Như món hàng ế không tìm được khách mua, thỏa thuận tâm đắc của Mỹ bị "ném đá" không thương tiếc

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Cuộc hội thảo của Mỹ về hòa bình Trung Đông đã bị tẩy chay và bị đánh giá là một sự thất bại ngay trước khi được khai mạc.

Ngày 25-26/6/2019, tại Manama, Thủ đô Bahrain dưới sự bảo trợ của Mỹ đã diễn ra Hội thảo quốc tế "Hoà bình đến thịnh vượng" để thảo luận khía cạnh kinh tế được coi là giai đoạn đầu của "Thỏa thuận thế kỷ" nhằm giải quyết cuộc xung đột Palestine-Israel.

Cuộc hội thảo này được tổ chức theo sáng kiến của Jared Kushner, con rể và là cố vấn cao cấp của Tổng thống Donald Trump về hoà bình Trung Đông.

Phái đoàn Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Stephen Mnuchin dẫn đầu bao gồm Đại diện đặc biệt của Mỹ về các cuộc đàm phán quốc tế Jason Greenblatt, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Kevin Hasset, Đại diện đặc biệt của Mỹ về Iran Brian Hook.

Trong số khách mời có Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế Christine Lagarde, đại diện Liên minh châu Âu, Quỹ tiền tệ quốc tế và Liên Hợp Quốc.

Chính quyền Palestine, các tổ chức và doanh nghiệp Palestine đã tẩy chay cuộc hội thảo. Iraq, Lebanonvaf Kuwait không tham dự. Các nước này cho rằng không thể thảo luận các khía cạnh kinh tế trước khi nói về một giải pháp chính trị - cốt lõi của cuộc xung đột Israel-Palestine.Về phía Israel, chỉ có một số doanh nghiệp và nhà báo tham dự, chính phủ không cử đoàn.

Như món hàng ế không tìm được khách mua, thỏa thuận tâm đắc của Mỹ bị ném đá không thương tiếc - Ảnh 1.

Jared Kushner trình bày kể hoạch của Mỹ tại hội thảo Manama. Ảnh: Al Jazeera

Trong số các nước Ả Rập chỉ có Ai Cập, Jordan, Morocco, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Saudi tham dự. Việc tham dự hội thảo của các quốc gia này là có thể hiểu được.

Ai Cập và Jordan là hai nước đã ký Hiệp ước hoà bình với Israel. Các nước còn lại cử đoàn đến dự, nhưng ở cấp thấp chủ yếu là do quan hệ với Mỹ và để theo dõi, tìm hiểu thêm nội dung của cuộc hội thảo và đánh giá các đề xuất của Washington.

Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shukri nói, chỉ có lãnh đạo Palestine mới có thể quyết định vể "Thoả thuận thế kỷ" của Mỹ. Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Adel Al-Jubair cũng tuyên bố rằng, hội thảo này không liên quan gì đến việc mua bán hoà bình.

Mục tiêu của hội thảo Manama là gì?

Ngày 22/6/2019, tức là trước hội thảo ba ngày, Nhà Trắng đã công bố một tài liệu dài 40 trang về các nội dung kinh tế của kế hoạch hoà bình của J. Kushner, theo đó sẽ huy động số tiền khoảng 50 tỷ USD để đầu tư vào Palestine và các nước láng giềng.

Hơn một nửa số tiền này sẽ được dành cho Palestine trong thời gian hơn 10 năm, để thực hiện hơn 100 dự án thuộc cơ sở hạ tầng, công nghiệp, y tế và giáo dục, phần còn lại sẽ được đầu tư vào các nền kinh tế của Ai Cập, Jordan và Lebanon.

Khoảng 1 tỷ USD sẽ được chi cho các dự án du lịch. 5 tỷ USD khác sẽ được chi cho việc xây dựng một mạng lưới giao thông hiện đại gồm đường bộ và đường sắt cao tốc sẽ được xây dựng nhằm kết nối Bờ Tây với dải Gaza đi qua lãnh thổ Israel.

Như món hàng ế không tìm được khách mua, thỏa thuận tâm đắc của Mỹ bị ném đá không thương tiếc - Ảnh 2.

Người Iraq xông vào Đại sứ quán Bahrainowr Baghdad. Ảnh: Al Jazeera

Nhà Trắng nhấn mạnh rằng mục tiêu của kế hoạch này là tạo ra 1 triệu việc làm cho Palestine và tăng gấp đôi GDP trong vòng 10 năm. Các tác giả của sáng kiến ​​cũng đề xuất mở rộng cảng Ai Cập nằm gần kênh đào Suez, để kích thích thương mại trong khu vực.

Một phần tài trợ sẽ được lấy từ ngân sách của Mỹ, nhưng các khoản đầu tư lớn sẽ phải được thực hiện bởi các quốc gia giàu có vùng Vịnh, phương Tây và khu vực tư nhân.

Để quản lý tài chính và thực hiện các dự án, Mỹ đề xuất thành lập một Ngân hàng phát triển đa quốc gia - Quỹ đầu tư trực tuyến do một hội đồng thống đốc giám sát được chỉ định. Một tỷ lệ nhất định sẽ tìm kiếm thông qua các khoản tài trợ quốc tế và các khoản vay lãi suất thấp.

Hội thảo Manama không đạt được mục tiêu và gây thêm căng thẳng ở khu vực

Có thể nói hội thảo "Hoà bình đến thịnh vượng" theo sáng kiến của Mỹ đã không đạt được kết quả mong muốn nếu không muốn nói là thất bại.

Để giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine, nhiệm vụ chính là tìm cách nối lại lại các cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai phía bị ngưng trệ từ năm 2014 đến nay trên cơ sơ các nghị quyết của Liên Hợp Quốc và các thoả thuận đã đạt được giữa Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã hoàn toàn không được đề cập tới.

Như món hàng ế không tìm được khách mua, thỏa thuận tâm đắc của Mỹ bị ném đá không thương tiếc - Ảnh 3.

Người Palestine phản đối hội thảo Manama. Ảnh: Al Jazeera

Tại hội thảo, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là hai nước có khả năng tài chính to lớn tỏ ra không sẵn sàng chi tiền cho kế hoạch của Mỹ. Các nước này vẫn tuyên bố ủng hộ giải pháp hai nhà nước và người Palestine phải được quyền quyết định vận mệnh của mình. Nhiều nhà quan sát cho rằng, cuộc hội thảo đã thất bại trước khi khai mạc.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nói: "Việc Mỹ chuyển vấn đề từ chính trị sang kinh tế sẽ không giải quyết được cuộc xung đột."

Thủ tướng Palestine Mohammed Ashteh nói: "Không có sự tham gia của người Palestine, Hội thảo kinh tế Bahrain sẽ không thể đem lại kết quả gì."

Ông Saeb Erekat, Tổng thư ký Ban chấp hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) nói rằng kế hoạch của Mỹ do Jared Kushner, con rể của Tổng thống Donald Trump trình bày đang hủy hoại người dân Palestine chứ không phải giúp đỡ họ. Không có một từ nào nói về sự chiếm đóng của Israel, nguyên nhân chính của cuộc xung đột hiện nay.

Khi Mỹ triệu tập Hội nghị hòa bình Madrid năm 1991, hầu hết các nước Ả Rập, đại diện của các cường quốc như Trung Quốc và Nga, các nước châu Âu và các nước khác trên thế giới đã cử đoàn tham dự. Trong khi đó, rất nhiều nước được mời tham dự hội thảo Manama nhưng đã không cử đoàn dự.

Như món hàng ế không tìm được khách mua, thỏa thuận tâm đắc của Mỹ bị ném đá không thương tiếc - Ảnh 4.

Người dân Jordan biểu tình phản đối hội thảo Manama. Ảnh: Al Jazeera

Đáng lưu ý cả chính phủ Israel và Palestine là hai bên xung đột đều không tham dự hội thảo. Báo Haaretz của Israrel viết: "Trong hai năm rưỡi qua, các cố vấn của Trump đã tìm mọi cách để lôi kéo Mahmoud Abbas (Abu Mazen) vào "Thoả thuận thế kỷ", nhưng đều thất bại. Trump đã không đưa ra được một kế hoạch hoà bình nào ngoài việc tiến hành một làn sóng công kích chính quyền Ramallah và thiên vị Israel."

Tờ The Guardian của Anh đưa phóng sự của phóng viên Trung Đông Martin Schulof cho rằng: "Jared Kushner đã không quan tâm đến kế hoạch chấm dứt cuộc xung đột Israel-Palestine và ông đến Bahrain mang theo "Thoả thuận thế kỷ" như một món hàng ế không tìm được khách mua."

Báo New York Times cũng khẳng định: "Hội thảo Manama do Nhà Trắng tổ chức thu được rất ít kết quả và có thể coi như thất bại."

Một phong trào phản đối hội thảo Manama đã bùng phát tại Palestine và các nước Ả Rập.

Ngay tại Bahrain, nơi đăng cai hội thảo, hàng ngàn người dân đã xuống đường biểu tình phản đối kế hoạch của Mỹ. Tại Qatar, Jordan nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra phản đối chính phủ cử đoàn tham gia hội thảo. Tại Iraq, người dân đã xông vào Đại sứ quán Bahrain ở thủ đô Baghdad hạ cờ Bahrain và thượng cờ Palestine lên nóc toà nhà.

Một vở kịch không có sự tham gia của các diễn viên chính

Như món hàng ế không tìm được khách mua, thỏa thuận tâm đắc của Mỹ bị ném đá không thương tiếc - Ảnh 5.

Nếu Hội nghị về Trung Đông do Mỹ tổ chức tại Warsaw, Balan tháng 2/2019 được ví như một "đám cưới không có cô dâu" do Palestine không tham dự đã bị lãng quên, thì hội thảo Manama có thể coi là một "đám cưới vắng mặt cả cô dâu và chú rể" cũng không thể nào đi đến hôn nhân.

Báo The Guardian của Anh còn mô tả cuộc hội thảo này là "một vở kịch không có sự tham gia của các diễn viên chính" thì sẽ không thể đi đến một hồi kết khả dĩ nào.

"Thoả thuận thế kỷ" của Mỹ nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine tuy chưa được công bố, nhưng đã hé lộ những đường nét cơ bản của nó. Việc Mỹ công nhận Jerusalem là Thủ đô vĩnh viễn của Israel, ủng hộ sáp nhập các khu định cư ở Bờ Tây và cao nguyên Golan vào lãnh thổ Israel là hoàn toàn thiên vị Israel và nằm trong kế hoạch nhằm xoá bỏ vấn đề Palestine.

Một kế hoạch như vậy chắc chắn sẽ thất bại và sẽ chỉ làm căng thẳng thêm nguy cơ xung đột.

Một nền hoà bình lâu dài và bền vững chỉ có thể đạt được thông qua việc nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine trên cở sở các nghị quyết của Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, giải pháp hai nhà nước dẫn đến thành lập một Nhà nước Palestine độc lập bên trong đường biên giới trước 4/6/1967 với Thủ đô là Đông Jerusalem.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại