Giang hồ đe dọa
“Nếu đàn em tao ở tù thằng nào thì mày sẽ không được yên”, là lời đe dọa của một “trùm” giang hồ ở huyện Bình Chánh (TPHCM) với chủ quán cà phê T.A sau khi ông tố cáo ra công an việc hơn 20 tên côn đồ mang đinh ba, mã tấu tới tấn công quán đòi tiền bảo kê ngày 10.3.2019.
Cụ thể, vào thời gian trên, hơn 20 tên xách đinh ba, mã tấu đâm chém loạn xạ nhân viên, đập phá quán cà phê T.A của ông P.A.Tuấn ở xã Long Hưng huyện Bình Chánh TPHCM. Nguyên nhân theo nghi vấn chủ quán thì do ông không chịu đóng tiền bảo kê theo yêu cầu của một “trùm” chuyên bảo kê nơi đây.
Không chỉ gọi điện, đối tượng trên còn buộc ông T ra chợ Hưng Long (xã Hưng Long) để nói chuyện. Ông T vội báo công an rồi ra địa điểm như lịch hẹn. Khi vừa tới chợ thì lại bị hơn 10 tên côn đồ vây đánh. Lực lượng công an xã Hưng Long đã ập tới nhưng phải nổ súng trấn áp thì mới bắt giữ được 2 đối tượng.
Ngang ngược, khinh nhờn luật pháp
Qua một vụ việc đang diễn ra trên cho thấy, sự ngang ngược lộng hành đến khinh thường luật pháp của “xã hội đen” đã đến mức báo động ở TPHCM.
Minh chứng, từ vụ việc giang hồ tấn công quán cà phê trên, chúng tôi đã bí mật tiếp xúc với một số hộ kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Bình Chánh.
Rất nhiều người thông tin trong sợ hãi: Các băng nhóm đòi tiền bảo kê không từ một ai, từ hộ kinh doanh nhỏ lẻ cho đến doanh nghiệp. Người kinh doanh nhỏ lẻ, thậm chí đến gánh hàng rong mỗi tháng phải nộp cho chúng từ 2 - 5 triệu đồng.
Quán xá quy mô lớn hơn, như quán A.T chúng buộc đóng mỗi tháng từ 5 - 10 triệu đồng. Còn những nhà hàng, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lớn trên địa bàn, mỗi tháng phải chia lại cho nhóm giang hồ trên 15 - 20% lợi tức nếu muốn yên thân. Ai không nộp phí bảo kê, hậu quả, hàng chục tên sẽ đến “hỏi tội” như vụ cà phê T.A vừa qua. Vì hầu hết ai cũng ngán ngẩm nên âm thầm chịu đựng mà không đi tố giác với cơ quan chức năng.
Điều đáng nói, tệ nạn này không chỉ dừng TPHCM hay các đô thị tỉnh thành lớn như Đồng Nai, BRVT... mà chui vào hẻm hóc ở vùng quê, “không tha” đến cả kilôgam nông sản của nông dân.
Điển hình, ở Đắk Lắk, trước đây có nhiều băng nhóm đến các nhà vườn sầu riêng trên địa bàn tỉnh đòi tiền. Đến cuối năm 2018, tình hình càng diễn ra phức tạp khi nhóm bảo kê thay đổi thủ đoạn, nhắm đến đối tượng thương lái ở các tỉnh xa để dễ bề trấn lột.
Một trong huyện có nhiều cà phê là Krông Búk, theo Công an huyện này thì có nhiều nhóm đối tượng liên kết với nhóm đối tượng có tiền án hình sự tại địa phương trên địa bàn các huyện Ea H’Leo, Krông Búk, Cư M’gar… hình thành nhóm hơn 10 đối tượng có dấu hiệu ép giá thương lái.
Triệt phá nhiều nhưng chưa tận gốc
Theo nhiều luật sư, không giống như nạn đòi nợ thuê còn có khe hở pháp luật, nạn đòi tiền bảo kê rất rõ dấu hiệu tội phạm như cưỡng đoạt tài sản, hành hung, gây thương tích, phá hoại tài sản... nên dễ luận tội áp dụng hình phạt.
Lực lượng chức năng cũng không khó ở khâu đề nghị khởi tố để Viện kiểm sát phê duyệt sau khi bắt giữ đối tượng.
Điển hình, năm 2018, TAND TPHCM tuyên phạt băng nhóm Khưu Hồng Trọng từ 2 - 6 năm tù về cùng tội danh cưỡng đoạt tài sản. Nguyên nhân băng nhóm trên đã đến buộc một chủ quán phải đóng 20 triệu/tháng nếu không chúng quậy phá “hết đường làm ăn”.
Cũng dịp Tết cổ truyền vừa qua, Tổ công tác 363 Công an TPHCM đã không khó khăn phát hiện bắt giữ một “giang hồ” có số má ở quận 12, nghênh ngang mang roi điện đi lên quận 3 để đòi tiền bảo kê cuối năm.
Nhưng theo nhiều luật sư, hình phạt pháp luật trên cũng chỉ giải quyết khâu cuối cùng, khi sự việc, hậu quả đã xảy ra. Muốn chặn tận gốc tệ nạn này, lại phải từ 2 phía, người kinh doanh và chủ lực là lực lượng an ninh địa phương trong việc nắm vững địa bàn, đối tượng và có phương án ứng phó, xử lý nhanh, kịp thời khi các đối tượng mới manh nha hành động.