ trong hơn 10 năm cuối của thế kỷ trước, hàng chục băng cướp đã hoành hành tại đây.

Có những băng cướp khát máu, những băng cướp khôi hài, những băng cướp điên loạn và có cả những băng cướp phải đền tội một cách bí ẩn như bị chính Quỷ Môn Quan báo oán...

Câu chuyện về những vụ cướp kinh hoàng với mức độ liều lĩnh, tàn bạo, khôi hài và kỳ quái vẫn còn in dấu ấn rợn người.

Kỳ 1: Những tên cướp hung hãn nơi Quỷ Môn Quan

Hy sinh để người dân được bình yên

“Già thật rồi anh ạ, đâm lẩn thẩn! Có những sớm, tôi cứ ngóng chỗ này chờ thằng Phong ló đầu lên khỏi đỉnh dốc! Hai mươi lăm năm rồi còn gì”, gặp tôi, cụ Triệu Tiến Thành (xóm 4, khối 10, phường Tam Thanh, TP.Lạng Sơn) lại nói câu đã nói nhiều lần, với nhiều người.

Câu nói cũng cũ kỹ như dáng ngồi của ông cụ vào lúc buổi sớm đầy sương miền biên ải. Cụ là bố của liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Thiếu úy Triệu Văn Phong.

Hôm ấy, ngày 29.10.1987, mùa đông, núi đá vôi lạnh cắt thịt nhưng ông Thành vẫn dậy sớm vì linh cảm hôm nay con ông sẽ về! Hôm nay ông sẽ bắt Phong nói chuyện người lớn đàng hoàng về cô hàng xóm, người hôm nọ xây nhà đã sang gánh gạch giúp.

Ở đâu thì không biết nhưng tại đất Lạng Sơn này, việc sang nhà giúp nhau lúc công chuyện như thế là tình cảm của cô ấy với Phong phải sâu đậm lắm.

Con trai ông thì vô tư, phổi bò, nếu không có tình cảm thì phải nói sớm để cô ấy liệu đường, nếu có tình cảm cũng phải nói sớm để ông còn sang thưa chuyện với người lớn gia đình bên ấy…

Thấy bóng áo sắc phục thấp thoáng dưới dốc, ông quay mặt vào nhà để tỏ rõ là người cha nghiêm khắc. Luồng gió bỗng sập đến sau lưng ông cùng giọng nói nghẹn ngào: “Bác xuống bệnh viện ngay, Phong bị thương, cướp bắn”…

Nhìn mắt người đồng đội con mình hằn tia máu, ánh mắt lảng tránh, ông biết điều xấu nhất đã xảy ra.Đã ba đêm, hai chiến sĩ công an Phong và Tấn chốt chặn tại đèo Sài Hồ (cách Quỷ Môn Quan không xa).

Đã có một toán cướp đến lập đại bản doanh tại khu vực này, chắc chắn chúng sẽ ra tay. Bọn cướp đã lập trận, nhưng giữa vô vàn núi đá, với hàng trăm hang động, biết tìm lũ quỷ này ở đâu, đành phải đón lõng.

Như người đi săn chờ con thú ra uống nước nơi bờ suối, cứ mỗi đêm, các anh đều ém mình trên xe như những bảo tiêu thiện chiến của các tiêu cục lừng danh thiên hạ với phương châm làm nên uy danh “người còn xe còn”.

Đã ba đêm, các anh đỏ mọng mắt với hệ thần kinh căng như dây dàn, hết xuôi lại ngược, từ đầu dốc làng Tổng Cút, xã Bắc Thủy, huyện Chi Lăng lên đỉnh dốc núi Kéo Đòn, xã Tân Thành, huyện Tân Thanh...

Gần 3h sáng 29.10.1987, gió đêm đang hồi buốt nhất, chiếc xe chở gần 80 người ì ạch leo dốc Sài Hồ thì trên xe có tiếng hô “Cướp đây!”, một gã (tên Nam) cầm lăm lăm khẩu súng K54, tên còn lại (tên Vinh) đang lục soát tiền hàng của khách, mồm ngậm trái lựu đạn.

Từ cuối xe, Phong và Tấn từ từ nhích lại, lấy hai thân người bọc trái lựu đạn, bất chợt có khách trên xe hoảng hốt kêu “Công an”, tên Vinh nhả trái lựu đạn ra rút chốt cầm tay rồi gào: “Thằng nào giỏi bắn đi! Hôm nay tao tận số thì cũng là ngày giỗ chiếc xe này”.

Chỉ một cái đưa mắt, hiểu ý đồng đội, Tấn bóp chặt tay cầm lựu đạn rồi ôm tên Vinh lao xuống đất, khi quả lựu đạn với hàng trăm viên bi sắt sát thương bên trong chưa kịp rơi xuống đất thì ngay lập tức Phong lao theo đá bay quả lựu đạn, triền vực lóe lửa màu cam, chiếc xe an toàn.

Chưa kịp vui mừng vì tính mạng gần 80 hành khách được an toàn thì hai ánh lửa lóe lên, tên Nam đã xuất hiện phía sau bắn vào lưng hai chiến sĩ cảnh sát.

Thấy họ gục ngã, hắn chạy sâu vào hang núi. Sau cú ngã, tên Vinh say máu rút súng, móc hai trái lựu đạn hô: “Thịt hết, lựu đạn đâu, giết hết cả xe để bịt đầu mối” và định lao về phía xe.

