Nhóm bạn trẻ Việt kiếm được 4 triệu USD/năm nhờ làm clip trên Youtube

Lan Anh |

Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông, cho biết: "Tôi đã từng gặp những nhóm bạn trẻ họ kiếm được khoảng 4 triệu USD/năm chỉ chuyên làm video clip trên Youtube".

Kiếm triệu đô nhờ Youtube

Việc đăng tải video lên kênh Youtube có thể đem lại mức thu nhập lên đến hàng nghìn USD/tháng cho nhiều người. Theo đó, Youtube sẽ trả tiền cho các kênh của người dùng để đặt quảng cáo của họ.

Để sản xuất video và kiếm tiền với Youtube, người dùng sẽ đăng ký để trở thành đối tác. Có hai cách để trở thành đối tác của Youtube (Youtube Partner), đó là đăng ký trực tiếp với Youtube hoặc đăng ký thông qua một đối tác trung gian hay còn gọi là mạng lưới (Network).

Tỷ lệ doanh thu từ quảng cáo sẽ phụ thuộc vào nhóm thị trường và nhiều yếu tố khác như lượng người dùng theo dõi, lượt tìm kiếm... Thông thường một video có 1.000 view sẽ được trả 0,1-1 USD. Ngoài ra, Youtube Partner được hưởng 0,03 – 0,05 USD đối với mỗi cú nhấp chuột vào video quảng cáo.

Nhiều bạn trẻ có thể kiếm được hàng chục triệu/tháng nhờ vào công việc này. Đối với những kênh được nhiều người đăng ký và theo dõi, mức thu nhập có thể lên đến hàng trăm triệu.

Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông, cho biết ở Việt Nam hiện có 78.000 kênh Youtube của người Việt. Ông nói thêm: "Tôi đã từng gặp những nhóm bạn trẻ họ kiếm được khoảng 4 triệu USD/năm chỉ chuyên làm video clip trên Youtube".

Quảng cáo bị gắn vào video xấu, độc

Kiếm tiền nhờ Youtube phát triển kèm theo tình trạng video xấu, độc tràn lan. Năm 2017, Bộ Thông tin & Truyền thông phát hiện quảng cáo của nhiều nhãn hàng bị gắn vào các video xấu, độc trên Youtube. Theo Bộ TT&TT, những video xấu, độc bao gồm các nội dung như chống phá Nhà nước, nội dung khiêu dâm, thậm chí là ấu dâm hay đưa các thông tin sai sự thật…

Nhiều nhãn hàng lớn như Vinamilk, Yamaha, Vietnam Airlines, FPT… cũng bị gắn quảng cáo với các video xấu, độc kể trên. Kết quả là nhiều thương hiệu ngừng quảng cáo với Youtube. Trong khi các nhiều kênh kiếm được không ít tiền quảng cáo thì các hãng không khỏi lo ngại thương hiệu của mình bị ảnh hưởng.

Với yêu cầu của Bộ TT&TT, Google đã tích cực tăng cường bộ lọc để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, sau gần một năm thì Google vẫn loay hoay chưa tìm ra giải pháp triệt để.

Ông Tự Do cho biết Bộ TT&TT đang đề xuất giải pháp lập ra danh sách tài khoản sạch (White list) và danh sách tài khoản xấu độc (Black list) cho Youtube. Theo đó, Bộ TT&TT khuyến khích những người sản xuất video trên Youtube, hưởng thu nhập từ quảng cáo đăng ký với Bộ.

Từ đó, Bộ sẽ đưa ra một danh sách các kênh uy tín trên Youtube. Có thể hiểu rằng đây chính là công tác tiền kiểm thay vì hậu kiểm như cách mà Youtube đang áp dụng.

Ông Tự Do nói thêm: "Khi người dùng mạng xã hội không sử dụng tên thật thì họ có tâm lý là mình muốn nói gì cũng được. Khi họ có nhân thân thật sự thì tất cả các hành vi họ đều thận trọng".

Theo ông Tự Do, đây không chỉ là biện pháp kiểm soát hiệu quả mà còn giúp Nhà nước dễ dàng thu thuế với hoạt động kiếm tiền trên Youtube.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại