Sự "keo kiệt" của Apple
Bạn đang gõ vài dòng trạng thái Facebook đăng tải trên iPhone 13 mini thì chuyển qua Safari để kiểm tra vài thông tin. Vài giây sau, bạn quay lại ứng dụng Facebook và thấy ứng dụng đã bị tải lại. Đoạn văn bản gõ suốt nãy giờ cũng biến mất và bạn phải viết lại từ đầu trong sự bực bội.
Điều tương tự cũng đã xảy ra với Spotify, khi bạn rời khỏi ứng dụng trong tích tắc, sau đó quay lại ứng dụng và mọi thứ cũng tải lại từ đầu.
Câu chuyện rắc rối đó có vẻ như không xảy ra trên iPhone 14 Pro khi đây là một thiết bị mới, cao cấp hơn, dù chạy trên một con chip không nhanh hơn nhiều so với con chip trong iPhone 13 mini (hai con chip chỉ cách nhau một thế hệ và được xây dựng trên cùng một quy trình sản xuất).
Chỉ cần là người có chút am hiểu về công nghệ, bạn đã nhận ra nguyên nhân đến từ quản lý RAM của iPhone.
Những mẫu iPhone cơ bản hoặc đời cũ như 13 mini chỉ được trang bị 4GB RAM, một con số được coi là khá nhỏ khi so với điện thoại Android.
Từ trước đến nay, mọi thứ vẫn ổn với người dùng và Apple không mặn mà gì với việc chạy đua RAM với đối thủ, khi iPhone vẫn luôn nổi tiếng là tối ưu và mượt mà ở mức RAM vốn chỉ bằng với những điện thoại giá rẻ trong thế giới Android.
Nhưng mọi chuyện giờ đây đã thay đổi, iPhone cũ dường như cần nhiều RAM hơn, đó là lý do chúng đóng các ứng dụng trong nền và làm chậm toàn bộ trải nghiệm sử dụng điện thoại của người dùng.
iPhone 13 cũng giống như iPhone 12, iPhone 11 và iPhone XS, chỉ đi kèm với 4GB RAM (các mẫu iPhone cũ thậm chí chỉ có 2-3GB RAM), trong khi các mẫu cao cấp hơn được trang bị 6GB RAM.
Cách rõ ràng để kiểm tra hiệu suất của RAM là mở các ứng dụng, sau đó thoát ra và vào lại để xem iPhone có đóng bất kỳ ứng dụng nào trong số đó không. Trang Phonearena đã thử nghiệm bằng cách mở tổng hợp 20 ứng dụng phổ biến trên iPhone 13 và iPhone 14 Pro cùng một lúc, sau đó chờ 30 phút để mở lại ứng dụng.
Kết quả không bất ngờ. iPhone 14 Pro có thể giữ nhiều ứng dụng chạy ẩn hơn so với iPhone 13. Chỉ có một dứng dụng phải khởi động lại trên iPhone 14 Pro nhưng con số này trên iPhone 13 là mười.
Apple cần thay đổi
Apple dường như biết 4GB RAM là không đủ cho iPhone, nên iPhone 15 dự kiến sẽ ra mắt với 6GB RAM, trong khi iPhone 15 Pro có thể được trang bị 8GB.
Có thể trước đây, RAM không phải là yếu tố quan trọng khi chọn mua iPhone, nhưng tình thế giờ đã không còn như xưa. Khi các ứng dụng trên hệ sinh thái iOS ngày càng nhiều và nặng hơn, mức RAM quá ít là không đủ. Bạn có nên mua iPhone đắt tiền hơn, có nhiều RAM hơn hay không? Câu trả lời chắc chắn là có.
Ví dụ: Mặc dù iPhone 13 và iPhone 13 Pro chạy trên cùng một con chip A15 Bionic, nhưng mẫu Pro đi kèm với RAM 6GB, nhiều hơn 2GB so với mẫu tiêu chuẩn, điều này có thể giúp mẫu Pro nhanh hơn khi mở và đóng ứng dụng.
Năm ngoái, Apple đã phân biệt iPhone 14 và iPhone 14 Pro bằng cách cung cấp cho chúng hai con chip khác nhau (A15 Bionic cho iPhone 14 và A16 Bionic cho iPhone 14 Pro).
Điều thú vị ở đây là mặc dù chạy trên hai con chip khác nhau nhưng cả iPhone 14 vanilla và Pro đều có RAM 6GB, về lý thuyết là chúng sẽ có hiệu năng hoạt động gần như tương tự.
Thứ khác biệt duy nhất cũng đến từ RAM, khi iPhone 14 sử dụng RAM LPDDR4X, giống như iPhone 13 và iPhone 13 Pro. Trong khi đó, iPhone 14 Pro sử dụng chuẩn RAM LPDDR5 mới hơn, được cho là hiệu quả hơn 50%.
Rõ ràng, iPhone Pro giờ đây có khoảng cách về hiệu năng (chip và RAM) ngày càng gia tăng so với phiên bản thường.
Apple luôn có những cách nâng cấp rất khó hiểu. Chiếc iPhone đầu tiên có 6GB RAM là iPhone 12 Pro, trong khi chiếc iPhone mới hơn là iPhone 13 chỉ có 4GB RAM.
Quyết định chỉ sử dụng RAM 4GB trên iPhone 13 sẽ khiến chiếc điện thoại này khó lòng duy trì được sức mạnh về lâu dài. Apple vẫn nổi tiếng là mang đến những dòng chip điện thoại với sức mạnh vượt trội, nhưng lại luôn keo kiệt trong việc tăng dung lượng RAM.
Với thực tế hiện tại, đã đến lúc công ty Mỹ cần có sự nâng cấp cân bằng cả về sức mạnh lẫn khả năng đa nhiệm trên các mẫu iPhone mới về sau này, không chỉ là phiên bản Pro mà còn là phiên bản thường.