Nhóm người ‘hôi tiền’ 30 triệu của cô gái làm rơi sẽ bị án phạt ra sao?

Minh Phương |

Công an Phường Tân Hưng (Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) đang truy xét những người liên quan vụ cô gái làm rớt 30 triệu đồng và bị 'hôi của'. Nhiều ý kiến cho rằng: Việc nhóm người lao vào "hôi tiền" đánh rơi mặc cho cô gái van xin ở Thành phố Hồ Chí Minh là hành vi vi phạm pháp luật.

Cộng đồng mạng lên án việc một người phụ nữ dừng xe máy để đứa bé xuống nhặt tiền rồi rời đi. Ảnh chụp từ clip.

Cộng đồng mạng lên án việc một người phụ nữ dừng xe máy để đứa bé xuống nhặt tiền rồi rời đi. Ảnh chụp từ clip.

“Nếu số tiền chiếm giữ trái phép trên 10 triệu đồng, người chiếm giữ không trả lại tài sản cho chủ sở hữu có thể bị xử lý hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản”, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết.

Trước đó, cộng đồng mạng xôn xao trước video clip “hôi của” chỉ trong 15 giây với sự tham gia của nhiều người. Sau khi tiền rơi, một số người đi đường đã nhanh chóng chạy ra nhặt, thay vì trả lại cho người bị đánh rơi. Nhiều trang mạng nhanh chóng chia sẻ bài viết và ngập tràn những bình luận chỉ trích, phê phán lòng tham.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, hành vi của một số người lao vào nhặt tiền của cô gái đánh rơi, không trả tiền khi cô gái này đã yêu cầu, thậm chí van xin là hành vi không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Pháp luật Việt Nam quy định: Bất kỳ ai khi thấy tài sản bị bỏ quên, đánh rơi, tài sản không xác định được chủ sở hữu thì người thấy tài sản phải có trách nhiệm thông báo và giao nộp tài sản đó cho chính quyền địa phương để thông báo công khai tìm chủ sở hữu tài sản để trao trả.

Hành vi chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu số tiền chiếm giữ trái phép từ 10 triệu đồng trở lên mà người chiếm giữ không trả lại tài sản cho chủ sở hữu sẽ bị xử lý hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản. Tội chiếm giữ trái phép tài sản được quy định tại điều 176 Bộ Luật hình sự (BLHS) 2015, trong đó, mức phạt thấp nhất đối với tội danh này là phạt tù 3 tháng, cao nhất là 5 năm tù.

"Như vậy, khi cô gái này phát hiện ra mình bị rơi tiền, đã thông báo và đòi lại tiền của những người nhặt được nhưng những người này cố tình không trả lại số tiền chiếm giữ từ 10 triệu đồng trở lên thì người chiếm giữ sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 176 BLHS năm 2015 nêu trên với mức hình phạt có thể đến 2 năm tù", luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, trường hợp nhặt được tài sản của người khác nhưng cố ý không trả được xếp vào hành vi "Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác" có thể bị xử phạt từ 2 - 5 triệu đồng.

Về trách nhiệm hình sự, theo điều 176 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, khung hình phạt áp dụng căn cứ vào giá trị tài sản nhặt được: Phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm đối với hành vi nhặt được/tìm được/bắt được/giao nhầm tài sản có giá trị từ 10 đến dưới 200 triệu đồng nhưng không trả lại.

Điều 176 Bộ luật hình sự 2015, quy định về tội chiếm giữ trái phép tài sản như sau:

1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại