Hôm nay (1/11), họp báo chương trình In the spotlight Contemporary đã diễn ra, với các nghệ sĩ biểu diễn chính là Ngọt – một trong những ban nhạc trẻ đang gây bão trong thời gian gần đây.
Được biết, trong đêm nhạc mở màn cho chuỗi chương trình In the spotlight Contemporary này, chỉ có "1 nghệ sĩ hát chính" duy nhất là ban nhạc Ngọt. Đây cũng là lần đầu tiên Ngọt được hát cùng một dàn nhạc lớn, với sự hòa âm, phối khí chuyên nghiệp.
Việc lựa chọn các nghệ sỹ indie làm "Nghệ sỹ tâm điểm" không nằm ngoài những tôn chỉ và mục đích trong việc hướng đến Chân – Thiện – Mỹ, góp phần tôn vinh và lan tỏa những giá trị nghệ thuật đích thực đến cho đông đảo công chúng ở nhiều lứa tuổi, nhiều tầng lớp khác nhau.
Tại buổi họp báo, các thành viên ban nhạc Ngọt đã chia sẻ thẳng thắn quan điểm âm nhạc của mình.
Thành viên Phan Việt Hoàng: "Chúng tôi bị nói nổi tiếng rồi nên bán vé như diva divo"
Khi giá vé được công bố, tôi nhận được nhiều phản hồi là vì sao lại bán vé đắt thế. Có người còn nói: "Chúng tôi không cần dàn nhạc, chúng tôi chỉ cần ban nhạc Ngọt là đủ rồi".
Đặc biệt, một phóng viên, đồng thời cũng là fan trung thành của nhóm đã nói thẳng: "Bây giờ các ông nổi tiếng rồi, bán vé như diva, divo rồi thì đừng cần đến fan cũ nữa, đừng bao giờ bảo chúng tôi đi nữa". Tôi rất sốc trước câu nói này.
Thành viên Phan Việt Hoàng (ngoài cùng bên phải)
Qua đó, tôi thấy rằng có khá nhiều người muốn đi xem nhóm hát, nhưng lại chỉ có một lượng nhỏ vé là từ 300 tới 500 ngàn thôi, còn lại là tiền triệu. Rất nhiều fan lâu năm của nhóm không có tiền mua vé.
Thế nhưng, với một chương trình có tính chất đầu tư ở cả hai bên như thế này thì mức vé cao hơn cũng không có gì đáng lăn tăn cả.
Hơn nữa, đa phần các bài hát của nhóm từ trước tới nay đều có phần hiệu ứng và hòa âm, phối khí công phu nên việc kết hợp cùng một dàn nhạc chuyên nghiệp để lột tả hết sự công phu, đầu tư đó là điều đáng mừng, giúp thể hiện tác phẩm trọn vẹn, đầy đủ nhất.
Đó cũng là điều tôi mong muốn. Bởi vậy, show nhạc lần này bắt buộc phải bán một mức vé cao hơn.
Thành viên Vũ Đinh Trọng Thắng: "Việt Nam chưa có vị trí nào trong bản đồ âm nhạc châu Á"
Nhân đây tôi muốn nói luôn là chúng tôi sẽ chuyển qua hướng divo chứ không còn là ban nhạc indie nữa.
Điều khó khăn của Ngọt từ trước đến nay là mọi người cứ gọi nhóm là ban nhạc indie chứ chúng tôi không hề tự nhận mình là ban nhạc indie. Chúng viết nhạc trong thời điểm mọi người chuyển sang indie nên cứ cương quyết gọi chúng tôi là indie.
Cách làm việc của nhóm không phải là indie. Chúng tôi làm bất cứ những gì chúng tôi thích và khán giả có thể nghe bất cứ những gì chúng tôi làm ra.
Nếu khán giả thích thì nghe, còn không thích thì thôi. Đó là cơ duyên với hàng trăm, nghìn người rồi. Bởi vậy, tôi không muốn níu kéo khán giả hay indie, nếu cứ níu kéo thì tai họa sẽ xảy ra.
Chuyện bị tẩy chay chỉ nên xảy ra khi mình thay đổi lối sống, con người thôi. Điều đó thì đến giờ vẫn chưa xảy ra với chúng tôi.
Cũng cần nói qua thêm về sự khác biệt giữa indie và mainstream, rằng không có bất cứ ground nào để phân định giữa underground và overground. Tất cả các nghệ sĩ Việt Nam đều là indie hết, vì chúng ta làm gì có nền công nghiệp âm nhạc hoàn thiện đâu. Nói thẳng ra, Việt Nam chưa có vị trí gì trong bản đồ âm nhạc châu Á.
Nhiều nước châu Á hiện nay đang có quá trình trao đổi nghệ sĩ với nhau, lúc đó nghệ sĩ indie vẫn có thể làm việc độc lập và "chơi" cùng khán giả thế giới. Phải như thế mới gọi là ngành công nghiệp âm nhạc, chứ bây giờ Việt Nam chưa hề có ngành công nghiệp âm nhạc.
Bản thân tôi biết mình có khả năng sáng tác nhạc, nhưng lại không biết suy nghĩ như một nghệ sĩ lãng mạn, nên không muốn viết những bài nhạc lãng mạn nữa. Tôi muốn viết những gì bình dị hơn, gắn với cuộc sống hàng ngày hơn.
Tôi không làm việc theo kiểu bắt buộc phải ra bài trong một khoảng thời gian nào đó. Khi nào sản phẩm hoàn thiện đầy đủ, chúng tôi sẽ ra mắt. Đó là lí do vì sao chúng tôi ra sản phẩm lâu hơn ca sĩ khác.
Đối với tôi, chỉ có hai loại âm nhạc: Nhạc hay và nhạc chán! Chúng tôi luôn mong muốn tất cả mọi người trong xã hội sẽ được nghe nhạc hay, bất kể tầng lớp nào, độ tuổi nào.
Tôi mong các bạn trẻ có cơ hội nghe và thích âm nhạc của các ca sỹ gạo cội như Tuấn Ngọc, như Hà Trần, … đồng thời cũng mong các khán giả lớn tuổi có cơ hội nghe và thích nhạc của Ngọt, của Dalab, …
Tôi hoàn toàn tự tin rằng âm nhạc của Ngọt khi được phối hợp với dàn nhạc semi-classics với dàn kèn, dàn dây, dàn bè, … chắc chắn sẽ mang lại nhiều giá trị cho khán giả.
Khi tổ chức đêm nhạc này, tôi rất muốn các bậc phụ huynh sẽ đi xem cùng con mình để thấy được con mình đang muốn gì nghe gì. Chúng ta dù lớn tuổi nhưng vẫn nên hòa nhập với âm nhạc của giới trẻ.