Những lời nhắn nhủ tha thiết
"Bác mình là liệt sĩ hy sinh năm Mậu Thân 1968. Khi ấy, bác còn rất trẻ và chưa có vợ con. Bác đã viết đơn để xin được ra chiến trường. Hiện tại, gia đình vẫn chưa tìm được hài cốt, chỉ có tấm ảnh đã mờ ở bằng Tổ quốc ghi công"...
"Ông mình là liệt sĩ, hy sinh trong chiến trường miền Nam. Mình chưa một lần được gặp mặt ông, cả nhà chỉ gìn giữ một tấm ảnh duy nhất để làm kỉ niệm. Mong bạn phục dựng giúp!".
"Bác mình sinh năm 1949, hy sinh vào những năm bom đạn ác liệt nhất. Sau gần 47 năm hoà bình, thân xác bác vẫn nằm lại đâu đó trên chiến trường. Mong bạn có thể giúp cho gia đình một bức chân dung hoàn chỉnh sau bao năm đi tìm mà không tìm được mộ phần của bác"...
Mỗi dòng nhắn nhủ vào hộp thư đều khiến anh Lê Quyết Thắng (SN 1991, quê Nghệ An) rưng rưng xúc động. Thắng là người khởi xưởng ý tưởng phục dựng ảnh liệt sĩ miễn phí nhằm tưởng nhớ, tri ân các liệt sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc.
Công việc chính là thiết kế nội thất nhưng thỉnh thoảng, anh vẫn nhận lời phục dựng ảnh trên mạng xã hội. Trong số những tin nhắn gửi về, có một tin nhắn đã khiến Thắng rất xúc động, một người con bày tỏ nguyện vọng được phục dựng bức ảnh của bố mình là liệt sĩ hi sinh năm 1972.
Sau khi bức ảnh được phục dựng xong, Thắng cẩn thận đóng khung rồi gửi tặng gia đình. Cũng trong ngày hôm ấy, anh đã chứng kiến những giọt nước mắt của người thân, bạn bè liệt sĩ... Trở về nhà, anh đã bàn bạc với nhóm của mình thực hiện "chiến dịch" phục dựng ảnh liệt sĩ với mong muốn giúp đỡ những gia đình như thế.
Đối với Thắng, mỗi bức ảnh đều chất chứa một câu chuyện đầy xúc động, là hồi ức thiêng liêng về người đã khuất mà những người ở lại muốn gìn giữ. Trong suốt thời gian qua, nhóm anh đã nhận được hàng nghìn yêu cầu gửi về. Tuy nhiên, vì số lượng thành viên có hạn nên tính đến nay, nhóm đã phục dựng 130 bức ảnh chân dung liệt sĩ.
Cứ 8h mỗi ngày, nhóm lại ngồi vào bàn làm việc, có khi kéo dài đến tận 2-3h sáng. Anh cho biết: "Phía sau những bức ảnh đều là câu chuyện mà chúng tôi sẽ kể lại. Chiến sĩ này tên họ là gì, hy sinh năm nào, quân hàm thế nào... Mỗi người khi cầm bút lên để tả lại đều phải tự cảm nhận để làm tốt nhất.
Những bức ảnh gốc mà gia đình gửi đa phần đều đã nhuốm màu thời gian, mất góc, sờn cũ. Có khi là bức ảnh thờ hàng chục năm hay bức ảnh bé xíu đặt trong ví... Thông thường, mỗi bức ảnh sẽ mất tầm 6 tiếng để hoàn thành, nhưng đối với mức độ khó hơn phải mất tầm 2 ngày. Điều quan trọng nhất khi phục dựng ảnh là phải thể hiện được đôi mắt, đó là phần quyết định ảnh mình có hồn, mang tính đặc tả cao nhất", anh Thắng tâm sự.
Như một cuộc đoàn viên
Trong số những gia đình gửi yêu cầu cho nhóm, có một câu chuyện khiến Thắng nhớ mãi. Đó là người chị gái bị liệt chân mong mỏi từng ngày để được thấy hình hài em trai lần nữa. Em trai hy sinh tại Campuchia, chồng bà là cựu chiến binh từng trải qua cảnh lao tù ở Phú Quốc.
Công việc phục dựng ảnh có khi kéo dài đến 2-3h sáng
Lúc Thắng đến Thái Nguyên để trao ảnh cho gia đình, người chị đẩy xe lăn ra, giang tay đón nhận lấy hình ảnh người em trai thân thương, nước mắt chảy dài trên gò má.
Chính vì những câu chuyện xúc động này, nhóm Thắng vẫn đều đặn tổ chức các chuyến đi đến gia đình liệt sĩ để trao tận tay bức ảnh. Rong ruổi khắp các tỉnh thành ở Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, bao giờ trở về nhà, ai cũng mang đầy ắp cảm xúc. Mọi thứ diễn ra như một cuộc đoàn viên đầy thiêng liêng, khi gia đình gặp lại người thân của mình một lần nữa qua bức ảnh.
Nhóm đến nhà người thân liệt sĩ để trao tặng ảnh
"Tôi mong muốn việc làm nhỏ của mình sẽ như lời tri ân sâu sắc dành cho các liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc. Tôi cảm nhận được sự mong mỏi của người thân, có người vừa xem ảnh, vừa khóc, cả gia đình lặng đi đến gần 30 phút, bao nhiêu hồi ức, kỉ niệm của ngày xưa ùa về. Thi thoảng, nhóm lại nhận được con gà, chùm vải, gói trà... của người thân các liệt sĩ. Tôi hiểu đó là những giá trị nằm ngoài vật chất mà nhóm nhận được, là tình cảm được trao gửi", anh Thắng cho biết.
Ban đầu, nhóm chỉ dự định làm tặng 75 bức ảnh, nhưng đến nay con số này đã vượt quá dự kiến. Thắng chia sẻ, anh vẫn mong mỏi các đội nhóm có khả năng làm ảnh khác cũng có thể chung tay làm nên điều ý nghĩa. Bởi mỗi bức ảnh được trao đi, anh đã gói ghém trong đó biết bao sự trân trọng, biết ơn.