Trong sinh vật sống, các cấu trúc như cơ và da thường kết hợp nhiều thuộc tính như sức mạnh và tính linh hoạt một cách dễ dàng. Các nhà khoa học từ lâu đã muốn bắt chước điều này bằng cách sử dụng vật liệu tổng hợp, nhưng khi ép cùng một chỗ, chúng thường bị hỏng, tách rời hoặc rách toạc ở phần tiếp xúc của các thuộc tính khác nhau.
Phó Giáo sư hóa học Zachariah Page cùng các cộng sự ở Đại học Texas tại Austin, Mỹ đã tìm ra cách kiểm soát cấu trúc của một loại vật liệu nhựa, thông qua việc sử dụng ánh sáng và chất xúc tác để thay đổi các đặc tính như độ cứng và độ đàn hồi.
Nhóm nghiên cứu cho biết, họ đã sử dụng monomer, một phân tử nhỏ liên kết với những chất tương tự khác để tạo thành khối xây dựng cho cấu trúc lớn hơn được gọi là polymer. Các polymer trong trường hợp này tương tự như polymer được tìm thấy trong nhựa thông dụng nhất. Vật liệu này cứng hơn cao su tự nhiên gấp 10 lần tại những khu vực có ánh sáng chiếu vào, nhưng vẫn mềm và co giãn ở những khu vực thiếu sáng.
Thí nghiệm có thể thực hiện ở nhiệt độ phòng, với monomer và chất xúc tác có sẵn trên thị trường, trong khi nguồn chiếu sáng là đèn LED xanh đơn giản. Ngoài ra, phản ứng diễn ra trong vòng chưa đầy một giờ và không thải ra chất độc hại, giúp quá trình xử lý nhanh chóng, không tốn kém, tiết kiệm năng lượng và lành tính với môi trường.