Trung Quốc ngày 7/12 công bố những thay đổi lớn nhất trong chính sách chống dịch hà khắc Zero Covid kể từ khi đại dịch bắt đầu cách đây 3 năm. Những chính sách nới lỏng mạnh mẽ các quy định chống dịch phát đi tín hiệu sẽ sớm mở cửa trở lại.
Với việc thay đổi các chính sách về chống dịch trên, Chứng khoán BSC cho rằng Trung Quốc có khả năng sẽ dần sớm mở cửa. BSC dẫn theo dự báo của Goldman Sachs, dự kiến Trung Quốc sẽ mở cửa từ đầu quý 2/2023, sau mùa cao điểm đi lại vào Tết Nguyên Đán.
Trung Quốc là đối tác nhập khẩu chính của Việt Nam trong công đoạn xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịch có thể giúp cải thiện một phần tình trạng tăng trưởng xuất nhập khẩu đang chậm dần của Việt Nam. Về những nhóm ngành có thể hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa, BSC đưa ra một vài gợi ý.
Thứ nhất, nhóm cổ phiếu thuỷ sản. Trong suốt giai đoạn năm 2016-2021, thị trường Trung Quốc chiếm trung bình 12,6% tỷ trọng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hàng năm. Dù 2 năm Covid tỷ trọng tiêu thụ thuỷ sản tại thị trường Trung Quốc có phần sụt giảm, nhưng quốc gia này vẫn đóng góp phần khá lớn vào hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
BSC kỳ vọng rằng việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sau thời gian phong tỏa phòng chống dịch sẽ kích thích nhu cầu tiêu thụ thủy sản nội địa, từ đó, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Nhóm phân tích cũng cho rằng việc Trung Quốc mở cửa sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ cá tra tăng cao sau thời gian dài bị kìm nén, giúp cả ngành cá tra tăng trưởng. Các doanh nghiệp thủy sản kỳ vọng được hưởng lợi là những doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc: VHC, ANV, IDI.
Thứ hai, nhóm cổ phiếu bất động sản KCN. Các doanh nghiệp sản xuất được kỳ vọng sẽ mở rộng sản xuất, nâng cao công suất để tận dụng sức mua tăng lên khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế.
Với lợi thế vị trí địa lý thuận lợi để giao thương với thị trường Trung Quốc, chính sách chính trị ổn định cũng như chuỗi giá trị đã được thiết lập trong hơn 2 năm qua, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng đối với các doanh nghiệp FDI khi nhắm đến thị trường Trung Quốc.
Mặt khác, BSC cho rằng nhóm cổ phiếu này còn nhiều ưu thế khác như (1) Nguồn cung hạn chế và nhu cầu phục hồi vẫn là yếu tố giúp giá cho thuê khu công nghiệp duy trì ở mức cao và (2) Hoạt động sản xuất kinh doanh không còn bị gián đoạn do dịch bệnh, (3) Vấn đề pháp lý được giải quyết giúp các DN có thể triển khai để đáp ứng nhu cầu, (4) Triển vọng về cải thiện hạ tầng giao thông được đẩy nhanh trong trung hạn.
Thứ ba, nhóm cổ phiếu dịch vụ hàng không. Với áp lực về kinh tế sẽ là động lực để Trung Quốc tiếp tục phải nới lỏng thêm chính sách Zero-Covid trong năm 2023. Theo đó, BSC giữ kỳ vọng các đường bay quốc tế tới Trung Quốc sẽ bắt đầu phục hồi mạnh mẽ từ Quý 1- Quý 2/2023.
Tuy nhiên, sẽ có sự phân hoá mạnh mẽ trong nhóm này. Đối với các doanh nghiệp Dịch vụ hàng không liên quan hành khách (như ACV) BSC đánh giá tích cực do được hưởng lợi trực tiếp từ sản lượng hành khách phục hồi trở lại.
Đối với các doanh nghiệp vận tải hàng không (như HVN, VJC), BSC đánh giá kém tích cực. Mặc dù nhu cầu đang phục hồi nhưng giá dầu vẫn duy trì ở mức cao trong nửa cuối năm 2022 và 2023 sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vận tải hàng không. Do đó, KQKD vẫn sẽ gặp khó khăn.
Thứ tư, nhóm cổ phiếu chăn nuôi. Giá heo hơi trong nước bật tăng từ đầu tháng 7/2022 do vấn đề về nguồn cung và ảnh hưởng của hiệu ứng “domino” từ giá heo hơi tại thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, xu hướng tăng giá heo hơi Việt Nam cũng được hỗ trợ tích cực bởi giá heo hơi Trung Quốc từ cuối tháng 6/2022, thông qua các kênh xuất khẩu tiểu ngạch.
Tuy vậy, BSC đánh giá tích cực về KQKD năm 2023 của nhóm ngành chăn nuôi nhờ (1) mức nền thấp năm 2022 và (2) biên lợi nhuận gộp kì vọng được cải thiện. Ngoài ra, sự kiện Trung Quốc mở cửa nền kinh tế cũng hỗ trợ giá heo hơi trong nước thông qua các kênh xuất khẩu tiểu ngạch.