Gượng chút lực tàn,Tấn ngẩng đầu cầm súng hướng vào tên Vinh bóp cò. Thấy hắn sập xuống như cây chuối đổ, còn tên Phong chạy mất hút vào trong rặng núi, Tấn mới từ từ gục xuống.

Cả hai anh hy sinh! Trung úy Nguyễn Thành Tấn, quê Thái Bình, 26 tuổi, có hai con; Thiếu úy Triệu Văn Phong, quê Lạng Sơn, mới 22 tuổi, chưa có gia đình. Ngày 3.7.1989, cả hai anh được phong Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Đây là hai người anh hùng đầu tiên ngã xuống, mở đầu cho cuộc chiến hơn 10 năm diệt cướp, lập lại bình yên cho xứ Lạng của Công an tỉnh Lạng Sơn và Công an tỉnh Bắc Giang.

Sau sự hy sinh này, việc trấn áp tội phạm xung quanh Quỷ Môn Quan càng trở lên căng thẳng, chỉ trong vài năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, con số những tên cướp bị tiêu diệt tại chỗ là 23 tên, có trường hợp phải dùng hỏa lực mạnh B40, B41, súng phun lửa…


Ông Triệu Tiến Thành - cha liệt sĩ Triệu Văn Phong, người anh hùng đầu tiên ngã xuống trong cuộc chiến lập lại bình yên cho xứ Lạng.

Ông Triệu Tiến Thành - cha liệt sĩ Triệu Văn Phong, người anh hùng đầu tiên ngã xuống trong cuộc chiến lập lại bình yên cho xứ Lạng.

Miền ký ức ám ảnh

Ai đã lên Lạng Sơn vào mùa gió đông đều biết đến tiếng hú của gió khi thổi qua chuỗi hang động của ngọn núi hình mặt quỷ, nó như tiếng gọi từ âm ti, khắc khoải và ghê rợn...

Cụ Triệu Tiến Thành cho biết: “Hàng năm, mỗi độ giỗ của Phong con trai tôi và người đồng đội tên Tấn, tôi hay xuống Thái Bình đón vợ con của Tấn lên đây làm giỗ chung.

Mỗi khi qua Quỷ Môn Quan, nghe tiếng hú ghê rợn ấy từ miệng con quỷ đá, mấy bác cháu, ông con lại rợn người, ôm nhau khóc. Ai ở đây cũng đều muốn quên đi những ngày tháng hãi hùng không xa ấy”.

Cả tháng trời, chúng tôi đi khắp vùng biên tìm nghe những câu chuyện về những băng cướp ngoài những án văn khô lạnh trong tủ lưu trữ và những lời kể ngập ngừng, không hào hứng của những chiến sĩ công an đã lập chiến công.

Hầu như tất cả mọi người dân xứ Lạng đều không muốn nhắc lại cái thời không xa và đầy ấn tượng ấy!

Những chiến sĩ cảnh sát hình sự tham gia phá những vụ cướp tàn bạo giờ cũng chẳng còn mấy người tiếp tục làm công việc trước kia nữa, họ đều đã chuyển sang các bộ phận khác.

Đại tá Hà Đông Dương - nguyên Trưởng phòng Công tác chính trị (PX15) Công an tỉnh Lạng Sơn - nói một câu rất thật: “Tại đây, không ai muốn nhắc đến cái thời kì đó nữa!

Quá nhiều máu và nước mắt của người xứ Lạng đã đổ xuống vì cuộc chiến này”.

Lạ một điều, hầu hết những người xứ Lạng mà chúng tôi tiếp xúc, lấy tư liệu đều ít nhiều có liên quan đến nạn nhân hoặc thủ phạm của 10 năm biên ải đẫm máu ấy.

Một doanh nhân thành đạt của thành phố Lạng Sơn - người có em trai bị cướp sát hại - buồn rầu tâm sự: “Xin các anh đừng nhắc lại nỗi đau ấy. Kẻ cướp giết em trai tôi lại chính là em họ đằng vợ của tôi”.

Nhưng nói thế nào thì cái miền ký ức ám ảnh ấy vẫn sẽ là một phần trong lịch sử đi lên của xứ Lạng.

Xin thắp nén hương cho anh linh những chiến sĩ công an hy sinh trong cuộc chiến tiễu cướp, xin thắp nén hương cho bao oan hồn vô tội… để kể về những ngày tháng hãi hùng năm xưa, để những người trẻ thấy điều quý giá của cuộc sống yên bình đang có nơi xứ Lạng.

Con đường độc đạo 1A, nối cửa khẩu quốc tế Tân Thanh với các tỉnh thành cả nước với ải Chi Lăng lừng danh luôn là mảnh đất màu mỡ cho các băng cướp ẩn nấp, hoành hành.

Từ khi đất nước mở cửa, nơi đây lại càng trở nên kinh hoàng với những băng cướp hiểm ác, gần trăm mạng người (cả nạn nhân và kẻ thủ ác) đã thiệt mạng dưới sự chứng kiến của hòn đá Mặt Quỷ.

Những năm cuối thế kỷ trước, từ ải Chi Lăng đến TP.Lạng Sơn lại rộn lên tiếng súng. Các toán cướp có vũ trang nổi lên như rươi, thậm chí chúng còn chủ động bắn nhau với các chiến sĩ cảnh sát...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại