Đề nghị giảm án cho cả 7 bị cáo
Chiều 17/7, khi nêu quan điểm luận tội, đại diện Viện kiểm sát Quân sự Trung ương ghi nhận bị cáo Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) được đại diện Công ty Việt Á nộp thêm 200 triệu khắc phục hậu quả.
Viện kiểm sát cũng ghi nhận Việt đóng góp tích cực, giúp đẩy lùi dịch bệnh trên cả nước. Quá trình điều tra, bị cáo thành khẩn, ăn năn, hối lỗi, nên đề nghị HĐXX Tòa án Quân sự Trung ương giảm hình phạt cho Việt từ 25 năm xuống 22 năm tù.
Tổng hợp với mức án 29 năm tù do TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên, Việt chấp nhận hình phạt 30 năm.
Bị cáo Hồ Anh Sơn (thượng tá, cựu Phó giám đốc Viện nghiên cứu Y dược học quân sự, Học viện Quân y) cũng có tình tiết mới là nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang. Ông có cống hiến trong giáo dục, phòng chống dịch bệnh.
Trong vụ án, Viện kiểm sát cho rằng cần phân hóa vai trò để áp dụng hình phạt với bị cáo một cách công bằng nên đề nghị giảm cho Sơn từ 12 năm xuống còn 10 năm tù.
Tương tự, bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó vụ trưởng Vụ Các ngành Kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN) được đề nghị giảm từ 15 năm xuống 13 năm tù. Tổng hợp với bản án do TAND cấp cao tại Hà Nội, án phạt ông Hùng dự kiến bằng 27 năm tù.
Trước phiên phúc thẩm, bị cáo Hùng được gia đình cung cấp thêm bằng khen của vợ con, bố mẹ vợ, đơn đề nghị xin giảm nhẹ của Thứ trưởng Bộ KH&CN.
Nhóm 4 bị cáo còn lại, gồm: Nguyễn Văn Hiệu (đại tá, cựu Trưởng phòng Trang bị Vật tư); Ngô Anh Tuấn (thiếu tá, Trưởng phòng Tài chính); Lê Trường Minh (thiếu tá, cựu Trưởng ban Hóa dược); Vũ Đình Hiệp (Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á ) đều được đề nghị giảm từ 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo hoặc giảm 2 năm tù giam.
Hành vi của các bị cáo làm mất lòng tin người dân
Hồ sơ vụ án cáo buộc, năm 2020 bối cảnh dịch Covid-19 có nguy cơ lây lan ở Việt Nam, Ban Giám đốc Học viện Quân y có công văn gửi Bộ KH&CN về việc “Đề xuất nhiệm vụ phát triển kit chẩn đoán viêm phổi do vi rút corona” với tổng kinh phí đề tài 18,98 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do vụ lợi cá nhân, Trịnh Thanh Hùng thông đồng với Phan Quốc Việt và Hồ Anh Sơn, đưa Công ty Việt Á vào tham gia Đề tài phối hợp sản xuất kit xét nghiệm thử nghiệm.
Trong quá trình nghiên cứu, Hùng, Sơn, Việt thống nhất đưa bộ kit do Công ty Việt Á cung cấp không được sản xuất theo quy trình nghiên cứu của Học viện Quân y đi thử nghiệm và sử dụng sản phẩm này để nghiệm thu giai đoạn 1 của Đề tài.
Đồng thời, hợp thức tài liệu để Công ty Việt Á được cấp phép, sản xuất thương mại trái pháp luật. Hành vi của các bị cáo đã gây thất thoát lớn ngân sách của Nhà nước 18 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong quá trình mua sắm trang bị, kit test , các bị cáo chỉ định đấu thầu sai quy định đồng thời nâng khống giá. Thông qua việc này, Phan Quốc Việt chi hơn 7,1 tỷ đồng “hoa hồng” cho nhóm sĩ quan Học viện Quân y.
Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội khi tuyên án đánh giá hành vi của các bị cáo là "đặc biệt nghiêm trọng", phạm tội vì động cơ vụ lợi; gây mất uy tín, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào Quân đội, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Vụ gian lận trong quá trình nghiên cứu đề tài kit test này được tòa nhận định có tính chất "đồng phạm giản đơn", trong đó ông Hùng có vai trò chính, khởi xướng; bị cáo Phan Quốc Việt và Hồ Anh Sơn là người thực hành.
Ba người thông đồng giúp Việt Á được tham gia vào đề tài cùng Học viện Quân y, song sử dụng kit test của Việt Á để đưa đi thử nghiệm, nghiệm thu đề tài và được Bộ Y tế cấp phép trái pháp luật.