Nhóm sinh viên chế gel lành vết thương từ lá sống đời

Nhật Phong |

Từ bài thuốc dân gian chữa lành vết thương, chữa bỏng bằng lá sống đời, nhóm sinh viên ở TPHCM đã sáng tạo ra gel chữa bỏng an toàn, tiện dụng.

Nhóm sinh viên chế gel lành vết thương từ lá sống đời - Ảnh 1.

Nhóm sinh viên nghiên cứu thành công gel trị vết thương từ cây sống đời.

Ấp ủ ước mơ từ mẹo chữa vết thương của mẹ

Nguyễn Lê Trọng Nhân, sinh viên ngành Mạng máy tính, Đại học Công nghệ Thông tin kể, từ nhỏ khi ở nhà, mỗi khi trong gia đình có người chẳng may bị bỏng hay bị thương, mẹ cậu thường lấy lá sống đời hay còn gọi là lá bỏng giã nhỏ đắp lên. Chỉ vài hôm sau là vết thương lành, không cần phải dùng đến loại thuốc nào khác. Nhân ấp ủ suy nghĩ sẽ phải tận dụng thành phần kỳ diệu trong cây sống đời, bằng cách điều chế ra sản phẩm tiện dụng nhất, có thể sử dụng bất cứ khi nào cần.

Từ khi học lớp 11, em bắt đầu ấp ủ nghiên cứu về cây sống đời. Cây sống đời còn có tên gọi khác là cây thuốc bỏng (thường được dùng để chữa bỏng), trường sinh, diệp sinh căn. Cây sống rất lâu, lá rụng xuống mặt đất là mọc rễ phát triển thành một cây con. Đây là một loại cây thường được trồng trong vườn nhà làm cảnh và làm thuốc.

Cây cao cỡ 40 - 60 cm, thân tròn, nhẵn, mọng nước, có đốm tía. Lá mọc đôi, chéo chữ thập, đơn hoặc gồm 3 - 4 lá chét dầy; mép khía răng cưa tròn. Hoa màu đỏ hay vàng cam, rủ xuống trên một cán dài ở ngọn thân hay ở lá bên cạnh. Mùa hoa vào tháng 2 đến tháng 5.

Khi còn là học sinh phổ thông, em chưa có điều kiện nghiên cứu do phải tập trung ôn luyện để thi đại học. Đến khi theo học chuyên ngành mạng máy tính, Nhân vẫn ấp ủ ước mơ thuở nào.

Do không có chuyên môn về lĩnh vực hóa học, chàng sinh viên năm 3 đã tìm kiếm đồng sự là Võ Thị Hồng Ngân (khoa Kỹ thuật xét nghiệm y học, Đại học Nguyễn Tất Thành) để chia sẻ ý tưởng. Hai sinh viên tìm hiểu về các nghiên cứu trước đó mới biết trong lá sống đời có nhiều dược chất giúp cầm máu, kháng viêm, kháng khuẩn và có thể chiết thành gel.

Từ đây, hai sinh viên lên kế hoạch điều chế sản phẩm từ lá sống đời. Trong 5 tháng, nhóm của Nhân thử nghiệm quy trình tạo gel trị vết thương từ lá sống đời quy mô phòng thí nghiệm.

Nhóm chọn giống cây sống đời trong nước, rửa sạch và trích ly các dược chất bằng máy siêu âm. Dịch chiết lá sống đời được phối trộn với cồn 70 độ theo tỷ lệ, cùng với chất tạo gel và collagen từ mỡ cá tra.

Hồng Ngân cho biết, nhóm tự nghiên cứu quy trình tạo collagen từ mỡ cá tra, bổ sung vào gel giúp vết thương nhanh lành và không để lại sẹo. Với mỗi kg lá sống đời, nhóm tạo được 350 ml gel trị lành vết thương.

Sản phẩm dùng cho các vết thương hở ngoài da bằng cách bôi trực tiếp. Với đặc tính mát của lá sống đời, gel có thể điều trị các vết bỏng ở mức độ nhẹ.

Nhóm sinh viên chế gel lành vết thương từ lá sống đời - Ảnh 3.

Cây sống đời.

Vết thương lành từ 1 - 2 tuần

Nhóm thử nghiệm cho khoảng 15 người có các vết thương trên cơ thể, kết quả thời gian lành vết thương từ 1 - 2 tuần, không gây tác dụng phụ. Theo Hồng Ngân, thời gian lành vết thương tùy thuộc vào mức độ tổn thương và cơ địa từng người.

Nhóm đang chờ kết quả kiểm định các thành phần của gel từ Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) để có cơ sở kỹ thuật đăng ký lưu hành sản phẩm dưới dạng mỹ phẩm.

Theo tìm hiểu của nhóm, ngoài tác dụng làm lành vết thương, cây sống đời còn có rất nhiều tác dụng như làm giảm đau, chữa ho, thanh nhiệt cơ thể, đào thải độc tố, cầm máu, sinh cơ, trị phù thũng, hoạt huyết chỉ thống, tiêu viêm.

Bên cạnh đó dược liệu còn có tác dụng điều trị các vết bỏng do nước sôi hoặc do lửa, giải độc rượu. Đồng thời giúp chữa đau đầu, bầm da, sởi, vết đốt của côn trùng, phong ngứa, ra mồ hôi trộm ở trẻ, lợi sữa…

Trong một số tài liệu nghiên cứu, cây sống đời còn dùng để trị viêm họng, lỵ, bệnh trĩ, bỏng do nhiệt, viêm xoang mũi, chảy máu cam, viêm tai giữa, mụn nhọt sưng đau, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, viêm loét dạ dày, viêm đại tràng, bệnh mất ngủ, khó tiểu, tiểu ra máu, đại tiện ra máu, đau lưng, đau nhức xương khớp… Thời gian tới nhóm sẽ nghiên cứu sâu hơn về các hoạt chất này để mở rộng phạm vi ứng dụng của gel.

Nhân cho biết, sản phẩm mới sản xuất ở quy mô phòng thí nghiệm. Nếu được doanh nghiệp đầu tư máy móc, nhà xưởng và hoàn thiện quy trình pháp lý để có dây chuyền quy mô công nghiệp thì giá thành sẽ rẻ hơn và có thể tiếp cận được nhiều người hơn.

Để phát triển thị trường, pháp lý, nhóm có thêm sự tham gia của Võ Hoàng Nhiên (Đại học Kinh tế - Luật), Lê Phương Nghi (Đại học Mở), Nguyễn Thị Như Ý và Hoàng Thị Ngọc Châu (Đại học Tài chính - Marketing).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại